Môn Lịch sử luôn là môn thi tốt nghiệp có kết quả trung bình thấp nhất và là nỗi ám ảnh với nhiều thế hệ học sinh. Vậy hãy cùng tham khảo bí quyết ôn thi môn học “khó nhằn” này từ Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng, giảng viên Trung tâm GDNN-GDTX Thạch Thất, Hà Nội, gợi ý cách ôn Lịch sử nhanh và hiệu quả bằng kẻ bảng hệ thống kiến thức.
Thứ nhất, học sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa là yêu cầu cơ bản nhất trong việc ôn tập. Bài trắc nghiệm thường bao quát kiến thức rộng, trải dài toàn bộ chương trình, do đó khi ôn tập, các em cần ghi chú từ khóa ngắn gọn để dễ nhớ và áp dụng.
Kiến thức trọng tâm phần lớn ở lớp 12, gồm Lịch sử thế giới và Lịch sử Việt Nam. Phần Lịch sử thế giới các em chia thành 6 chủ đề, tương đương 6 chương trong sách giáo khoa.
– Chủ đề 1: Trật tự thế giới mới sau chiến tranh thế giới thứ hai.
– Chủ đề 2: Liên Xô (1945-1991); Liên bang Nga (1991-2000).
– Chủ đề 3: Các nước châu Á, Phi và Mỹ Latinh (1945-2000).
– Chủ đề 4: Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản (1945-2000).
– Chủ đề 5: Quan hệ quốc tế (1945-2000).
– Chủ đề 6: Cách mạng khoa học công nghệ và xu thế toàn cầu hóa.
Phần lịch sử Việt Nam, từ năm 1919 đến năm 2000, có 5 giai đoạn tương ứng với 15 bài học trong sách giáo khoa. Các em cũng có thể chia thành 5 chủ đề:
– Chủ đề 1: Phong trào dân tộc dân chủ 1919-1930 (bài 12, 13).
– Chủ đề 2: Cuộc vận động giải phóng dân tộc 1939-1945 (bài 14, 15, 16).
– Chủ đề 3: Bảo vệ thành quả Cách mạng tháng 8/1945 và kháng chiến chống Pháp 1945-1954 (bài 17, 18, 19, 20).
– Chủ đề 4: Kháng chiến chống Mỹ 1954-1975 (bài 21, 22, 23).
– Chủ đề 5: Đất nước đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội (bài 24, 25, 26).
Thứ hai, học sinh cần hệ thống kiến thức theo sơ đồ bảng biểu giúp việc ôn tập trực quan và sinh động hơn. Trong đề thi, các em thường gặp các câu hỏi liên quan giữa lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam, giữa giai đoạn sau với giai đoạn trước hoặc giữa các sự kiện với nhau.
Vì vậy, ôn tập bằng bảng biểu so sánh, các em dễ dàng tìm ra được điểm giống và khác nhau, mối liên hệ giữa các sự kiện để hiểu bài hơn.
Các dạng kiến thức có thể so sánh như:
– So sánh các chiến dịch, chiến lược: Chiến dịch Việt Bắc – Chiến dịch Biên giới, Chiến dịch Điện Biên Phủ – Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chiến lược chiến tranh đặc biệt với chiến lược chiến tranh cục bộ…
– So sánh các giai đoạn lịch sử: Giai đoạn 1930-1931 với 1936-1939 hoặc 1936-1939 với 1939-1945.
– So sánh các Hiệp định: Hiệp định Sơ bộ 1946 với Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 với Hiệp định Paris 1973.
– So sánh ý nghĩa lịch sử, nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng tháng 8/1945 với Kháng chiến chống Pháp 1954 hoặc kháng chiến chống Mỹ năm 1975.
– So sánh tình hình Việt Nam sau cách mạng tháng 8/1945 với Việt Nam sau năm 1954 hoặc tình hình Việt Nam sau năm 1975…
– So sánh hai văn kiện: Cương lĩnh chính trị và Luận cương chính trị.
