Người thuyền trưởng tài ba

9:22 05/11/2014

Bài viết này tôi viết tặng anh Phạm Minh Tuấn – Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Phần mềm FPT tại TP HCM. Đối với tôi anh thật sự là một người lãnh đạo tài ba.

Anh Phạm Minh Tuấn hiện đang giữ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT.
Anh Phạm Minh Tuấn hiện đang giữ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT.

Nhớ những ngày đầu bước chân vào FSoft, tôi vẫn chưa biết mặt anh và thậm chí cũng chẳng biết tên anh và không biết anh là giám đốc công ty. Cho đến một ngày, khi tôi được nhận phần thưởng đầu tiên từ FSoft, giải thưởng trong đợt tuyển dụng đặc biệt 2005 do FIST (HCD ngày nay) tổ chức, anh Tuấn đã lên trao trao thưởng cho tôi. Đến lúc đó, tôi mới biết anh là giám đốc công ty.

Cảm giác lúc đó của tôi đối với anh hoàn toàn khác với những gì trong tưởng tượng của tôi về giám đốc của một công ty lớn. Anh khá bình dị và thân thiện. Tôi còn nhớ câu nói lần đầu tiên khi anh trao thưởng cho tôi, anh nói: “Triều đây à? Được “nuôi” ở nhật có khác!”. Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể xác định được câu nói lúc đó của anh là khen hay “chê”. Trong hơn một năm đầu làm việc ở Fsoft, tôi làm việc với tư cách comtor (biên phiên dịch tiếng nhật) đầu tiên của G3 cho nên tôi không có điều kiện được tiếp xúc nhiều với anh, chỉ biết anh qua những lời “đồn đại” như: Mr. comment, chuyên gia hát nhạc “Rap” không biết mệt mỏi trong các kỳ tổng kết, “nhạc trưởng” của ban lãnh đạo trong các giải đá banh FPT, vân vân và vân vân…

Qua sử ký, tôi còn được biết anh thích ăn bò bía, xí muội… Điều này cũng làm tôi khá bất ngờ, trước đó tôi cho rằng anh là giám đốc chắc chỉ thích ăn những món sơn hào hải vị thôi chứ đâu để ý tới những món bình dân như thế. Cho đến đầu năm 2007, tôi bắt đầu chuyển công tác lên bộ phận JQA, bộ phận đào tạo tiếng nhật cho kỹ sư (bộ phận JCD ngày nay), vào thời điểm đó JCA vẫn còn được gọi với cái tên là JQA giống như cách gọi của FSoft Hà nội và Đà nẵng. Ngày đầu tiên khi tôi chính thức chuyển lên JCA, anh Tuấn đã gọi tôi vào nói chuyện. Anh nói về những định hướng và mục tiêu cần phải đạt được và tầm quan trọng của công việc đào tạo tiếng nhật cho kỹ sư mà tôi sẽ đảm nhận. Lúc đó tôi mới cảm nhận được tại sao anh lại được mọi người gọi bằng cái tên “Mr. comment”. Tuy anh không phải là chuyên gia tiếng nhật nhưng anh vẫn có thể nói một cách hết sức “hùng hồn” về các chiến lược cho bộ phận JCA, bộ phận chuyên đào tạo tiếng nhật và tôi hoàn toàn bị thuyết phục bởi những lý lẽ anh đưa ra.

Câu anh dặn dò tôi trước khi kết thúc buổi nói chuyện là: “Hãy cố gắng đến cùng, đừng bỏ cuộc”. Tôi bắt tay vào công việc đào tạo tiếng nhật cho kỹ sư bằng việc xây dựng câu lạc bộ nhật ngữ FKC (CLB FKC) tại FSoft, với mong muốn tạo dựng một môi trường nhật ngữ, thu hút các nhân viên FSoft (FSofter) tham gia và nâng cao khả năng tiếng nhật. Tôi lên kế hoạch và chi phí hoạt động đưa lên anh xem xét và phê duyệt. Anh đã ủng hộ và phê duyệt cho kế hoạch của tôi. Trước khi CLB FKC bắt đầu đi vào hoạt động, tôi rất tự tin vào sự thành công của CLB vì thời còn học đại học, tôi cũng đã từng đảm nhận chức vụ trưởng CLB tiếng nhật và đã rất thành công. nhưng mọi thứ không đơn giản như tôi nghĩ. Thời gian đầu, mặc dù đã dùng rất nhiều cách để quảng bá và thu hút các FSofter tham gia sinh hoạt hàng tuần vào mỗi chiều thứ bảy, nhưng số lượng người tham gia vẫn không đủ như mong muốn. Có rất nhiều lý do nhưng chủ yếu là do: bận dự án, CLB tổ chức vào ngày thứ bảy bị trùng với nhiều sự kiện lớn của các phòng ban và CLB khác… Cuối cùng, tôi đã phải quyết định dừng hoạt động của FKC một thời gian. Lúc đó, tôi cảm thấy hết sức chán nản vì công việc đầu tiên của tôi tại JCA đã không thành công như những gì tôi trông đợi. Tôi vào gặp anh Tuấn và báo cáo cho anh biết tình hình: “Có lẽ em phải dừng hoạt động của CLB FKC và không thể tiếp tục được nữa”. Một lần nữa anh lại động viên tôi, anh nói: “Đây là một công việc khó khăn, không thể thành công được trong một sớm, một chiều, em hãy tiếp tục việc xây dựng môi trường học tiếng nhật. Anh nghĩ vấn đề ở chỗ thời gian hoạt động của CLB chưa thật sự phù hợp với các FSofter và nội dung chưa thực sự thu hút mọi người tham gia. Em nên suy nghĩ về điểm này và tiếp tục xây dựng FKC”. Làm việc với anh, tôi nhận ra rằng anh có cách quản lý rất hay. Anh không chỉ định cụ thể là tôi phải làm gì, phải làm như thế nào, anh chỉ đưa ra ý kiến và những vấn đề mang tính gợi mở để tôi tự tìm ra cách giải quyết và phát huy tất cả khả năng của bản thân.

