Đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học: Làm sao để an toàn khi điểm sàn rất khác điểm chuẩn?

14:48 26/07/2023

Thời điểm này, hầu hết các trường đại học đã hoàn tất việc công bố mức điểm sàn. Các chuyên gia khuyến cáo, thí sinh cần phân biệt rõ điểm sàn và điểm chuẩn trúng tuyển để có những lựa chọn ‘sát sườn’ nhất.

Thí sinh nên đăng ký bao nhiêu nguyện vọng?

Theo TS. Nguyễn Văn Khả – Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, để an toàn thí sinh chỉ cần đăng ký 5-7 nguyện vọng xét tuyển đại học. Bên cạnh lý do phải nộp lệ phí xét tuyển mỗi nguyện vọng 20.000 đồng thì việc chọn quá nhiều nguyện vọng cũng khiến lựa chọn bị loãng đi. “Các em hãy mạnh dạn đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học. Nếu có trục trặc thì liên hệ đường dây nóng của Bộ GD&ĐT hoặc các trường ĐH mong muốn đăng ký xét tuyển để được tư vấn thêm”.

PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) lưu ý, thí sinh cần tìm hiểu kỹ tài liệu hướng dẫn và phải thực hiện đúng, đủ, hết quy trình đăng ký xét tuyển.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng nhưng cũng không nên đăng ký quá ít. Đặc biệt đừng bao giờ chỉ đặt duy nhất một nguyện vọng để tránh rủi ro. Thí sinh cần có lựa chọn thông minh, nên mạnh dạn đăng ký những nguyện vọng mình yêu thích, với những ngành học mà mình đam mê lên thứ tự đầu tiên. “Việc này rất quan trọng vì sẽ ảnh hưởng đến tương lai của các em sau này. Khi đã trúng tuyển nguyện vọng 1, kể cả không nhập học, các em cũng không được xét tuyển tiếp các nguyện vọng 2, 3, 4…”.

Thí sinh tham dự ngày hội tuyển sinh năm 2023

Tránh nhầm lẫn giữa điểm sàn nhận hồ sơ và điểm chuẩn trúng tuyển

Hiện hầu hết các trường đại học đã hoàn tất việc công bố mức điểm sàn. Các chuyên gia cho rằng, việc các trường đặt ra mức điểm sàn một mặt nhằm đáp ứng yêu cầu chất lượng đầu vào, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời giúp thí sinh có căn cứ để đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

Tuy vậy, các chuyên gia khuyến cáo thí sinh cần phân biệt rõ điểm sàn và điểm chuẩn trúng tuyển để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc, ảnh hưởng sát sườn đến quyền lợi của thí sinh trong xét tuyển.

TS. Nguyễn Văn Khả lưu ý thí sinh nên tham chiếu điểm chuẩn các năm trước, đặc biệt năm ngoái để cân nhắc việc sắp xếp nguyện vọng. “Điểm sàn, điểm chuẩn các trường thường ở nhiều mức khác nhau. Trong đó, những ngành truyền thống thế mạnh hoặc mũi nhọn của các trường, điểm chuẩn có thể cao hơn điểm sàn từ 2-3 điểm, thậm chí 4 điểm.

Do đó, để an toàn thí sinh nên chọn cả những ngành có điểm sàn ở mức thấp hơn. Nếu điểm thi bằng với điểm sàn ở những ngành truyền thống thế mạnh, thí sinh nên chọn thêm các ngành gần với mức điểm sàn thấp hơn 1-2 điểm so với điểm thi. Khi đó, nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1, thí sinh còn cơ hội ở các nguyện vọng sau”.

Theo ông Vũ Quang Huy – Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM: “Thí sinh cần lưu ý điểm sàn rất khác so với điểm chuẩn. Từ mức điểm sàn đó, thí sinh đủ điều kiện nộp hồ sơ. Nhưng tùy theo chỉ tiêu cần tuyển và số thí sinh đăng ký, các trường xét thí sinh từ cao xuống thấp đến đủ chỉ tiêu.

Mức điểm thấp nhất của thí sinh trúng tuyển vào trường chính là điểm chuẩn. Do vậy, rất khó để đoán định chính xác điểm chuẩn từng ngành ở thời điểm này. Theo tôi, thí sinh cần có thêm phương án dự phòng. Cụ thể, thí sinh nên đặt thêm nguyện vọng phù hợp với khả năng hoặc tận dụng các phương thức xét tuyển khác”.

PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho biết ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) chỉ là điều kiện căn bản để nộp hồ sơ xét tuyển của thí sinh, giống như để vào đại học phải tốt nghiệp THPT.

Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, điểm chuẩn cách xa với điểm sàn. “Đây là kết quả của sự chênh lệch giữa lượng hồ sơ nộp vào, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh thì giới hạn, nếu tăng cũng rất ít. Do vậy không phải thí sinh nào đạt ngưỡng xét tuyển cũng có cơ hội học tập.

Điểm sàn chỉ là điều kiện kỹ thuật, thí sinh phải sử dụng điểm chuẩn của các năm trước đó để tham chiếu, từ đó có những lựa chọn “sát sườn” nhất. Năm nay, Bộ GD&ĐT áp dụng quy chế nếu tổng điểm của thí sinh đạt từ 22,5 trở lên thì điểm cộng ưu tiên của các thí sinh sẽ giảm dần theo tuyến tính, do vậy điểm chuẩn các ngành từ 28 điểm xác suất tăng sẽ thấp, nhưng các điểm chuẩn top dưới sẽ ổn định”.

Có nên “om'” nguyện vọng đến phút chót?

Tới 17h ngày 30/7, thí sinh sẽ hết thời gian đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng trên Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT. Như vậy, thí sinh chỉ còn 5 ngày để đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học. Tuy nhiên thời điểm này, nhiều thí sinh vẫn còn phân vân, lưỡng lự trong việc chọn trường.

Lưu ý tới thí sinh, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khuyên: “Các em đừng chờ đợi giây phút cuối cùng mới đăng ký bởi khi đó, nếu chẳng may xảy ra rủi ro, nghẽn mạng… các em sẽ không kịp đăng ký và bỏ lỡ cơ hội của mình”.

Điểm sàn là gì?

Điểm sàn còn gọi là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, không phải điểm trúng tuyển (điểm chuẩn). Đây là mức điểm tối thiểu mà thí sinh cần có để đủ điều kiện nộp đăng ký xét tuyển vào ngành/trường đại học, cao đẳng. Điểm xét tuyển của các trường cũng không được thấp hơn điểm sàn.

Trước đây điểm sàn của tất các trường đại học, cao đẳng trên cả nước đều do Bộ Giáo dục và đào tạo quy định. Nhưng từ năm 2018, bộ chỉ quy định điểm sàn ngành đào tạo giáo viên và nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề. Điểm sàn các ngành còn lại do các trường tự quyết định.

Theo

Cùng chuyên mục

Đăng Kí học Fpoly 2023

Bình Luận