Phan gắn bó với FPT từ lúc rời giảng đường đại học. Sau 4 năm làm việc, anh trở thành một chuyên gia có kinh nghiệm. Anh sống hòa đồng, làm việc chăm chỉ, hay giúp đỡ người khác. Anh cũng thường tích cực tham gia các hoạt động tập thể. Ai cũng nghĩ, anh hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Đột ngột, anh làm đơn xin thôi việc. Lãnh đạo từ Bộ phận đến Công ty lúc đó mới giật mình. Họ ra sức thuyết phục, họ kể lể những kỷ niệm tình đồng chí, đồng đội để anh động lòng… Nhưng Phan không thay đổi quyết định.
Đối với Phan, ra đi là điều bất đắc dĩ. Năm này qua năm khác, từ các buổi nói chuyện với Trưởng Bộ phận hay các kỳ checkpoint, anh trình bày rất rõ “Kiến nghị” tăng lương của mình nhưng chưa bao giờ nguyện vọng của anh được quan tâm.
Một năm sau, một bộ phận khác trong công ty có nhu cầu tuyển quản trị dự án. Giám đốc Bộ phận này nghĩ ngay đến Phan và đã thuyết phục anh quay lại FPT. Anh đồng ý về theo dạng “cầu hiền” với mức lương mà cả anh và ông Giám đốc đều hiểu là “đúng giá thị trường”.
So với đám bạn cùng lứa, cùng ra trường và vào FPT cùng một ngày, anh đã làm một bước đại nhảy vọt về lương. Ai đó cười buồn: “Hay là bọn mình cũng làm như thằng Phan. Nó đi đường vòng, mình đi đường thẳng, tưởng ngắn hơn; ai dè, toán học và cuộc sống chẳng có gì liên quan tới nhau”.
Lời bàn:
“Cầu hiền” là một chính sách quan trọng trong chiến lược phát triển của FPT. Nhưng cầu hiền như trong câu chuyện trên thì thật lẩm cẩm.
Chúng ta có 2 cái sai: Thứ nhất, có sẵn hiền tài trong nhà mà không biết; Thứ hai, quá ngây thơ khi tin rằng, “hiền tài” chỉ cần tình chứ không cần tiền.
Thực ra, chúng ta cũng sẵn sàng trả lương “đúng giá thị trường” cho các chuyên gia giỏi, nhưng đáng tiếc là chỉ áp dụng cho các trường hợp chuyên gia được tuyển dụng theo dạng “cầu hiền” từ bên ngoài. Còn đối với chuyên gia trong nhà, chúng ta ít khi chịu khó tìm hiểu xem, với trình độ như thế, nếu làm ở những công ty khác, họ sẽ được trả lương bao nhiêu. Quả là không công bằng với những cán bộ gắn bó nhiều năm với FPT.
Và bản thân Phan cũng chẳng hạnh phúc gì!
Từ ngày quay lại FPT, Phan đã trở thành con người khác. Anh không tham gia sinh hoạt tập thể, tránh chỗ đông người, ngại gặp sếp. Ngay cả với đám bạn bè chiến hữu trước đây, anh cũng cảm thấy có phần gượng gạo… Bởi trước mắt họ, có vẻ như anh là người ích kỷ, vụ lợi. Không ai còn nhận ra chàng kỹ sư trẻ tuổi máu mê ngày nào. Hàng ngày, anh đi làm đúng giờ, cố gắng hoàn thành tốt các công việc được giao. Anh ít hợp tác với mọi người và hầu như chẳng có ai giúp đỡ anh nữa. Phan trở nên chín chắn và già ở tuổi thanh niên. Phan cũng phải chịu hậu quả từ sự bất hợp lý trong chính sách nhân sự của FPT.
Chúng ta mong muốn FPT không chỉ là môi trường thu hút hiền tài, mà còn là môi trường cho hiền tài phát triển và thành đạt. Quan tâm và đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu của cán bộ đang làm việc phải là một chính sách quan trọng nhất trong chiến lược nhân sự của FPT nói chung cũng như chính sách “cầu hiền” nói riêng