Nhiều kỳ thi riêng để xét tuyển đại học: Tạo cơ hội hay làm mệt thí sinh?

10:23 14/02/2023

Ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, đã có 9 đơn vị tổ chức các kỳ thi riêng để xét tuyển đại học, thí sinh có thể tham gia từ 2-3 kỳ thi. Việc có nhiều kỳ thi khiến không ít người lo lắng sẽ khiến học sinh mệt mỏi…

Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội vừa công bố tuyển sinh theo 3 phương thức, trong đó xét tuyển dựa kết quả thi đánh giá năng lực do trường tổ chức. Như vậy, tính đến thời điểm này có 9 đơn vị công bố tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực – tư duy để tuyển sinh đại học chính quy năm 2023.

Tăng cơ hội hay làm mệt thí sinh?

Hiện hơn 70 trường công bố phương án tuyển sinh năm 2023, trong đó 9 trường đại học, đại học quyết định tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy (gọi chung là kỳ thi riêng) để xét tuyển đầu vào.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, Luật Giáo dục đại học quy định các trường đại học được tự chủ trong công tác tuyển sinh. Các trường căn cứ vào quy chế tuyển sinh hiện hành để xây dựng quy chế và đề án tuyển sinh.

Năm 2023, ngoài các phương thức xét tuyển truyền thống bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, các trường cũng đẩy mạnh tổ chức, tăng chỉ tiêu cho phương thức mới, trong đó phải kể đến các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy.

Bà Thủy khuyến khích thí sinh đăng ký tham dự các kỳ thi riêng nhằm tăng cơ hội xét tuyển theo các phương thức khác.

Tuy nhiên, bà Thủy lưu ý với thí sinh, mục đích và yêu cầu của các kỳ thi là khác nhau nên cấu trúc, định dạng đề thi, cách thức, thời gian, địa điểm tổ chức cũng khác nhau. Thí sinh cần xem xét kỹ đề án tuyển sinh của các trường và cân nhắc lựa chọn các kỳ thi phù hợp với sức khỏe, khả năng của bản thân.

“Thí sinh lưu ý tập trung ôn tập để hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì chỉ khi thí sinh tốt nghiệp THPT mới đủ điều kiện xét tuyển vào đại học, cao đẳng”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủ

Nhiều học sinh không mặn mà với kỳ thi tốt nghiệp

Trước xu hướng nhiều thí sinh tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để tăng cơ hội được xét tuyển vào trường đại học. Thầy Lê Thảo, giáo viên trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) thừa nhận, giờ có nhiều phương án tuyển sinh nên nhiều học sinh không còn tập trung vào kỳ thi tốt nghiệp để xét tuyển vào đại học.

Cũng theo thầy Thảo, các học sinh ở Hà Nội một phần sẽ thi lấy chứng chỉ có IELTS nên các thí sinh sẽ có nhiều hình thức xét hơn.

“Tôi cho rằng học sinh thường có định hướng nghề từ cấp 3 rồi nên sẽ có cách chọn phương án thi phù hợp. Tuy nhiên, khi học sinh định hướng tốt thì việc ôn tập sẽ khá dễ dàng và cơ hội để đạt được nguyện vọng của học sinh khá cao”- thầy Thảo nhấn mạnh.

Theo thầy Nguyễn Cao Cường, giáo viên trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội): việc nhiều trường tuyển sinh độc lập đánh giá năng lực sẽ tạo cơ hội nhiều hơn cho học sinh.

“Việc đánh giá theo phương án riêng của các trường tôi cho rằng là tối ưu và tiếp cận với các đánh giá của các nước trên thế giới. Vì cùng là môn Toán nhưng Toán ở các trường kĩ thuật sẽ khác với trường mà môn Toán để sử dụng vào nghiên cứu. Với những mục tiêu khác nhau có cách lựa chọn khác nhau”- thầy Cường nhấn mạnh.

Vì thế, thầy Cường cho rằng, học sinh sẽ cần dự kiến tìm hiểu về các trường đại học từ năm lớp 11 hoặc đầu năm lớp 12 để có phương án chuẩn bị. Phương án này không phải để đến lúc đi thi mới vào ôn thi mà quá trình này để học sinh hiểu rằng các trung tâm ôn luyện, lò luyện sẽ không đáp ứng được hết.

“Học sinh cần hiểu việc ôn luyện kiến thức trên lớp là cần thiết chứ không thể chỉ đến “lò luyện thi” là đủ”- ông Cường nhấn mạnh.

Trong khi đó, thầy Đào Tuấn Đạt, giảng viên Vật lý đại cương tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, – hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh (Đống Đa, Hà Nội) lại cho rằng: Việc các trường đại học tổ chức kỳ thi riêng thế này khiến thí sinh phức tạp và tốn kém hơn một kỳ thi đại học ngày xưa. “Tôi cho rằng nên quay lại thi như cũ còn kỳ thi tốt nghiệp để cho Sở GD&ĐT các tỉnh tự tổ chức. Các trường cao đẳng lấy điểm tốt nghiệp cũng được”- ông Đạt nêu quan điểm.

Trước vấn đề lo ngại thí sinh khi tham gia nhiều kỳ thi để xét tuyển đại học mà tránh bị quá tải, thầy Cường cho rằng, các nhà trường quan ngại là đúng nếu học sinh tham gia quá nhiều kì thi nhưng sự quá tải là do học sinh lựa chọn chứ không phải do các trường. Đây hoàn toàn là do nhu cầu của học sinh chứ không ai bắt ép cả.

“Đừng để sa lầy ở lò luyện thi”

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo – giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, tâm lý của một thí sinh là khi bước vào kỳ thi, việc đầu tiên sẽ nghĩ là mình cần luyện thi ở đâu, sẽ ôn tập như thế nào để đạt kết quả cao. Tuy nhiên, bài thi Đánh giá năng lực không giới hạn trong tư liệu, dữ liệu, trong sách giáo khoa mà hoàn toàn kiểm tra năng lực và kiến thức của thí sinh.

“Đề thi là rất rộng, dữ liệu vô cùng phong phú. Tôi có thể cam kết rằng không một trung tâm nào, một đơn vị nào có đủ khả năng luyện thi hết đối với bộ đề thi khổng lồ của Đại học Quốc gia Hà Nội”- ông Thảo nhấn mạnh.

Vì vậy, thí sinh cần có một kế hoạch học tập nghiêm túc, nghiêm chỉnh và nắm chắc kiến thức cơ bản trong chương trình trung học phổ thông chứ không nên sa lầy ở lò luyện thi.

Qua thống kê những năm vừa qua, những học sinh bị sa lầy vào trung tâm luyện thi gây lãng phí về thời gian và kinh tế, dễ rơi vào tình trạng học lệch, học tủ; kết quả là nhiều em chỉ đạt điểm ở mức trung bình.

Nguồn:  

Cùng chuyên mục

Đăng Kí học Fpoly 2023

Bình Luận