Sau lần thất bại đầu tiên xây dựng FKC và sau khi nhận được “comment” (lời khuyên) từ anh Tuấn, tôi đã suy nghĩ rất nhiều để tìm ra cách khắc phục sự hạn chế về thời gian và nâng cao chất lượng nội dung cho CLB FKC. Và cuối cùng, tôi đã tìm ra được cách giải quyết các vấn đề trên, đó là website tự học tiếng nhật FKC. Với sự ra đời của trang web này, tất cả các FSofter có thể học, ôn tập và nâng cao tiếng nhật bất cứ lúc nào có thời gian rảnh rỗi. Để nâng cao chất lượng nội dung trang web và thu hút được đông đảo các FSofter tham gia hơn, ngoài việc đăng tải các tài liệu và bài học tiếng nhật, tôi còn kết hợp đăng tải các bài hát nổi tiếng của Nhật Bản, các bài viết về văn hóa nhật Bản, các tập phim anime và phim truyền hình của nhật trên website để mọi người có thể vừa giải trí, vừa học tiếng Nhật. Thời gian đầu hầu như chỉ có một mình tôi đảm nhận việc đăng bài trên FKC nhưng sau đó tôi nhận được sự trợ giúp của một số FSofter trong việc cập nhật và đăng bài trên FKC. Kết quả là đến thời điểm hiện tại, khối lượng dữ liệu đã được đăng tải trên trang web FKC đã khá đồ sộ và phong phú, số lượng người tham gia CLB
FKC ngày càng đông. FKC đã được hội đồng IP đánh giá là IP rank B trong quý 1 năm 2008. nhờ sự động viên và góp ý của anh Tuấn, tôi đã bước đầu thành công trong việc xây dựng CLB nhật ngữ FKC.

Sau khi thành công trong việc xây dựng môi trường học tiếng nhật tại FSoft HCM, tôi bắt đầu triển khai bước tiếp theo là: Xây dựng và đào tạo tiếng nhật. Trước khi bắt tay vào làm, tôi cũng đã có vào trao đổi và xin ý kiến của anh Tuấn. Tôi đã nói với anh Tuấn nguyện vọng của tôi là sẽ tự đứng ra mở lớp và giảng dạy tiếng nhật cho các FSofter. nhưng anh Tuấn đã không đồng ý với tôi, anh nói: “Em chỉ nên đóng vai trò thiết kế và quản lý lớp, nếu em muốn dạy tiếng nhật thì em chỉ nên dạy những lớp đặc biệt và đặc thù của riêng FSoft thôi. Nếu em tham gia tất cả các lớp thì em sẽ chẳng thể làm được một việc gì khác nữa”. Lúc đó tôi đã không đồng ý với anh vì tôi rất tự tin vào khả năng giảng dạy tiếng nhật của bản thân mình.

Đến bây giờ tôi mới nhận ra rằng những điều anh nói với tôi là hoàn toàn đúng. Hiện tại, tôi chỉ làm việc với trường để thiết kế các lớp học phù hợp với nhu cầu của công ty, phù hợp với trình độ của các kỹ sư FSoft. Tôi chỉ đảm nhận những lớp chuyên biệt như lớp dạy phát âm, lớp dạy Hán tự Kanji… Chính vì thế mà công việc của bộ phận JCD tôi đảm nhận ngày càng tiến triển theo chiều hướng tốt. Cả tôi và anh đều cảm nhận được chúng tôi đã đi đúng hướng, bước đầu thành công trong việc xây dựng mô hình đào tạo kỹ sư tiếng nhật cho FSoft, một mô hình chưa từng có trước đó. Nếu như tôi không nghe theo lời khuyên của anh, thì bây giờ tôi chỉ dừng lại ở vai trò một giáo viên đào tạo tiếng Nhật như bao giáo viên dạy tiếng nhật tại các trung tâm tiếng Nhật khác.

Được làm việc với anh Tuấn tôi đã học hỏi được rất nhiều điều. Tôi học được cách lên kế hoạch để đạt được các mục tiêu đề ra, cách quản lý công việc, quản lý con người và hơn hết là khi làm việc với anh, tôi có thể nhận được những “comment” hết sức hữu ích từ anh. Chúc anh luôn có sức khỏe và sáng suốt để tiếp tục lèo lái con thuyền FSoft HCM ngày càng phát triển.

Trần Đức Hải Triều –  FSoft HCM

Trích “Sử ký FPT 20 năm”.

 

Cùng chuyên mục

Đăng Kí học Fpoly 2023

Bình Luận