Điều chỉnh cách thức đăng ký xét tuyển, thi sinh lưu ý gì để không trượt oan?

14:39 07/03/2023

Thay vì phải chọn phương thức xét tuyển như năm 2022, mùa tuyển sinh năm 2023 thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển theo ngành.

Năm 2022 là năm đầu tiên thí sinh cả nước đăng ký xét tuyển bằng hình thức trực tuyến. Thí sinh đăng ký ngành, trường đại học phải kèm theo mã phương thức xét tuyển tương ứng.

Đánh giá về công tác tuyển sinh năm 2022, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học – Bộ GDĐT cho biết, trong số 20 phương thức xét tuyển của các cơ sở đào tạo, có một số phương thức có tên gần giống nhau.

Trong đó, một số phương thức xét tuyển chưa hiệu quả, số thí sinh nhập học rất ít so với chỉ tiêu cũng như trong tổng số thí sinh nhập học. Chẳng hạn như: phương thức thi văn hóa do cơ sở đào tạo tổ chức để xét tuyển có tỉ lệ 0,5%; phương thức kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm thi năng khiếu có tỉ lệ 0,25%.

Kỳ thi THPT
Tỉ lệ thí sinh nhập học trên toàn quốc theo các phương thức xét tuyển năm 2022 do Bộ GDĐT thống kê.

Đáng chú ý có một số phương thức hầu như không có thí sinh nào xét tuyển như: phương thức chỉ sử dụng chứng chỉ quốc tế (0,13%); kết hợp kết quả học tập cấp THPT với phỏng vấn (0,01%); đặc biệt phương thức xét tuyển qua phỏng vấn không có thí sinh xác nhận nhập học.

Cũng trong kỳ tuyển sinh năm 2022, có khá nhiều thí sinh bị nhầm lẫn giữa các phương thức xét tuyển khi đăng ký nguyện vọng lên hệ thống tuyển sinh, sau đó mất nhiều thời gian và công sức để xử lý. Việc nhầm lẫn này cũng dẫn đến có thí sinh trượt đại học.

Vì thế, từ kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2023, Bộ GDĐT chủ trương điều chỉnh cách thức đăng ký.

Cụ thể, thí sinh vẫn thực hiện việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển theo hình thức trực tuyến lên hệ thống tuyển sinh của Bộ GDĐT như năm 2022. Tuy nhiên, các em sẽ đăng ký xét tuyển theo ngành, chứ không phải theo phương thức. Đây là khâu rất quan trọng trong xét tuyển, thí sinh cần hết sức lưu ý.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, sự thay đổi trên nhằm đơn giản hóa việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển, hạn chế các nhầm lẫn.

Bà Thủy cũng nhìn nhận, việc các trường sử dụng quá nhiều phương thức gây nhiễu thông tin cho thí sinh và cả xã hội, trong khi một số phương thức không có hoặc rất ít thí sinh đăng ký. Ngoài ra, các phương thức xét tuyển chưa đảm bảo công bằng.

Hai phương thức xét tuyển hiệu quả nhất vẫn là dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển học bạ.

Kỳ thi THPT
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của trường đại học.

Năm nay quy chế tuyển sinh 2022 tiếp tục được áp dụng, tuy nhiên Bộ GDĐT lưu ý, các cơ sở đào tạo phân tích, thống kê kết quả của các phương thức xét tuyển; đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo phương thức xét tuyển và loại bỏ các phương thức xét tuyển không hiệu quả; có phương án xét tuyển để đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển.

Về phía Bộ GDĐT, Bộ sẽ hoàn thiện quy trình tuyển sinh, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1; tiếp tục nâng cấp Hệ thống áp dụng công nghệ để hạn chế các nhầm lẫn của thí sinh. Bên cạnh đó, tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh, hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá tình đăng ký xét tuyển, đơn giản hoá giao diện đăng ký xét tuyển.

Bộ GDĐT cho biết, công tác tuyển sinh năm 2023 về cơ bản giữ ổn định như năm 2022 và có điều chỉnh một số yếu tố kỹ thuật.

Ngoài thay đổi cách đăng ký nguyện vọng xét tuyển, năm nay Bộ GDĐT dự kiến rút ngắn thời gian tuyển sinh từ hai tuần đến một tháng so với năm ngoái. Năm 2023 cũng là năm đầu tiên quy định mới về điểm ưu tiên có hiệu lực.

Cụ thể, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần. Thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.

Theo

Cùng chuyên mục

Đăng Kí học Fpoly 2023

Bình Luận