Gửi lời chào lớp một

17:02 23/03/2012

Đôi khi, sự ghi nhớ trong vô thức lại sâu sắc hơn nhiều so với việc ta tâm niệm phải nhớ. Vì thế nên những kỷ niệm dung dị mộc mạc nhưng đẹp như thơ của quãng thời gian tôi bắt đầu cắp sách đến trường cứ mãi hằn sâu trong tâm thức.

Yêu quê hương qua từng trang sách vở

Ai bảo chăn trâu là khổ
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao

Tôi đã đi qua quãng đời tuổi thơ mình từ cũng rất lâu rồi. Mỗi ngày trôi qua ký ức tôi lại đầy thêm một mảng. Miền ký ức của con người không phải vô hạn. Hoặc có tính năng chọn lọc để có thể nhớ hoặc quên những việc ta trải qua.

Đôi khi, sự ghi nhớ trong vô thức lại sâu sắc hơn nhiều so với việc ta tâm niệm phải nhớ. Có lẽ vì thế nên những kỷ niệm dung dị mộc mạc nhưng đẹp như thơ của quãng thời gian tôi bắt đầu cắp sách đến trường cữ mãi hằn sâu trong tâm thức.

Ấy là ngày đầu tiên cô giáo vào trong làng đăng ký cho những đứa trẻ đủ tuổi vào lớp một. Tôi không được đi học mẫu giáo như các em nhỏ bây giờ. Nhưng tôi hình như cũng biết có tồn tại một thứ gì đó là trường lớp. Có một việc làm mang tên là đi học.

Bởi tôi thấy các anh chị mình đều vắng nhà buổi sáng hay buổi chiều. Trên vai mang cặp sách. Tối về đọc viết trước ngọn đền dầu. Tôi đã yêu sách ngay từ khi chưa biết đọc. Bởi chị kể cho tôi những câu chuyện cổ tích thần tiên từ trong ấy. Có những nhân vật kì diệu theo tôi vào trong giấc mơ.

Tôi đã chạy đến đăng ký với cô mà chưa hỏi bố mẹ. Cô hỏi tôi mấy tuổi. Tôi đáp rành rọt “cháu bẩy tuổi”. Bẩy tuổi bây giờ đi học là muộn. Hoặc đã trải qua mấy cấp mầm non biết nhận mặt chữ.

Tôi sung sướng kéo tay cô về nhà gặp bố mẹ cho tôi được đến trường như các anh chị. Rồi lại hào hứng chạy sang nhà những đứa trẻ cùng trang lứa trong xóm để nói về việc chúng tôi sắp được đến lớp.

Ngày ấy đến trường là việc gì đó đơn giản lắm. Ngày đầu tiên đi học mẹ chỉ chuẩn bị cho một quyển vở và một cây bút chì cho vào chiếc túi con con. Hoặc có khi cầm hẳn trên tay đến lớp không cần cặp sách.

Trường học ngay đầu làng. Chỗ có bụi tre to tướng, thân tre cao mọc sát lại với nhau rì rào trong gió như ru những mầm măng non bên dưới ngủ. Trước lớp học còn có cây gạo rất xù xì. Mẹ tôi bảo nó đã có từ lâu lắm.

Mỗi bận tháng ba về hoa gạo nở đỏ trên thân cây khẳng khiu trụi lá như những đĩa xôi gấc con con trông rất đẹp mắt. Nhưng mà đám trẻ con chúng tôi không đứa nào dám leo lên hoặc nhặt những bông hoa gạo rụng xuống đất còn tươi nguyên.

Vì các bà ở nhà vẫn bảo: “Cây gạo có ma. Cây đa có thần”. Chúng tôi sợ ma, sợ cả thần vì được dạy rằng ma và thần sẽ đến bắt những đứa trẻ hư. Mà chúng tôi thì nghịch ngợm lắm.

Trường học chỉ có hai phòng học cấp bốn đơn sơ. Mái ngói đã rêu phong mà mỗi khi trời đổ mưa rào cả thầy lẫn trò phải túm tụm lại một góc che cho nhau vì nước mưa dột lỗ chỗ.

Khổ nhất là mưa sẽ làm con đường đến trường lầy lội. Chúng tôi phải kẹp dép vào nách và xắn quần thật cao cho đỡ bẩn. Có hôm tôi trượt chân ngã. Chiếc áo lạnh duy nhất tôi có bê bết đất bùn. Tôi về sợ mẹ mắng.

Nhưng mẹ chỉ kéo tôi vào bếp lửa cho ấm vì tôi chỉ còn phong phanh độc một cái áo cộc trên người. Mẹ tất tưởi giặt áo khoác dạ vắt thật khô rồi đem vào bếp hơ lửa, để ngày mai tôi còn có áo mặc đến lớp.

Mùa đông thì gió lùa qua những kẽ hở trên mái ngói hay thậm chí cả trên tường vào bên trong lớp. Chúng tôi co ro lại với nhau. Có khi lạnh quá cô giáo cùng học sinh ra vườn vải sau trường nhặt nhành từng cành củi khô đem vào đốt lửa trong lớp học.

Dù chỉ cách có cái “ ngày xưa” tôi nói đến vỏn vẹn hơn chục năm nhưng cũng khó hình dung được có một lớp học như thế. Không có kỷ luật khắt khe. Không có khoảng cách. Chỉ có sự hồn nhiên trong mắt những đứa trẻ chúng tôi và lòng yêu thương trìu mến từ cô giáo.