Ví dụ: So sánh Cương lĩnh chính trị (2/1930) với Luận cương chính trị (10/1930).
Nội dung | Cương lĩnh chính trị | Luận cương chính trị |
Giống nhau | – Xác định công – nông là lực lượng chính.
– Giai cấp công nhân là lực lượng tiên phong của cách mạng Việt Nam. |
|
Nhiệm vụ chiến lược | – Đánh đổ đế quốc và phong kiến. | – Đánh đổ phong kiến và đế quốc. |
Lực lượng | – Công nhân, nông dân, tiểu tư sản, tư sản dân tộc. | – Công nhân và nông dân. |
Qua nội dung so sánh, các em đưa ra nhận xét:
– Cương lĩnh vận dụng sáng tạo và đúng đắn chủ nghĩa Mác-Lênin, kết hợp đúng đắn giữa vấn đề dân tộc và giai cấp.
– Luận cương chưa nêu được mâu thuẫn chủ yếu, chưa đưa ngọn cờ giải phóng lên hàng đầu, chưa đoàn kết dân tộc rộng rãi.
Ví dụ: So sánh chủ trương, sách lược của đảng qua hai giai đoạn: 1930-1931 với 1936-1939.
Nội dung | 1930-1931 | 1936-1939 |
Đối tượng cách mạng | – Đế quốc, phong kiến tay sai. | – Đế quốc phát xít, bọn phản động thuộc địa và tay sai. |
Nhiệm vụ cách mạng | – Chống đế quốc đòi tự do dân chủ, cải thiện đời sống. | – Chống phát xít, chống chiến tranh đòi tự do, cơm áo, hòa bình. |
Lực lượng cách mạng | – Công nhân, nông dân. | – Đông đảo các tầng lớp, giai cấp: Công nhân, nông dân, tri thức, tập hợp trong mặt trận Dân chủ Đông Dương. |
Hình thức đấu tranh | – Bãi công, biểu tình và biểu tình có vũ trang. | – Đấu tranh chính trị. |
Phương pháp đấu tranh | – Bí mật, bất hợp pháp. | – Hợp pháp, công khai, kết hợp bí mật, bất hợp pháp. |
Hệ thống kiến thức bằng cách so sánh hai sự kiện giúp các em tránh việc học vẹt, học tủ, hay học dàn trải đơn điệu. Sau khi thuần thục hơn với dạng so sánh hai vấn đề, các em có thể gộp nhiều hơn hai sự kiện để cùng so sánh và tìm ra sự liên hệ giữa các sự kiện đó. Các dạng kiến thức có thể so sánh từ ba sự kiện như:
– Nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử:
1. Cách mạng tháng 8/1945.
2. Kháng chiến chống Pháp 1954.
3. Kháng chiến chống Mỹ năm 1975.
– Các tổ chức khu vực và thế giới:
1. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)
2. Liên minh châu Âu (EU)
3. Liên Hợp Quốc
– Các chiến lược chiến tranh của Mỹ triển khai ở miền Nam Việt Nam:
1. Chiến lược chiến tranh đặc biệt
2. Chiến lược chiến tranh cục bộ
3. Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh và Đông Dương hóa chiến tranh
Ví dụ: Để so sánh các hiệp định như Hiệp định Sơ bộ năm 1946, Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, Hiệp định Paris 1973 bằng bảng biểu, các em thực hiện các bước sau:
– Bước 1: Lập bảng biểu như bên dưới, dùng bất kỳ mặt giấy trắng nào có để lập bảng, ưu tiên những mặt giấy khổ to như A3, mặt sau của tờ lịch treo tường. Để phần hệ thống kiến thức thêm sinh động, trực quan, các em có thể chuẩn bị thêm bút màu, bút nhớ để tô điểm vào bảng biểu.
