Trương Vệ Đông đã đi một vòng các hội chợ việc làm quanh Nam Kinh suốt hơn một tháng và không thể hiểu được vì sao anh không chọn được một công việc.
“Các công ty đó đang tuyển người và tôi có bằng cấp”, cậu sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành máy tính 22 tuổi mang theo túi nhựa đựng hồ sơ, danh thiếp và thông tin về công ty nói. “Tôi không hiểu tôi đã làm sai điều gì?”
Sinh viên tốt nghiệp của các trường đại học bị thất nghiệp vốn rất hiếm ở Trung Quốc. Nhưng hiện nay, vấn đề này đã nổi lên thành vấn đề nghiệm trọng bởi sụt giảm kinh tế tồi tệ nhất trong hai thập kỷ qua. Có tới một phần ba trong số 5,6 triệu sinh viên tốt nghiệp năm 2008 vẫn đang tìm kiếm việc làm và trong năm 2009 sẽ có tiếp 6,1 triệu sinh viên nữa bước vào thị trường lao động. Tìm kiếm việc làm đang trở thành vấn đề ưu tiên của quốc gia. Đầu tháng này, chính quyền trung ương đã yêu cầu các chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước cần tuyển nhiều hơn các sinh viên tốt nghiệp để duy trì “ổn định chung” cho Trung Quốc.
Các trường đại học đang đưa ra những kỷ lục về số sinh viên tốt nghiệp. Nhưng đối nghịch với bức tranh giảm phát toàn cầu và các hội chợ việc làm với những tiếng quát nạt giống nhau, chỉ có số ít sinh viên có thể tìm được việc.
Sa lầy vào nợ nần
Trung Quốc đang phải chịu đựng gánh nặng từ giáo dục đại học tương tự như bong bóng tín dụng toàn cầu. Theo yêu cầu của chính phủ, các trường đại học Trung quốc với chủ yếu là các trường công lập đã đẩy lượng tuyển sinh tăng mỗi năm khoảng 30% trong suốt thập kỷ qua và xây dựng lượng lớn các học xá mới. Vấn đề tài chính lao vào luẩn quẩn: sinh viên mới đòi hỏi thêm các khoản chi, do đó cần phải được vay nợ để mở rộng. Nhưng các kế hoạch không được tính toán hợp lý dẫn đến hàng trăm trường đại học khắp Trung Quốc vướng vào nợ nần.
Vấn đề nghiêm trọng hơn trong dài hạn tiếp theo sự phát triển quá nhanh đã tạo gánh nặng nợ nần. Từ đó, nhiều trường đã trở thành nơi buôn bán bằng cấp tạo ra lượng lớn sinh viên kém chất lượng. Vệ Đông đã nhận bằng từ một trường y học dân tộc Trung Quốc trước đây chưa từng dạy về Khoa học máy tính. Với vẻ mặt rầu rĩ khi nghĩ về các lớp học quá tải và thiếu tài liệu: “Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu kiểu giáo dục đó có chất lượng”.
Rất nhiều chuyên gia đã đặt ra các câu hỏi tương tự nhau như Trung Quốc đã che dấu các vấn đề trong đầu thập kỷ. Trước đó, khi nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ hai chữ số, việc kiếm việc là khá dễ dàng. Ngày nay, khi các công ty kén chọn hơn và rất nhiều đã từ chối tuyển dụng các sản phẩm của hệ thống giáo dục đại học của Trung Quốc.
“Đã có sự mất cân đối giữa hệ thống giáo dục đại học và yêu cầu của nền kinh tế” Lãnh đạo chương trình đào tạo nhân sự cho công ty nước ngoài của Đại học New York tại Trung Quốc Robert Ubell nói. “Sinh viên tốt nghiệp của Trung Quốc thường có rất ít kỹ năng thực hành”.
