Theo TS Lê Mỹ Phong, thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có hai loại điểm cộng là: điểm cộng ưu tiên và điểm khuyến khích. Ông Phong cũng đưa ra 5 lời khuyên để học sinh dự thi năm nay lưu tâm.
Lãnh đạo sở GD&ĐT vào Ban đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Chia sẻ trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp tại ĐH Bách khoa Hà Nội (ngày 17/3), TS Lê Mỹ Phong, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, năm nay, Ban đề thi tốt nghiệp THPT không chỉ có lãnh đạo cục, vụ trực thuộc Bộ GD&ĐT mà còn có lãnh đạo các sở GD&ĐT.
Theo TS Lê Mỹ Phong, điều chỉnh trên để đề thi được ra vừa sức với học sinh, đảm bảo các mục đích của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và đủ độ tin cậy, phân hóa để các cơ sở đào tạo có thể sử dụng vào việc tuyển sinh.
Nếu năm nay thí sinh dự thi nhưng chưa đỗ tốt nghiệp hoặc chưa đạt mức điểm để xét tuyển đại học thì có thể thi lại vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, TS Lê Mỹ Phong thông tin và cho biết, đề thi sẽ phù hợp với chương trình mình được học.
Có hai loại điểm cộng
Học sinh dân tộc thiểu số ở Hà Nội có được cộng điểm ưu tiên không? Trả lời câu hỏi này, TS Lê Mỹ Phong cho biết, theo quy chế sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vừa ban hành, có hai loại điểm cộng là: điểm cộng ưu tiên và điểm khuyến khích.
Với điểm cộng ưu tiên có ưu tiên đối tượng và khu vực. Thí sinh là con em diện chính sách, con em dân tộc thiểu số nếu sống ở thành phố cũng được cộng điểm ưu tiên nhưng mức điểm sẽ khác với thí sinh thuộc đối tượng này sống ở vùng khó khăn.
Còn điểm khuyến khích sẽ dành cho thí sinh có những giải thưởng, chứng chỉ nằm trong quy định của Bộ GD&ĐT.
5 lưu ý với Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Nhấn mạnh, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cơ bản giữ ổn định như năm 2023, TS Lê Mỹ Phong đưa ra 5 lời khuyên để học sinh dự thi năm nay lưu tâm:
Thứ nhất, để tự tin bước vào kỳ thi và thu nhận kết quả tốt, học sinh cần chủ động ôn tập, bám sát nội dung được dạy học ở trường và sách giáo khoa. Ngoài ra, các em có thể rèn luyện bằng cách làm các đề thi dựa theo cấu trúc đề thi minh họa đã được Bộ GD&ĐT ban hành. Trong quá trình rèn luyện, các em không chỉ ghi nhớ tốt kiến thức mà còn rèn kỹ năng làm bài thi để có tâm lý vững vàng khi bước vào kỳ thi.
Thứ hai, học sinh cần lưu ý việc chọn môn thi. Theo quy định, học sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT năm nay sẽ phải đăng ký thi 4 bài trong tổng số 5 bài thi của kỳ thi này. Trong đó, có bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 trong 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. “Các em học ngoại ngữ là tiếng Anh nhưng vẫn có thể đăng ký thi ngoại ngữ khác như: tiếng Pháp, tiếng Trung, Tiếng, Đức…”, TS Lê Mỹ Phong cho hay.
Thứ ba, với thí sinh tự do (đã tốt nghiệp nhưng dự thi để sử dụng kết quả xét tuyển đại học), các em muốn dự thi 1-2 môn thành phần của bài thi tổ hợp, cần nghe phổ biến kỹ quy định thời gian nào vào phòng thi, thời gian chờ để thi. Trường hợp thí sinh thi môn thành phần đầu tiên và sau cùng thì thời gian chờ ở đâu…?
Thí sinh chưa tốt nghiệp THPT sẽ phải làm trọn vẹn 1 trong 2 bài thi tổ hợp. Thí sinh tự do có thể được chọn môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp dự thi để xét tuyển đại học nhưng cũng không được đồng thời chọn môn thi thành phần của cả hai bài thi tổ hợp.
Thứ tư, mỗi thí sinh sẽ được cấp 1 tài khoản phục vụ việc dự thi và xét tuyển. Các em cần bảo mật tài khoản này để đảm bảo không bị người khác truy cập, sửa chữa thông tin của mình.
Kỳ thi năm nay, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các đơn vị dự thi phải hỗ trợ thí sinh một số việc như: tra cứu thông tin về diện ưu tiên khu vực để cung cấp cho thí sinh đăng ký chính xác. Các em cần nhớ cập nhật đủ dữ liệu để đảm bảo quyền lợi.
Thứ năm, thí sinh cần đọc kỹ quy chế và lưu ý phần trách nhiệm của thí sinh khi dự thi để biết các em được và không được mang gì vào phòng thi, tránh bị xử lý kỷ luật, ảnh hưởng đến kết quả thi.
Nguồn Cổng Thông tin điện tử Chính phủ