Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, tới tối 25.7, đã có 520.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học lên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ, với tổng số 2,4 triệu nguyện vọng.
Trên toàn quốc, hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Như vậy, con số 520.000 thí sinh đã đăng ký nguyện vọng lên Hệ thống chiếm khoảng 1/2.
Tới 17h ngày 30.7, Hệ thống đăng ký nguyện vọng xét tuyển của Bộ GD-ĐT sẽ kết thúc việc nhận đăng ký của thí sinh. Như vậy thí sinh chỉ còn khoảng 5 ngày nữa để đăng ký, sắp xếp, điều chỉnh nguyện vọng.
Bộ GD-ĐT lưu ý thí sinh không nên chờ đến sát thời điểm cuối cùng, bởi lúc này có thể nhiều người đăng ký, gây nghẽn mạng.
Chia sẻ tại Ngày hội tư vấn lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng 2023 vừa tổ chức, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho rằng việc nhiều thí sinh chưa đăng ký nguyện vọng trên Hệ thống có thể do các em còn đang phân vân, băn khoăn chưa ra quyết định.
“Nhưng cũng có thể các em đang hiểu nhầm một số thông tin nào đó, nghĩ rằng mình đã trúng tuyển sớm (trúng tuyển có điều kiện vào một số trường đại học) và nghĩ rằng không cần đăng ký trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT nữa”, bà Thủy nói.
PGS Thủy lưu ý, nếu thí sinh đã tham gia xét tuyển sớm và trúng tuyển có điều kiện ở một số trường đại học, các em vẫn cần đăng ký nguyện vọng một cách chính thức trên Hệ thống của Bộ GD-ĐT. Nếu không đăng ký, các em sẽ lỡ cơ hội vì chưa được công nhận trúng tuyển chính thức.
Khi đăng ký lên Hệ thống của Bộ GD-ĐT, thí sinh sẽ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng duy nhất và cao nhất theo mong muốn cũng như thực lực của các em. Có nghĩa thí sinh có thể trúng tuyển sớm tới 10 trường, nhưng các em chỉ có thể vào học ở 1 ngành, 1 trường duy nhất. 9 vị trí còn lại sẽ dành cho thí sinh khác.
Đây cũng là cách Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT lọc đi số lượng thí sinh ảo và dành vị trí cho các thí sinh khác xếp hàng sau.
Trong việc sắp xếp nguyện vọng xét tuyển, PGS.TS Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển khuyên thí sinh “không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ”. Theo đó, thí sinh không nên chỉ chọn một nguyện vọng, tuy nhiên số nguyện vọng đăng ký cũng không nên quá nhiều.
PGS Nguyên cho rằng, thí sinh nên chia số nguyện vọng này thành 3 nhóm. Nhóm nguyện vọng thứ nhất, xếp lên cao nhất là nguyện vọng các em yêu thích, có phần hơi “mơ mộng”, tức điểm chuẩn các năm cao hơn so với điểm chuẩn thí sinh đang có.
Nhóm thứ hai là nhóm nguyện vọng vừa sức với điểm của thí sinh. Lúc này, các em có thể cân nhắc các trường cùng đào tạo ngành đó để lựa chọn trường theo ý thích của mình.
Nhóm nguyện vọng thứ ba, PGS Nguyên khuyên thí sinh nên chọn thêm một nhóm mang tính phòng thủ, tức cận dưới năng lực của mình.
“Bởi mức độ biến động điểm từng năm cũng như mức độ đề thi các năm có thể khác nhau, nếu các em chỉ soi xét vào điểm chuẩn các năm trước để đưa ra quyết định có thể dẫn đến những sai lệch. Do vậy, để đảm bảo không bị lỡ cơ hội ở năm nay, thí sinh nên có một nhóm nguyện vọng “phòng thủ” ở phía dưới”, PGS Nguyên nói.
Theo Bộ GD-ĐT, các thí sinh sẽ phải hoàn thành việc đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trước 17h ngày 30.7 và thực hiện nộp lệ phí đăng ký xét tuyển theo hình thức trực tuyến từ ngày 31.7 đến 17h ngày 6.8.
Theo