Vấn đề hiện nay nằm ở phần giữa hệ thống giáo dục Trung Quốc. Chương trình giáo dục cơ sở quốc dân nhằm đáp ứng mục tiêu hầu hết người Trung Quốc đều phải biết đọc, biết viết. Điều đó có nghĩa từ nông dân nghèo đến các thành phố mới nổi vùng duyên hải đều có thể dễ dàng được đào tạo để vận hành máy móc. Đỉnh trên cùng của hệ thống trên là 75 trường đại học tinh hoa được đầu tư một cách lãng phí từ chính quyền trung ương. Bởi vì việc mở rộng của các trường này được kiểm soát bởi Bắc Kinh nên không bị vấn đề về tài chính.
Dưới các trường đại học tinh hoa còn có 2.100 trường khác với rất nhiều chuyên ngành đào tạo bậc đại học. Theo nguồn tin chính thức và các nghiên cứu độc lập, hầu hết trong số đó đều mang gánh nặng của nợ xấu. Triệu Hán, phó hiệu trưởng trường Đại học công nghệ Hà Phì tại tỉnh nghèo An Huy cho biết 50 trường đại học của tỉnh này đang nợ ngân hàng 1,2 tỷ USD. Ông Triệu đồng thời là cố vấn chính phủ được tiếp cận với thông tin tài chính cho biết, một số trường có số nợ đến hạn bằng một nửa số học phí thu được. “Đó là khoản chi phí quá lớn đang ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của trường” ông cho biết thêm.
Chính quyền địa phương với sức mạnh tài chính đang sẵn sàng cho gói cứu trợ. Năm 2008, tỉnh Quảng Đông giàu có đã yêu cầu các ngân hàng mà hầu hết là các ngân hàng quốc doanh cấu trúc lại các khoản nợ cho các trường đại học. Tỉnh này cũng đã chi 30 triệu USD trong năm 2009 để ngăn chặn vỡ nợ hàng loạt của các trường đại học. Các quan chức của Bộ giáo dục Trung Quốc từ chối trả lời phỏng vấn về vấn đề này nhưng cũng cho biết các khoản nợ của trường đại học là vấn đề nghiêm trọng nhất.
“Một cách khách quan, nền giáo dục cần được mở rộng”, lãnh đạo của tổ chức phi chính phủ về cải cách giáo dục Dương Đông Bình cho biết. “Nhưng chúng ta vừa được chứng kiến một thảm họa giáo dục”
Một số khác nhìn xu thế một cách thực tiễn hơn, Giáo sư Hồ An Cương kinh tế gia của Đại học Thanh Hoa nêu quan điểm Trung Quốc đang phát triển hệ thống đại học giống như Mỹ sau Thế chiến thứ II. Tại thời điểm đó, đạo luật tái hòa nhập cho phép những người lính khi trở về có thể học cao đẳng, đại học tạo sự hỗ trợ cho sự tăng trưởng kinh tế lâu dài. Và vấn đề hiện tại của Trung Quốc sẽ qua đi theo thời gian.
Giáo sư Hồ cho biết thêm : “Sự phát triển của Trung Quốc là đúng đắn, đó là một phần khi tiếp cận việc mở rộng hệ thống giáo dục vươn tới tinh hoa”.
Trong phần lớn lịch sử Trung Quốc, giáo dục đại học bị ảnh hưởng bởi các nhà Nho học. Cuộc cách mạng năm 1949 đã tạo ra được rất ít sự thay đổi trong đó giáo dục đại học hạn chế cho rất ít người trong xã hội. Các cuộc biểu tình liên tục của sinh viên củng cố sự nghi ngờ của chính quyền với tầng lớp này.
Thành phố Đại học
Trở lại năm 1998, khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, Thủ tướng Chu Dung Cơ, người phải lãnh gánh nặng trách nhiệm đã quyết định Trung Quốc cần được nhìn nhận lại. Ông yêu cầu các trường đại học mở cửa và lực lượng lao động có kỹ năng cần phải sản xuất hàng tiêu dùng nội địa giúp cho kinh tế Trung Quốc thoát khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu.
Trong năm đó, số sinh viên là 3,4 triệu. Và trong năm 2008, số sinh viên đã là 21,5 triệu. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, để đáp ứng việc tuyển sinh tăng cao, các trường đã bỏ ra gần 100 tỷ USD đầu tư vào các “thành phố” đại học với khuôn viên rộng rãi và các tòa nhà hoành tráng.
