Nhiều giáo viên, chuyên gia tuyển sinh dự đoán điểm chuẩn vào đại học sẽ tăng. Ngoài đề thi dễ, chỉ tiêu dành cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT giảm.
Kết thúc đợt thi tốt nghiệp THPT lần 1, nội dung, độ khó của đề thi được thí sinh và giáo viên đánh giá căn bản, dễ hơn so với các năm trước. Cùng niềm vui vì đề dễ, thí sinh, giáo viên băn khoăn và nhận định điểm chuẩn sẽ tăng.
Phổ điểm cao hơn năm ngoái
Thầy Tạ Quang Quyết, giáo viên luyện thi tại Hà Nội, cho rằng với độ khó của đề thi tốt nghiệp THPT, phổ điểm sẽ cao hơn so với năm ngoái.
Cụ thể, với môn Ngữ văn, điểm dao động chủ yếu ở mức 6-7 điểm. Muốn đạt điểm 8 đến trên 9, thí sinh phải biết phân bổ thời gian hợp lý để làm bài.
Ở môn Lịch sử, Địa lý, phổ điểm chủ yếu rơi vào mức 7-8. Để đạt điểm 9-10, thí sinh cần nắm vững kiến thức, hiểu bản chất, biết so sánh, đối chiếu.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên Lịch sử trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM), cho rằng phổ điểm của môn Sử sẽ nằm trong khoảng 2,5-4.
“Đề khó với các em chọn tổ hợp xã hội xét tốt nghiệp và dễ với thí sinh chọn Lịch sử để xét tuyển đại học. Nhưng chủ yếu học sinh chọn môn học này chỉ để xét tốt nghiệp, chống liệt nên phổ điểm môn này sẽ không cao”, thầy Du nhận định.
Trong khi đó, thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên dạy Hóa tại Hà Nội, lại cho rằng phổ điểm nhìn chung tương tự năm ngoái khi đề thi gồm 70% câu dễ và 30% câu mang tính phân loại.
Theo thầy, khi kỳ thi đổi từ THPT quốc gia sang tốt nghiệp THPT, đề minh họa của Bộ GD&ĐT từ tháng 4 thể hiện tính chất để xét tốt nghiệp.
Song, đề thi chính thức vẫn có tính phân hóa, mang tính chất của kỳ thi 2 trong 1. Câu hỏi để xét tốt nghiệp chiếm khoảng 70%. 30% còn lại nội dung có tính phân hóa, phân loại các đối tượng thí sinh khác nhau. Đây là căn cứ để các trường có thể sử dụng kết quả thi để xét tuyển.
Tuy nhiên, đề Toán, Văn, Tiếng Anh đều rất dễ. Thầy Ngọc đánh giá có lẽ bộ theo chủ trương đề môn thi bắt buộc dễ. Trong khi đó, bài thi Khoa học Tự nhiên có phân hóa cao. Vật lý, Hóa học, Sinh học đều được đánh giá phân hóa tốt, đề tương đối khó.
Riêng môn Hóa học, phổ điểm tập trung vào 4-6. Song, phần lớn thí sinh sử dụng điểm môn học này để xét tuyển đại học sẽ không khó khăn để đạt điểm 7. Mức cao hơn đòi hỏi năng lực tốt. Điểm 10 không nhiều.
“Thực ra, tất cả môn đang có mục tiêu xét tốt nghiệp, với 70% câu hỏi rất dễ, 30% là con số nhỏ khiến các câu đều khó để phân loại thí sinh. Nếu sang năm, kết quả thi vẫn được dùng để xét tốt nghiệp và tuyển sinh, bộ cần cân bằng hơn giữa hai mục tiêu”, thầy Vũ Khắc Ngọc nhận định.
Điểm chuẩn sẽ tăng
Với đề thi như vậy, thầy Ngọc dự đoán điểm chuẩn của trường xét tuyển bằng tổ hợp D1 (Toán, Văn, Anh) sẽ cao hơn đáng kể so với năm trước.
Các trường thường xét tuyển một ngành bằng nhiều tổ hợp song lại lấy chung mức điểm trúng tuyển tạo ra sự không công bằng giữa các khối thi. Tức một ngành vừa lấy khối D1 vừa A1 hoặc D7, thí sinh thi khối D lợi thế hơn.
Thầy nói thêm trước đây, một số trường đặt ra điểm chuẩn khác nhau cho tổ hợp xét tuyển khác nhau. Đây là cách làm hợp lý, công bằng nếu căn cứ trên phổ điểm bộ công bố. Nhưng các trường không bắt buộc phải làm như vậy. Hiện nay, trường thường chọn một mức điểm chuẩn để thuận tiện tuyển sinh.
“Thực ra, điểm chuẩn tăng hay giảm phải căn cứ vào phổ điểm. Phỏng đoán ở thời điểm này cho thấy điểm chuẩn nhích nhẹ so với 2019, không tăng nhiều, trừ tổ hợp có nhiều môn trong 3 môn Toán, Văn, Anh”, thầy Vũ Khắc Ngọc dự đoán.
Cụ thể hơn, thầy cho rằng những khối thi có nhiều môn trong 3 môn trên, điểm chuẩn tăng nhiều. Điểm trúng tuyển với các khối thi truyền thống như A, B cũng cao hơn nhưng không đáng kể.
Với những biến động như vậy, thí sinh nên tham khảo phổ điểm bộ công bố để đánh giá vị trí của mình so với bạn khác rồi điều chỉnh nguyện vọng phù hợp.
Thầy Tạ Quang Quyết cũng cho rằng điểm chuẩn sẽ dao động nhưng không lớn, có thể tăng 1-1,5 điểm.
Thầy cho rằng độ phân hóa của đề chưa cao gây khó khăn cho tuyển sinh của các trường. Đồng thời, phổ điểm lệch hơn về bên phải, thí sinh có điểm ưu tiên sẽ lợi thế hơn trong cuộc cạnh tranh vào đại học.
“Một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM sẽ khó có học sinh đậu trường tốp đầu do không có điểm ưu tiên”, thầy Quyết dự đoán.
Với điểm chuẩn các ngành xét tuyển khối C, cô Hồ Ái Linh, giáo viên trường THCS-THPT Đào Duy Anh, dự đoán mức tăng từ 2-3 điểm.
Đồng ý với nhận định điểm chuẩn sẽ tăng, Th.S Phạm Thái Sơn, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho rằng điểm tăng không chỉ vì đề thi dễ. Năm nay, chỉ tiêu của các trường dành cho phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT giảm nhiều so với các năm trước.
“Các tổ hợp môn truyền thống vẫn thu hút các em đăng ký tuyển sinh nhiều. Điểm chuẩn của các tổ hợp này sẽ tăng vì chỉ tiêu ít hơn nhiều so với 2019”, thạc sĩ Sơn dự đoán.
Mặt khác, theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, với các trường top đầu nhưng học phí cao, điểm chuẩn sẽ không tăng đột biến. Trong một năm khó khăn vì Covid-19 có thể còn kéo dài, học phí sẽ là một yếu tố quan trọng mà thí sinh cân nhắc khi lựa chọn.
Nguồn: Báo Mới