Trường Đại học FPT tổ chức Hội nghị Ứng dụng CNTT trong Giáo dục- Đào tạo

11:21 21/08/2010

Trong hai ngày 19 và 20/8/2010, Trường Đại học FPT đã phối hợp với Trường Đại học Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia TP. HCM tổ chức Hội nghị quốc tế về CNTT trong Giáo dục và Đào tạo lần thứ 6 tại TP. HCM và TP. Phan Thiết.


Hội thảo thu hút đông đảo các thành phần tham dự

Hội nghị có sự tham dự của hơn 500 đại biểu, bao gồm các đại biểu quốc tế từ các nước Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Canada, Hàn Quốc, UAE, Nhật Bản, Úc, Singapore, Ấn Độ, Đài Loan… Tiếp nối thành công của 5 hội nghị trước đó, chủ đề chính của Hội nghị ứng dụng CNTT trong Giáo dục và Đào tạo lần thứ 6 này tập trung khai thác tầm quan trọng của ứng dụng CNTT, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Ngoài ra, các biện pháp hữu hiệu để “phổ cập hóa” ứng dụng CNTT trong toàn ngành giáo dục đào tạo cũng là những nội dung được các diễn giả tập trung đề xuất và thảo luận.

Tại hội nghị, Trường Đại học FPT đã chia sẻ về kinh nghiệm thành công trong ứng dụng CNTT vào giáo dục, đồng thời đóng góp báo cáo về việc đào tạo kiến thức thực tế cho sinh viên thông qua dự án nghiên cứu công nghệ của trường. Thầy Trần Ngọc Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học FPT- một đơn vị đã ứng dụng thành công CNTT trong ngành giáo dục- cho biết: Tại Trường Đại học FPT, 100% sinh viên sử dụng máy tính xách tay phục vụ cho học tập theo chương trình hỗ trợ của nhà trường, đây cũng là điều kiện thuận lợi để trường ứng dụng các công nghệ phục vụ công tác học tập, thi cử, quản lý đào tạo…

Được biết, trước đây 2 năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã triển khai “Năm học CNTT” trong toàn ngành giáo dục. Tuy nhiên, chương trình gặp phải nhiều khó khăn về đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ, khả năng ứng dụng CNTT trong giảng dạy của giáo viên, giảng viên, hay việc thực hiện ứng dụng CNTT một cách hình thức. Về điều này, ông Quách Tuấn Ngọc- Cục trưởng Cục CNTT (Bộ Giáo dục & Đào tạo) nhận định: Việc kết nối Internet trong toàn ngành giáo dục sẽ cơ bản hoàn thành vào khoảng cuối năm nay. Tuy nhiên, việc để các trường ứng dụng hiệu quả CNTT vào công tác dạy và học vẫn còn là thách thức lớn.

Ngoài ra, vấn đề cho sinh viên tham gia vào quá trình thực hiện những dự án CNTT lớn nhằm tạo điều kiện cho các bạn có cơ hội cọ xát thực tế, tăng tính thực tiễn trong việc giáo dục, và sớm tiếp cận những công trình nghiên cứu tầm cỡ cũng là chủ đề thu hút sự quan tâm của các đại biểu tham dự. Về vấn đề này, TS. Trần Thế Trung- Viện trưởng Viện nghiên cứu Công nghệ FPT (thuộc Trường Đại Học FPT) đã có bài chia sẻ với báo cáo về dự án vệ tinh F1 cũng như những đóng góp của dự án này trong việc đào tạo kiến thức thực tế cho sinh viên. TS. Trung cho biết: “Trong quá trình nghiên cứu thiết kế chế tạo vệ tinh, chúng tôi luôn tìm kiếm các bạn sinh viên của các trường đại học có đủ năng lực để tạo điều kiện cho các bạn có thể tham gia vào quá trình nghiên cứu và chế tạo vệ tinh. Mỗi bạn sinh viên tham gia vào dự án sẽ được tự chọn lĩnh vực nghiên cứu theo niềm đam mê và khả năng của mình, sau đó các bạn sẽ được đào tạo thêm về các kiến thức liên quan và kỹ năng làm việc để có thể làm cùng các thành viên chính thức. Sau khi kết thúc thực tập thì các bạn sinh viên sẽ có thêm các kiến thức thực tế khi làm việc, viết báo cáo về các việc mà mình đã làm được đồng thời giúp ích rất nhiều cho việc định hướng nghề nghiệp trong tương lai sau khi ra trường”.

Được biết, dự án nghiên cứu vệ tinh F1 là một trong những dự án chủ chốt của Viện nghiên cứu công nghệ FPT (Trường Đại học FPT), tại mỗi thời điểm đều có khoảng 2 hoặc 3 sinh viên Trường ĐH FPT tham gia nghiên cứu. Nhờ điểm này, sinh viên có cơ hội được đào tạo trực tiếp qua thực tế nghiên cứu và tiếp xúc với những dự án công nghệ lớn, nhanh chóng trưởng thành và sớm góp mặt vào đội ngũ cán bộ CNTT của đất nước.

Đăng Kí học Fpoly 2023

Bình Luận