Nhưng chính quyền đã bị qua mặt. Các trường hỏi vay các khoản nợ mà họ cần và ngân hàng quốc doanh vốn cũng chịu sự kiểm soát của nhà nước bắt buộc phải đồng ý. Không có truyền thống gây quỹ từ việc đóng góp từ cựu sinh viên, các trường có hai cách để thoát khỏi các khoản vay là cắt giảm chi tiêu và tuyển thêm nhiều sinh viên. Các báo cáo phân tích của chính phủ chỉ ra rằng lương giảng viên đã bị cắt giảm, không có chi phí mua đồ dùng, thiết bị và kích thước lớp học tăng gấp đôi là điều phổ biến khắp Trung Quốc.
Trong khi các chuyên gia nói rằng đất nước cần những kỹ thuật viên bậc trung thì rất nhiều đại học có xu hướng gạ sinh viên đóng phí vào các ngành như Tiếng Anh, du lịch, công chính, báo chí hay luật. Đó là những ngành ít cần đầu tư, không cần máy móc kỹ thuật và đáp ứng nguyện vọng của người dân Trung Quốc trong đó giáo dục là con đường để thăng quan chức hoặc các vị trí cổ cồn trắng khác chứ không phải để đào tạo cho vị trí kỹ thuật.
Hậu quả cho một thập kỷ mở rộng bột phát có thể thấy ở Trường Y học dân tộc Nam Kinh nơi Trương Vệ Đông đã học về máy tính.
Trong những năm 1990, trường là nơi đào tạo có uy tín cho 1.500 sinh viên về điều trị theo phương pháp cổ truyền. Mặc dù Trung Quốc không còn nhiều bệnh viện y học cổ truyền nhưng sinh viên tốt nghiệp hầu hết vẫn luôn có việc làm. Từ những năm 1950, các sinh viên tốt nghiệp đã được nhận vào các bệnh viện danh tiếng hay viện nghiên cứu khắp đất nước
Truyền thống đó đã kết thúc vào năm 1998 cùng với yêu cầu mở rộng của chính phủ. Ngay trong năm sau đó, số lượng sinh viên tăng thêm một phần ba. Khuôn viên nhỏ nằm trong khu trung tâm Nam Kinh trở nên chật chội và sinh viên phải ở trọ trong khách sạn và học tại các quán cà phê. Ngay năm tiếp theo, trường bắt đầu xây dựng.
Trường đã vay hàng loạt các ngân hàng khoảng 200 triệu USD. Mặc dù lãnh đạo trường không nói chính xác nhưng thành viên của hội đồng điều hành cho biết bốn ngân hàng lớn nhất đã cho trường vay. Tất cả ngân hàng này đều từ chối đưa ra bình luận chính thức.
Các nhà điều hành trường đại học đặt ra áp lực tăng trưởng. Trong một phỏng vấn công khai vài năm trước đó, hiệu trưởng cũ của trường là Xương Bình đã cho rằng mở rộng là cơ hội để tăng cao thanh thế. Khi đến các hội nghị, các nhà giáo dục nước ngoài đã không coi trọng ông bởi vì trường quá nhỏ. Sau đó khi trả lời phỏng vấn năm 2006, ông cho biết họ đã phải nhìn ông với tư cách một trường đại học lớn và toàn diện. Ông nói thêm : “Đó quả là một bước tiến lớn”.
Trường đã chuyển đến Thành phố Đại học Thiên Lâm thuộc ngoại ô Nam Kinh, một khu vực rộng hơn 100 ha cùng với 11 trường khác. Cổng chính được trang hoàng với vòi phu nước và một tảng đá cảnh to lớn được lấy từ ngọn núi gần đó.
Công trình xây dựng bị tham nhũng hoành hành. Trong năm 2004, thanh tra chính phủ phát hiện ra chỉ có một nửa Thành phố Đại học được sử dụng cho giáo dục và phần còn lại được sử dụng cho các dự án thương mại như các khóa học đánh gôn. Để ngăn chặn sự việc tiếp diễn, lãnh đạo cao nhất của Trường Đại học Y học cổ truyền Nam Kinh đã bị bỏ tù vì tội danh liên quan đến hối lộ va tham ô.
