Tôi sinh ra ở một vùng quê chiêm trũng phía Nam ngoại thành Hà Nội. Gia đình tôi làm nông nghiệp. Từ nhỏ, tuổi thơ của tôi đã gắn liền với ruộng đồng, cây lúa, con cá, con trai, con ốc.
Làng tôi có dòng sông Nhuệ vắt ngang nên ngoài việc đồng áng, tôi còn làm bạn với chiếc thuyền cất vó mà bố tự tạo. Mẹ tôi bảo từ khi mang bầu tôi, mẹ chỉ ăn cá là chủ yếu. Cá được bố cất vó từ sông. Nhà tôi ít khi được đổi món, vì vậy có thể nói tôi được ăn cá từ thuở còn trong bụng mẹ. Khi tôi cao bằng thân cây lúa, anh trai tôi đi bộ đội, các chị đi lấy chồng. Chỉ còn tôi và bố mẹ bầu bạn với ruộng đồng. Hồi đó, mẹ tôi trúng thầu hợp tác xã một ao cá ở cách nhà một cánh đồng. Có những đêm trời tối như bưng, mẹ với chiếc quang gánh trên vai, một mình ra trông cá ngoài đồng. Bố tôi thường bỏ mẹ như vậy sau khi làm bạn với rượu. Những lúc tỉnh táo, bố rất thương mẹ con tôi. Điều này trái ngược với những lúc ông say sưa.
Mẹ tôi đã giấu nước mắt trong lòng để nuôi tôi khôn lớn. Nhưng có một điều thật đặc biệt, mẹ vẫn luôn yêu bố dù bố có nhiều lúc không chuẩn mực. Năm học lớp 10, tôi vẫn nhỏ hơn các bạn cùng trang lứa vì bị suy dinh dưỡng từ khi còn là bào thai, duy chỉ có cái đầu trông to hơn các bạn. Năm ấy là năm cả nhà tôi bị sốc khi bố tôi ra đi thật bất ngờ. Chiều một ngày tháng ba, trước khi tôi đi học, bố bảo tôi: “Tối nay bố sẽ tẩm bổ cho con một con cá chép thật to”. Nhưng điều ấy chẳng bao giờ thành hiện thực khi bố nằm lại dòng sông Nhuệ mà suốt mấy chục năm gắn bó. Mẹ tôi đã khóc rất nhiều. Từ khi bố mất, chiều tối nào mẹ tôi cũng đứng đón tôi đi học về ở gốc đề đầu làng. Chỉ còn tôi làm bạn với mẹ.
Có lẽ bởi vậy mà bây giờ các anh chị tôi thường bảo: “Chỉ có cậu út là hiểu mẹ nhất”. Khi bố mất được một tháng, anh trai tôi đi làm xa về tặng tôi một chiếc đàn cũ, vì anh biết tôi rất mê đàn hát. Có những buổi trưa đi học tôi không về nhà, mẹ tôi nắm cho tôi một nắm cơm nhỏ chấm với vừng. Đó là xuất ăn trưa của tôi. Tôi ở lại trường để nghỉ trên phòng học hát. Tôi xin thầy hiệu trưởng cho chơi đàn. Thầy hiệu trưởng đã đồng ý vì thầy cũng là một người yêu ca hát và bản thân tôi cũng đã rất nỗ lực khi dành các giải cao về cho nhà trường trong các cuộc thi giọng hát hay do huyện nhà tổ chức.
Mỗi khi đi học, về tới nhà là tôi lại sà vào chiếc đàn. Trong thời gian đầu, vì bố mới mất nên mẹ rất ghét. Mẹ đã mắng, không cho tôi chơi đàn. Những lúc ấy, tôi lại vác đàn sang nhà chú để chơi nhờ. Tôi thương mẹ, tôi cũng yêu đàn. Dần dần mẹ cũng hiểu và động viên tôi cố gắng học tập. Hàng ngày, với chiếc đàn Yamaha ngày xưa ông tôi được đơn vị tặng và chiếc đàn, tôi đã tự mày mò, dò dẫm từng nốt nhạc, rồi cũng chơi được những bài hát quen thuộc mà tôi thích. Tiếng đàn của tôi hồi đó thật ngô nghê, nhưng nó đã giúp tôi vượt qua những giây phút khó khăn đến với hai mẹ con tôi.
Giờ đây, tôi trở thành nhạc công không thể thiếu của các chương trình chào mừng, hội diễn, hội thi… trên khắp các quận, huyện, cơ quan, đơn vị của thành phố Hà Nội. Tôi cũng có vinh dự được chơi đàn tại văn phòng Chủ tịch nước, Ban Cơ yếu Chính phủ…Và cho tới tận bây giờ, tôi vẫn cảm ơn chiếc đàn thân yêu đã gắn bó với những tháng ngày đầy sóng gió tuổi mới lớn. Ở cái tuổi 16 đầy biến động về tâm lý và tình cảm mà tôi đã trải qua, nếu không có niềm đam mê chấy bỏng và quyết tâm vượt qua thì có lẽ tôi đã không trở thành một nhạc công như hiện tại.
Các bạn trẻ, những công dân tuổi 18, hãy thể hiện đam mê cháy bỏng của mình để biến ước mơ thành hiện thực. Các bạn chính là những ngọn lửa tiếp tục cháy sáng niềm tin, hy vọng, hoài bão và khát khao của những thế hệ cha anh đã hy sinh tuổi thanh xuân để đem lại cuộc sống tự do, hạnh phúc ngày hôm nay.
Nguyễn Ngọc Chính
-Từ ngày 1/4 đến hết ngày 13/5, Báo điện tử Ione.net và FPT Mạng cá cược bóng đá tổ chức cuộc thi viết “Hành trình đến tương lai”.
-Đối tượng tham dự là các bạn trẻ trong độ tuổi từ 17.
-Nội dung cuộc thi xoay quanh trăn trở của các bạn trẻ trước những lựa chọn ngành nghề hay con đường tiếp theo sau khi tốt nghiệp THPT. Bài dự thi bằng tiếng Việt có dấu, độ dài không quá 1.000 từ. Mỗi tuần, ban tổ chức sẽ chọn một bài viết được chọn để trao giải thưởng bằng tiền mặt trị giá 300.000 đồng.
-Giải thưởng tháng được công bố và trao giải trong vòng 15 ngày tiếp theo của tháng.
-Cuối chương trình, ban tổ chức sẽ lựa chọn 3 tác phẩm để trao giải nhất, nhì, ba cùng phần thưởng trị giá 3 triệu đồng, 2 triệu đồng và 1 triệu đồng.
-Bài dự thi gửi về: [email protected]