Hiệp định sơ bộ | Hiệp định Giơ-ne-vơ | Hiệp định Paris | |
Ngày ký | 6/3/1946 | 21/7/1954 | 27/1/1973 |
Nội dung cơ bản | – Chính phủ Pháp công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do, có chính phủ riêng, nghị viện riêng, quân đội riêng.
– Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thỏa thuận cho 15.000 quân ra Bắc thay quân Trung Hoa dân quốc. – Hai bên ngừng mọi xung đột ở phía Nam. |
– Các nước tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
– Các bên tham chiến thực hiện ngừng bắn, lập lại hòa bình ở Đông Dương. – Các bên tham chiến thực hiện cuộc tập kết, chuyển quân, chuyển giao khu vực. – Ở Việt Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời. – Hiệp định cấm đưa quân đội, nhân viên quân sự, vũ khí nước ngoài vào các nước Đông Dương. – Việt Nam tiến tới thống nhất bằng cuộc tổng tuyển cử tự do được tổ chức tháng 7/1956. – Trách nhiệm thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ thuộc về những người ký hiệp định. |
– Mỹ và các nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
– Hai bên ngừng bắn ở miền Nam vào lúc 24h ngày 27/1/1973 và Mỹ cam kết chấm dứt mọi hoạt động quân sự chống miền Bắc Việt Nam. – Mỹ rút hết quân đội của mình và quân đồng minh, hủy bỏ các căn cứ quân sự, cam kết không dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam. – Nhân dân miền Nam tự quyết định tương lai chính trị thông qua tổng tuyển cử. – Các bên thừa nhận thực tế miền Nam Việt Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị. – Hai bên trao trả tù binh và dân thường bị bắt. – Mỹ cam kết góp phần vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh, thiết lập quan hệ bình thường với Việt Nam. |
Ý nghĩa lịch sử | – Ta tránh được cuộc chiến đấu bất lợi chống lại nhiều kẻ thù, đẩy được 200.000 quân Trung Hoa dân quốc ra khỏi đất nước.
– Có thêm thời gian để củng cố chính quyền cách mạng và chuẩn bị lực lượng về mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài. |
– Đánh dấu sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.
– Là văn bản pháp lý quốc tế ghi nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân các nước Đông Dương. |
– Là thắng lợi của sự kết hợp giữa đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao; là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất của nhân dân ta.
– Là văn bản pháp lý quốc tế ghi nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân ta, tạo thời cơ thuận lợi để tiến tới giải phóng miền Nam. |
– Bước 2: Các em tìm thông tin trong sách giáo khoa, điền đầy đủ vào bảng. Phần nội dung cơ bản, các em lưu ý gạch từng đầu dòng rõ ràng. Nội dung Hiệp định Sơ bộ là 3 ý, Hiệp định Giơ-ne-vơ là 6 ý, Hiệp định Pa-ris là 7 ý.
– Bước 3: Rút ra nhận xét về sự tiến bộ trong cuộc đấu tranh của nhân dân ta qua từng hiệp định; điểm tiến bộ của Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 với Hiệp định Sơ bộ 1946; điểm tiến bộ của Hiệp định Paris 1973 với Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954.
Thứ ba: Thường xuyên làm các dạng đề ôn tập và ôn tập xong chủ đề nào làm luôn câu hỏi trắc nghiệm chủ đề đó giúp các em kiểm tra lại phần hệ thống kiến thức và nhớ bài lâu hơn.
Học sinh nên tham khảo quyển Bộ đề đánh giá năng lực của tác giả Nguyễn Văn Ninh. Bộ đề có nhiều dạng câu hỏi để luyện tập và cách giải quyết từng dạng câu hỏi được giải thích chi tiết. Ngoài ra, quyển Thần tốc luyện đề môn Lịch sử giúp hệ thống hóa các lỗi sai thường gặp trong quá trình làm đề thi, tạo ra lộ trình luyện đề phù hợp và hiệu quả, giúp thí sinh có hướng đi rõ ràng, từng bước tiến bộ để bứt phá đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi vào các trường đại học, cao đẳng.
Theo VN Express.