Năm 2024 là năm cuối ngành Giáo dục thực hiện dạy học và thi theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Hiện nay, các trường trung học phổ thông (THPT) trên cả nước vừa triển khai dạy theo khung kế hoạch thời gian năm học, vừa ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT.
Phù hợp mục tiêu phát triển năng lực
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được tổ chức vào các ngày 26, 27, 28, 29/6, cơ bản được giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023, Bộ chỉ thực hiện một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật trong quy chế để bảo đảm thống nhất trong quá trình tổ chức thi trên phạm vi cả nước. Trong đó, quy chế thi quy định rõ các môn thi để thí sinh thuận lợi hơn trong công tác đăng ký.
Các đơn vị đăng ký dự thi có trách nhiệm tra cứu thông tin từ nguồn thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác nhận ưu tiên theo nơi thường trú bảo đảm chế độ ưu tiên cho thí sinh, tránh bị nhầm lẫn trong quá trình đăng ký thi. Ngoài quy định các vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi để phục vụ việc làm bài thi, thì điểm mới năm nay cũng bổ sung quy định cụ thể các vật dụng thí sinh bị cấm đem vào phòng thi.
Bộ GD và ĐT cũng bổ sung danh mục các chứng chỉ ngoại ngữ được sử dụng để miễn thi bài thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm nhằm tạo sự công bằng cho thí sinh dự thi và các chứng chỉ ngoại ngữ đã được công nhận đến nay.
Đáng chú ý, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về cơ bản giữ ổn định cấu trúc như kỳ thi năm 2023. Tuy nhiên, để chuẩn bị chuyển sang một giai đoạn mới cho nên trong đề thi có sự tăng cường một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn để từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Đề thi cơ bản giữ ổn định với bốn cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao; có độ phân hóa cao hơn, đặc biệt là các câu hỏi ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao. Ngoài ra, trong các đề thi có những câu hỏi nhằm giải quyết các vấn đề thực tế cuộc sống, xã hội, giúp đánh giá được năng lực thí sinh một cách công bằng và chính xác.
Phó Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD và ĐT) Lê Mỹ Phong cho biết, mỗi thí sinh sẽ được cấp một tài khoản phục vụ việc dự thi và xét tuyển. Vì vậy, thí sinh cần bảo mật tài khoản này để bảo đảm không bị người khác truy cập, sửa chữa thông tin của mình.
Trong kỳ thi năm nay, Bộ GD và ĐT cũng yêu cầu các đơn vị dự thi phải hỗ trợ thí sinh một số việc như tra cứu thông tin về diện ưu tiên khu vực để cung cấp cho thí sinh đăng ký chính xác. Thí sinh cần nhớ cập nhật đủ dữ liệu để bảo đảm quyền lợi. Để tự tin bước vào kỳ thi và đạt kết quả tốt, thí sinh cần chủ động ôn tập, bám sát nội dung được dạy học ở trường và sách giáo khoa. Ngoài ra, học sinh có thể làm các đề thi dựa theo cấu trúc đề thi minh họa đã được Bộ GD và ĐT ban hành để ghi nhớ kiến thức, đồng thời rèn kỹ năng làm bài thi.
“Nước rút” ôn tập bảo đảm kiến thức, kỹ năng
Ở khắp các địa phương, các trường THPT đều đã triển khai hoạt động nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng và tạo tâm thế tốt nhất cho học sinh lớp 12 dự thi tốt nghiệp THPT. Cô giáo Trần Thu Huyền, Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, ngoài học theo chương trình, các thầy giáo, cô giáo dạy lớp 12 còn triển khai tăng cường ôn tập, bổ sung kiến thức thông qua việc thường xuyên giao bài luyện thi cho học sinh. Hệ thống bài tập được thiết kế phù hợp, giúp các em tiếp cận tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Với những học sinh có những hạn chế sẽ được thầy, cô giáo hỗ trợ trong các giờ ra chơi, tiết trống hoặc ngày cuối tuần.
Thầy giáo Lê Việt Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định cho biết, nhà trường đã và đang tổ chức ôn tập, phát huy năng lực học sinh về kiến thức và phương pháp làm bài nhằm hướng đến kỳ thi tốt nghiệp THPT hiệu quả. Trường cũng tổ chức phân loại học sinh và ôn tập theo từng nhóm trình độ kiến thức và kỹ năng làm bài; ôn tập cho học sinh yếu kém để có thể đỗ tốt nghiệp. Hằng tuần, giáo viên bộ môn rà soát, giải đáp các vướng mắc cho học sinh trên cơ sở tài liệu đã thống nhất theo hình thức trực tuyến. Ngoài ra, Trường THPT Trương Định cũng có kế hoạch, kiểm tra khảo sát các môn thi tốt nghiệp ba đợt để tổ chức ôn tập sát hơn với học sinh.
Tại Trường THPT Minh Quang (Ba Vì, Hà Nội), với tâm huyết, trách nhiệm, tình yêu thương với học trò, các thầy, cô giáo đã miệt mài ôn luyện cho học sinh trong giờ học chính khóa; ôn tập trung và kèm riêng cho học sinh hổng kiến thức; ôn cả trực tiếp lẫn ôn trực tuyến. Sự nhiệt huyết, sát sao, đồng hành của các thầy, cô giáo đã truyền động lực cho các em cố gắng, vươn lên. Em Nguyễn Quốc Bảo, học sinh Trường THPT Minh Quang chia sẻ, ngay khi bước vào đầu năm học, chúng em được thầy, cô giáo động viên, khích lệ tinh thần và ôn tập, bổ sung thêm các kiến thức còn thiếu và yếu. Với sự tận tình chỉ dạy của thầy, cô giáo, chúng em cảm thấy thoải mái, tự tin trong quá trình học tập và ôn luyện.
Theo Phó Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Bắc Giang Bạch Đăng Khoa, đơn vị đã chỉ đạo các trường tăng cường nâng cao chất lượng dạy học và kiểm tra đánh giá kỹ năng vận dụng kiến thức của học sinh; hoàn thành chương trình giáo dục phù hợp với khung kế hoạch thời gian năm học; tổ chức dạy học hiệu quả nội dung bổ sung kiến thức, ôn tập và luyện tập theo hướng dẫn.
Các trường THPT đã đẩy mạnh việc sử dụng chuẩn kiến thức kỹ năng, biết khai thác tốt sách giáo khoa để hoàn thiện nội dung ôn tập. Đáng chú ý, các trường chủ động khảo sát, phân loại và phân đối tượng học sinh lớp 12 và phân công giáo viên có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm cao để ôn tập phù hợp cho các đối tượng học sinh và giúp các em rèn luyện khả năng tự học trên lớp và ở nhà. Trong mỗi giờ dạy có sự hài hòa cả lý thuyết và bài tập, thực hành để học sinh nắm được nội dung cốt lõi của đơn vị kiến thức nhằm bước vào kỳ thi tốt nghiệp tự tin, dự thi hiệu quả.