Bằng giờ này cách đây đúng 6 năm tâm trạng của tôi cũng giống như các bạn học sinh lớp 12 bây giờ, lo lắng, băn khoăn trước sự lựa chọn nghề nghiệp của mình.
Lúc đó tôi chỉ biết lên mạng tìm hiểu xu hướng chọn nghề của mọi người chứ không biết gì hơn. Đồng thời, tôi cũng xem các buổi tư vấn tuyển sinh trên kênh VTV2. Các anh chị sinh viên đi trước, các thầy cô tâm huyết với nghề đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong việc định hướng cũng như lựa chọn nghề nghiệp.
Tôi nhớ mãi câu nói của một thầy giáo trong buổi tư vấn tuyển sinh. Thầy nói rằng: “Chẳng có trường nào hay và cũng chẳng có trường nào dở nếu mình lựa chọn trường vào mà không có niềm yêu thích. Nếu không đam mê với nghề nghiệp thì sau này khó có thể thành công. Đặc biệt ở thời điểm này học sinh cần phải đánh giá lại năng lực học tập của mình tránh ngộ nhận”.
Ngẫm lại mình, quả thật mặc dù đã xác định từ đầu năm học lớp 12 là ôn tập theo khối A nhưng xét điểm bình quân học tập trong lớp, các bài kiểm tra, bài thi giữa kỳ, khảo sát chất lượng, 3 môn toán lý hóa của tôi chỉ nhỉnh hơn mức điểm trung bình một chút xíu.
Tôi hoang mang và khá lo lắng. Lúc bấy giờ tôi chỉ biết cắm đầu vào các lớp học thêm ôn luyện thi đại học vào các buổi tối. Nhưng đó không phải là cách làm hay, kết quả vẫn không khá lên được.
Tôi có năng khiếu về hội họa, từng đạt một số giải cấp tỉnh rồi quốc gia. Những món quà tặng sinh nhật bạn bè đều là tranh tôi tự vẽ, được mọi người hết sức khen ngợi. Một số anh theo kiến trúc khen tranh tôi vẽ bố cục và phối mầu khá chuẩn và khuyên tôi nên theo học ngành này. Tôi biết với năng khiếu của mình tôi có thể theo đuổi ngành kiến trúc, nhưng ngặt một nỗi là để thi được vào Kiến Trúc ngoài năng khiếu là vẽ, tôi còn phải thi hai môn văn hóa nữa đó là toán và lý. Nhưng hai môn này tôi học lại quá tệ nên thi vào Đại học Kiến Trúc là quá sức với tôi.Tôi vẫn theo dõi các buổi tư vấn tuyển sinh đều đặn. Cho đến một hôm tôi gặp được buổi tư vấn “định mệnh”. Buổi tư vấn dành trọn thời lượng để nói về về học nghề. Câu nói của PGS.TS Cao Văn Sâm phó, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội: “Đại học không là tất cả, nếu không thể vào được đại học thì có thể lập nghiệp bằng cách học nghề” đã khiến tôi chú ý. Ông cũng minh chứng rất nhiều người thành đạt đi lên từ con đường học nghề. Trong tôi như được khai thông những bế tắc bấy lâu nay. Tôi quyết định không thi đại học mà sẽ học nghề. Nhưng để tìm được một nghề học phù hợp cho mình quả là một việc rất khó. Tôi tham khảo ý kiến của rất nhiều người. Phần đa mọi người đều khuyên tôi nên theo nghề mà gắn với năng khiếu của mình sẵn có.
Sau đó, tôi biết đến chuyên gia trang điểm Nam Trung. Anh là một chuyên gia trang điểm hàng đầu Việt Nam, đồng thời là giám đốc một công ty sáng tạo. Anh khá thành công khi khởi nghiệp bằng chính nghề trang điểm chuyên nghiệp. Tôi bắt đầu hứng thú với nghề này. Từ đây tôi đã xác định được con đường khởi nghiệp của tôi. Khi nói lên dự định của mình là sẽ theo đuổi nghề make up, khá nhiều người dè bỉu, khinh thường với quyết định của tôi. Thậm chí họ còn nói bóng nói gió và nghi ngờ về giới tính của tôi. Tôi bỏ ngoài tai tất cả những lời khiếm nhã đó.
Bố mẹ tôi cũng quyết liệt phản đối việc theo học make – up của tôi. Họ quyết định cắt trợ cấp nếu tôi cứ tiếp tục nuôi ý định của mình. Nhưng với bản lĩnh của một thằng con trai tuổi mười tám đôi mươi, tôi có lập trường vững vàng và quyết không để hoàn cảnh và ngoại cảnh chi phối.
Chuỗi ngày còn lại quả đúng là một thách thức. Trong khi các bạn hàng ngày đến lớp luyện thi đại học thì tôi lầm lũi, lọ mọ đến các công trường, quán ăn làm thêm để tích lũy tiền cho dự định vào đời của mình. Tôi không nề hà bất cứ một công việc gì để kiếm tiền tiếp tục ước mơ. Và khi các bạn xách va ly đi thi đại học cũng chính là lúc tôi xách va ly vô Nam lập nghiệp, quyết theo nghề trang điểm của mình.
