18 – cái tuổi được trở thành một công dân, được quyền quyết định những việc mình làm nhưng lại đang sống phụ thuộc vào cha mẹ.
Cái tuổi dở dở ương ương ấy, muốn được thể hiện bản thân nhưng lại “phải xin ý kiến” của cha mẹ. Vì vậy mà cái tôi lúc nào cũng to vật vã. Đội cái tôi ấy ở trên đầu để hơi một tý là gào lên, thét lên và không nghe bất kỳ một ai. Chỉ mình mới là đúng. Mình là một công dân – to thế cơ mà.
Cái năm lớp 12 ấy, tôi mệt nhoài vì ôn thi, vì định hướng. Biết chọn trường nào, ngành nào mới phù hợp, mới dễ xin việc đây? Tôi thì tôi yêu nghề sư phạm lắm. Nhưng ai hỏi mua hồ sơ thi chưa? đăng ký thi trường gì? tôi chỉ cười bảo: “Còn đang phân vân, chưa biết chọn ngành gì”. Bởi lẽ nghe mọi người bảo giáo viên giờ thừa rất nhiều, rất khó xin việc, ra trường rồi cũng chỉ đi dạy hợp đồng hết năm này qua năm khác, không thì cũng phải đi vùng sâu vùng xa. Bố mẹ nào lại thuận theo con khi nghe những tin như thế…
Nhưng rồi tôi vẫn thi Sư Phạm Ngữ Văn. Bố mẹ tôi chẳng nói gì cả, có thể vì bố mẹ biết có cản cũng không được và cũng không muốn làm tôi phân tâm. Bao nhiêu mơ ước được đứng trên giảng đường đại học cứ đeo bám, thôi thúc tôi ngày đêm ôn luyện. Bao viễn cảnh mở ra trước mắt một “người lớn” 18 tuổi như tôi. Nếu đậu đại học ai sẽ là người tôi báo tin đầu tiên nhỉ? Bố mẹ biết chắc sẽ vui và tự hào về mình lắm? Ngày nhập trường không biết sẽ thế nào? Mình sẽ phải sống xa nhà và ở cùng với những bạn mà trước giờ không quen biết?… Nhưng nếu mình trượt thì sao? Sẽ nói gì với bố mẹ? Có dám gặp lại thầy cô, bạn bè không? Sẽ làm gì tiếp theo? Ở nhà ôn năm nữa ư? Hay đi làm công nhân?
Ngày biết điểm thi đại học là ngày đen tối nhất cuộc đời tôi. Bao nhiêu hy vọng, bao nhiêu dự định tan nhanh như bong bóng xà phòng. Tôi trượt đại học. Đầu óc tôi quay cuồng. Dù cũng đã đề phòng trước nhưng sao trong lòng cảm thấy hụt hẫng và hỗn loạn đến thế. Tôi tự giam mình trong góc phòng chật hẹp, thầm lặng. Tôi chẳng muốn nhìn, chẳng muốn nói, chẳng muốn đi bất cứ nơi đâu. Chỉ mong nhanh đến ngày nhập học, nhanh qua mùa hè, để đừng ai nhắc đến chuyện thi cử nữa, để đừng ai hỏi tôi là được bao nhiêu điểm, có đỗ đại học không nữa? Tôi sợ và chán ghét tất cả.
Tôi cứ sống như thế cho đến khi tôi nhận ra mình đang để thời gian trôi qua vô ích. Tôi nhận thấy mỗi con người chúng ta, nếu cứ để mình cuốn theo môi trường ắt sẽ phải trả giá. Ở bất cứ thời điểm nào hãy tìm cho mình điểm cân bằng, phải kiên nhẫn không lùi bước, dũng cảm xông lên cho dù phải trả giá đắt nhưng vẫn vươn lên. Cuối cùng ta là người chiến thắng. Tôi vùng dậy, sống vội vàng như để cướp lại quãng thời gian đã mất. Tôi đọc sách, đọc báo để tìm công việc gì phù hợp với bản thân mình. Tôi đạp xe quanh thành phố tìm việc. Một ngày, hai ngày…rất nhiều ngày lang thang như vậy. Tôi hiểu để tìm một công việc phù hợp cho một công dân vừa tốt nghiệp cấp 3 như tôi không dễ dàng gì.
Thời gian giúp tôi chui ra khỏi cái kén của tự ti, mặc cảm. Tôi nhắc bản thân: “Đừng bó buộc mình vào những giới luật ngốc nghếch, đáng thương. Hãy nắm lấy cơ hội, luôn luôn kết giao bạn bè để có thể mở rộng tầm mắt”. Tôi làm thêm cho một quán bán đồ ăn nhanh và trà sữa. Nhiều lúc tôi rất nản lòng. Một công dân đầy hoài bão như tôi thật không phù hợp với công việc này. Và cứ tiếp tục thế này thì tôi sẽ đi về đâu? Nhưng tôi đã cố gắng biến công việc thành niềm hân hoan và sự say mê. Những điều tôi có ngày hôm nay đã có lúc được coi là không thể. Những người không say mê thì mọi cánh cửa dẫn đến cuộc sống đều đóng sập trước mặt họ. Thật bất ngờ, tôi đã có thể đứng vững trên chính đôi chân của mình. Tôi và một người bạn nhanh chóng đồng sở hữu một nhà hàng bán đồ ăn nhanh, cafe, trà sữa… với quy mô rộng hơn rất nhiều lần nơi tôi làm thuê ngày nào. Tôi nhận ra mình phù hợp với nghề kinh doanh, tính toán hơn là sư phạm. Sau đó tôi dành thời gian ôn và thi lại vào đại học. Hiện tại tôi ngừng kinh doanh và đang là kế toán viên của xã nơi tôi cư trú với tấm bằng khá đẹp trong tay.
Các bạn thấy không, cuộc sống như một tấm gương. Khi ta nhìn nó thế nào thì cuộc sống cũng nhìn ta như thế. Bất kể việc gì cũng có cách giải quyết, điều quan trọng là ta chọn cách nào: gục ngã, đau khổ và chìm sâu trong thất bại hay đứng lên, cố gắng và dành chiến thắng. Học đại học chính là con đường đúng đắn và lâu dài nhưng học lúc nào cũng không bao giờ là muộn. Chúc các bạn thành công – Những công dân tuổi 18.
Tố Uyên
-Từ ngày 1/4 đến hết ngày 13/5, Báo điện tử Ione.net và FPT Mạng cá cược bóng đá tổ chức cuộc thi viết “Hành trình đến tương lai”.
-Đối tượng tham dự là các bạn trẻ trong độ tuổi từ 17.
-Nội dung cuộc thi xoay quanh trăn trở của các bạn trẻ trước những lựa chọn ngành nghề hay con đường tiếp theo sau khi tốt nghiệp THPT. Bài dự thi bằng tiếng Việt có dấu, độ dài không quá 1.000 từ. Mỗi tuần, ban tổ chức sẽ chọn một bài viết được chọn để trao giải thưởng bằng tiền mặt trị giá 300.000 đồng.
-Giải thưởng tháng được công bố và trao giải trong vòng 15 ngày tiếp theo của tháng.
-Cuối chương trình, ban tổ chức sẽ lựa chọn 3 tác phẩm để trao giải nhất, nhì, ba cùng phần thưởng trị giá 3 triệu đồng, 2 triệu đồng và 1 triệu đồng.
-Bài dự thi gửi về: [email protected]