Nhiều nhà giáo cảm thấy bị tổn thương. Một trong số đó là Cát Văn Huy, một học giả về các văn bản y dược cổ điển vốn là trưởng thư viện. Ông đã thấy thư viện chỉ tăng gấp rưỡi trong khi số sinh viên tăng gấp 11 lần thành 17.000 sinh viên. Trường có 1.200 giảng viên và nhân viên , chỉ tăng 20% so với khi trường nhỏ hơn nhiều lần. Thư viện mới thì bị dột và thiếu nhiều công cụ điện tử cơ bản ví dụ như cơ sở dữ liệu tài liệu học thuật.
Ông Cát Văn Huy nói: “Lý do cho việc mở rộng không hề đáp ứng nhu cầu xã hội. Hệ thống giáo dục vẫn đang chạy theo các lợi ích kinh tế”.
Cũng là thành viên Hội đồng điều hành trường, ông Cát cho biết một báo cáo nội bộ đã chỉ ra rằng trường đang phải trả tới 60 triệu USD một năm cho lãi vay so với tổng thu nhập hàng năm chỉ là 30 triệu USD. Trong năm 2006, chính quyền địa phương tỉnh đã giải quyết và cơ cấu lại nợ. Hiện tại trường vẫn phải trả nợ bằng khoảng một phần tư quỹ của mình và đã tiến hành cắt giảm 25% lương giảng viên.
Trong bản trả lời các câu hỏi được gửi qua máy fax, các nhà điều hành trường từ chối đưa ra chi tiết ví dụ như tỷ lệ giảng viên trên sinh viên hay chi phí cho vật dụng và hỗ trợ học tập. Nó cũng nói rằng chính quyền tỉnh đã và đang giúp các trường. Rủi ro về nợ hoàn toàn đã được trường hoàn toàn kiểm soát.
Một tuyên bố được đăng trên trang web của trường thì nói rằng trường đang phải đối mặt với “tình hướng phức tạp” và rằng “khoản nợ lớn để xây dựng khuôn viên mới đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến vốn ngắn hạn cho điều hành trường, gây khó khăn cho sự phát triển của trường”.
Ba năm học tập
Dưới góc độ của mình, rất ít sinh viên có thể cảm nhận được các hạn chế đó kể cả sinh viên vào học y học cổ truyền. Ngồi trong quán café lớn của trường trong một chiều mưa, sinh viên Trần Tam Hưng cho rằng giáo dục tại đây đã không tương xứng với truyền thống lịch sử tốt đẹp của trường. Lớp học thì quá đông và quá nhiều sinh viên trong khi có quá ít cơ hội thực tập tại các bệnh viện trong vùng.
“Đông sinh viên có nghĩa là nhà trường có thể kiếm tiền, điều đó kiến trường mở thêm các chuyên ngành theo thị hiếu”. Sinh viên Trần Tam Hưng cho biết thêm.
Trường đã mở thêm nhiều ngành mới gồm kinh tế và kinh doanh quốc tế, tâm lý học ứng dụng và Tiếng Anh. Sinh viên những ngành này cũng kêu ca những vấn đề tương tự.
Trở lại với sinh viên Trương Vệ Đông đã tốt nghiệp ngành máy tính và đang thất nghiệp nhưng cậu cho rằng bằng cấp của mình nghe có vẻ tốt, chương trình học được tinh gọn. Như nhiều sinh viên khác tại trường, chương trình học bốn năm được rút ngắn thành ba năm và sinh viên dùng năm thứ tư của mình để đi xin việc đúng như những gì cậu đang làm. Sinh viên này cho biết phòng thực hành máy tính khá đầy đủ nhưng các lớp học có trên 100 sinh viên và không có hướng dẫn. Có rất ít giao tiếp với sinh viên và tài liệu học tập về máy tính thì thực sự ít.
Jane Dương, một sinh viên ngành Tiếng Anh tại đây cho biết trong khi dùng bữa trưa tại quán của trường. “Không có cơ hội việc làm nào cho những người như tôi. Có lẽ tôi sẽ đi học cao học”.
IAN JOHNSON – Wall Street Journal.
TS. Đàm Quang Minh dịch