Để đảm bảo các chi phí đắt đỏ sinh hoạt tại thành phố tôi xin làm công nhân tại một khu chế xuất. Ở đây tôi chỉ xin làm ca ngày, còn ca đêm tôi tranh thủ đăng ký học nghề ở trung tâm gần chỗ mình làm. Khi đến trung tâm tôi rất vui khi được một thầy giáo tận tình giúp đỡ, và ở trung tâm có khá nhiều học viên là nam. Tôi sẽ không bị cô độc. Điều này tạo động lực cho tôi theo đuổi với nghề hơn.
Tôi được học từ những cái đơn giản nhất như cách tiếp xúc với dụng cụ trang điểm, phân biệt các loại mỹ phẩm, các loại da… Tiếp đến là học cách vẽ chân mày. Mới đầu là phác họa trên nền giấy, sau đó là vẽ lên người mẫu thật. Có khi người mẫu khan hiếm, thậm chí các học viên như nam như chúng tôi phải làm người mẫu cho bạn vẽ và ngược lại.
Make – up không chỉ đơn giản là hiểu về nghệ thuật trang điểm mà còn phải nắm rõ những kiến thức về ánh sáng, phong cách thời trang, mỹ thuật học, cách phối màu… và còn xa hơn là giải phẫu học cơ bản. Học make – up khả năng cảm nhận màu sắc, hình thể của tôi khá lên từng ngày. Tôi phối hợp màu sắc một cách hài hòa và khéo léo vẽ được những đường nét tinh xảo trên mẫu.
Ngoài yếu tố năng khiếu trời phú thì để có “đôi tay ma thuật”, người muốn theo nghề trang điểm phải kiên nhẫn trong việc thực hành mỗi ngày. Kiến thức ở trung tâm mới chỉ là nền tảng ban đầu. Tối về tôi phải tự mày mò trên Internet, báo chí, sách vở để nâng cao trang bị kiến thức nền về da, mỹ phẩm, quy tắc hình khối, quy tắc ánh sáng… để nhận biết ưu, khuyết điểm của khuôn mặt và dùng “màu sắc” để làm cho người mẫu đẹp hơn.
Khi đã có trong tay tấm bằng chứng chỉ, tôi xin đi làm ở một hiệu áo cưới. Công việc dần đi vào ổn định tôi xin nghỉ hẳn làm công nhân ở khu chế xuất. Hàng ngày ngoài công việc là trang điểm chính cho cô dâu, chú rể khi đến chụp hình tôi còn làm tư vấn viên cho các bạn muốn làm đẹp khi đi dạ hội, công chức…
Đối với người làm nghề trang điểm thì thức khuya dậy sớm là chuyện thường tình, nếu không giữ được sự quyết tâm thì rất nhiều người bỏ nghề. Tôi nhớ có những cuộc đón dâu lúc 4h, 5h, tôi vội vội vàng vàng lót dạ chút đồ ăn nhẹ, nhanh chóng đến chỗ cô dâu từ 2h, 3h.
Là nghề làm dâu trăm họ, “thượng đế” mỗi người mỗi tính. Có khách hàng bảo, trang điểm cho tôi thế nào cũng được, khi làm xong họ lại ngạc nhiên trách, sao thế này, tôi thích kiểu khác cơ mà. Lúc đó tôi phải rất kiềm chế để chiều theo ý của khách hàng. Sau một khoảng thời gian làm việc tại tiệm áo cưới tích lũy kinh nghiệm, cũng như một số vốn kha khá, tôi quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Tôi nhận thấy hiện nay các đám cưới muốn thuê trang phục, người trang điểm thì lại phải đi đến một nơi rất xa. Khu vực gần 10 xã quanh nơi tôi đang sống vẫn chưa có tiệm áo cưới nào.
Khi viết những dòng chia sẻ này đến với các bạn thì trong tay tôi đã có một tiệm áo cưới nho nhỏ tại quê. Tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại. Tôi yêu nghề và sẽ cống hiến hết mình với nghề. Nghĩ lại quãng đường gian khó mà tôi đã vượt qua tôi mỉm cười mãn nguyện với quyết định của mình. Hãy tự tin với hướng đi, với sự lựa chọn nghề nghiệp của mình các bạn nhé! Chính các bạn sẽ quyết định cuộc đời của các bạn. Tôi tin với tất cả ý chí, nghị lực, cũng như một kế hoạch cho tương lai mình rõ ràng thì nhất định các bạn sẽ thành công!
Quyền Văn
-Từ ngày 1/4 đến hết ngày 13/5, Báo điện tử Ione.net và FPT Mạng cá cược bóng đá tổ chức cuộc thi viết “Hành trình đến tương lai”.
-Đối tượng tham dự là các bạn trẻ trong độ tuổi từ 17.
-Nội dung cuộc thi xoay quanh trăn trở của các bạn trẻ trước những lựa chọn ngành nghề hay con đường tiếp theo sau khi tốt nghiệp THPT. Bài dự thi bằng tiếng Việt có dấu, độ dài không quá 1.000 từ. Mỗi tuần, ban tổ chức sẽ chọn một bài viết được chọn để trao giải thưởng bằng tiền mặt trị giá 300.000 đồng.
-Giải thưởng tháng được công bố và trao giải trong vòng 15 ngày tiếp theo của tháng.
-Cuối chương trình, ban tổ chức sẽ lựa chọn 3 tác phẩm để trao giải nhất, nhì, ba cùng phần thưởng trị giá 3 triệu đồng, 2 triệu đồng và 1 triệu đồng.
-Bài dự thi gửi về: [email protected]