Thầy cô cũng vác cuốc ra đồng cấy cày vào những ngày không phải đứng lớp giống như cha mẹ tôi, dân làng tôi. Nên trong tâm niệm chúng tôi “ thầy cô” là cái gì đó gần gũi và thân thương lắm.

Nhưng thích nhất vẫn là những ngày hè. Trảng cỏ trước lớp học xanh mướt. Những cây me dại đơm những nụ hoa màu hồng bé xíu. Chúng tôi ngắt từng nắm cho vào ngăn bàn. Giờ ra chơi hai cô giáo mang hai chiếc ghế gỗ ra sân trò chuyện.

Còn lũ học trò chúng tôi vây quanh bắt cào cào, châu chấu. Chẳng có quần áo đẹp. Chẳng có đồ chơi nhiều thậm chí một viên phấn trắng cũng là thứ quý giá. Hình như tôi chẳng bao giờ thấy mình buồn phiền.

Học ở lớp chưa đủ. Chúng tôi về nhà tự chơi trò lên lớp với nhau. Lấy viên gạch đỏ làm phấn. Mặt sân làm bảng. Hoặc có lúc là tàu lá chuối làm vở và cái gai mây làm bút. Chúng tôi tự luyện chữ đẹp. Tự học đọc học viết.

Ngôi làng tôi ở rất nhỏ. Người lớn đi chỉ mất tầm mười phút là đến trường. Nhưng bọn trẻ chúng tôi thì phải mất một tiếng. Vì trên đường chúng tôi còn mải xà vào chỗ này hay chỗ khác nghịch ngợm.

Có khi chúng tôi dừng lại cạnh bờ mương moi đất sét chơi pháo loang pháo nổ. Quả pháo đất của đứa nào đứa nấy to đùng, nổ rất vang. Những hôm ấy chúng tôi đến lớp với tay chân áo quần bẩn hơn bình thường.

Cô giáo quở trách thì chúng tôi sẽ tạm dừng trò ấy ít hôm thay bằng trò mới. Ấy là lang thang trên cánh đồng tìm cỏ mật trong các ruộng lúa đã gặt vào mùa đông hay cỏ gà bên trong có cô tiên ( thực ra là một con sâu) ở trên các bờ ruộng vào mùa hè.

Cỏ mật có thân màu tím biếc. Phơi khô thơm vô cùng. Thứ mùi thơm ngọt ngào như mật khiến tôi có lúc muốn trở thành một chú bê con để gặm chúng.

Ngày tổng kết cuối cùng của lớp một tôi bị ốm nặng phải nghỉ học ở nhà. Khỏi phải nói tôi đã đau khổ thế nào. Đến khi nhỏ bạn thân ngay cạnh nhà cầm trên tay giấy khen thì tôi òa khóc. Trời sẩm tối mà tôi nhất định bắt mẹ phải đưa đến nhà cô để “đòi giấy khen” mà nào biết không phải ai cũng được.

Rồi những ngày tháng ê a “ o, bờ, cờ…..” cũng hết. Chúng tôi nhường lại hai phòng học cũ kỹ ấy cho những đứa trẻ bảy tuổi khác trong làng lên lớp một để đi đến một ngôi trường xa hơn thế nhưng cũng đẹp hơn thế.

Tôi đã lên một lớp. Lớn hơn một tuổi. Nhưng tám tuổi vẫn còn là trẻ con lắm. Tôi lại tiếp tục vẫy vùng trong làn nước tươi mát hiền hòa của những tháng ngày tuổi thơ êm đềm. Mỗi ngày đi học tôi lại đi ngang lớp một. Đi ngang bụi tre và cây gạo. Thấy cô giáo tôi ngày xưa vui chơi bên những đứa bé nhỏ hơn tôi một tuổi.

Cảm giác ấy thân thương và dịu ngọt làm sao.

Tôi đã hạnh phúc đến như thế khi tôi còn chưa được biết đến khái niệm ấy là gì?

Yêu mãi lớp một ơi!

Lê Thị Hoa

Cuộc thi ‘Viết cho tuổi học trò’

Cuộc thi nhằm giúp các bạn trẻ chia sẻ những câu chuyện về tuổi học trò, vui hoặc buồn, khiến bạn bật cười hay muốn khóc khi nghĩ đến. Nhưng đó là nơi cất giữ một phần con người bạn, là một cuốn cẩm nang đúc kết những bài học sẽ theo bạn suốt cả cuộc đời.

Hãy chia sẻ với chúng tôi con người đó, câu chuyện đó của bạn hoặc những người xung quanh để những bài học của bạn sẽ trở thành của mọi người, để giúp cho ai đó còn đang chưa tìm được lối thoát sẽ nhận ra sự đồng cảm và niềm hy vọng vẫn tồn tại trong cuộc đời này và để tuổi học trò mãi mãi là những dấn ấn không quên trong mỗi chúng ta.

Chương trình do VnExpress.net, Ione.net và FPT Mạng cá cược bóng đá  phối hợp tổ chức. Thời gian nhận bài từ 28/2 – 28/4.

Xem thông tin chi tiết về cuộc thi và gửi bài tham dự tại đây

Đăng Kí học Fpoly 2023

Bình Luận