Để có thể phụ giúp cha mẹ, cứ vào dịp nghỉ hè là chúng tôi lại mò cua bắt ốc bán kiếm tiền mua thước, bút dự trữ phòng khi hết mực.
Ngoài trời âm u lất phất những hạt mưa hòa quyện và xen lẫn gió mang. Cái rét cắt da cắt thịt của buổi đầu đông đang luồn qua từng nhành cây kẽ lá, rồi rít lên mái tranh từng hồi từng hồi như một người nào đó ăn phải đồ cay đang hít hà. Vậy là một mùa đông nữa lại tới. Nhưng không giống như những lần trước, lần này đông đến lại mang theo những dòng hồi ức kỷ niệm của một thời thơ ấu gắn liền với hình ảnh nồi khoai lang luộc.
Theo như lời mẹ kể, tôi được ra đời trong lúc mùa đông vừa ập tới, gạo chỉ còn lại rất ít ỏi, nhưng khoai lang thì còn khá nhiều và cả gia đình tôi phải ăn cơm hấp khoai. Cơm thì ít mà khoai thì nhiều, la liệt và ngổn ngang dưới đáy nồi toàn khoai là khoai. Tôi lớn lên nhờ những củ khoai mập tròn, to ngọt ngào hương vị của đất, chưng cất của đất trời, mồ hôi của người lao động. Đó là mẹ, chị, anh, cha và em. Màu vàng của ruột khoai như màu nắng sớm ban mai và cũng là màu nắng của cái nắng trưa hè tháng sáu thiêu đốt con người xứ Nghệ. Tôi lớn lên với những nồi khoai, đến nỗi cho đến bây giờ khi đã là sinh viên tôi vẫn còn nhớ, thèm thuồng mãi món khoai lang luộc ngày ấy.
Để cho cả năm anh, chị, em tôi được cắp sách đến trường đều đặn cha, mẹ tôi đã không quản ngại khó khăn vất vả, bươn chải tất tả ngược xuôi không biết lưng còng lòng mỏi là gì. Do đó, chúng tôi đều là những người con có hiếu trong gia đình, được thầy cô, bạn bè khen ngợi không tiếc lời. Dù là nhà đông con trai nhưng không hề có chút tai tiếng. Có lẽ như vậy cũng an ủi cha mẹ tôi phần nào.
Để có thể phụ giúp cha mẹ, cứ vào dịp nghỉ hè là chúng tôi lại mò cua bắt ốc bán kiếm tiền mua thước, bút dự trữ phòng khi hết mực. Và cũng kể từ đó, cái khổ sở, đau thương nghịch cảnh của sự nghèo đói, rách rưới và thiếu thốn đã gieo vào mảnh đất tâm hồn tôi những hạt giống của ước mơ, khát khao thành công đến độ cháy bỏng nóng lòng, không gì tả xiết. Và một trong những ước mơ đó là làm trọn đạo hiếu, xây lại nhà và để cha mẹ an hưởng tuổi già sau những năm trời lầm lũi như trâu ngựa quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời.
Ước mơ ấy vẫn đeo đẳng đêm ngày, khiến tôi nhiều đêm trở mình trong khuya khi nằm trong gian nhà trọ mười mấy mét vuông. Mưa giông ào ào dội trên mái tôn mà tựa như tưới đẫm cả tâm hồn tôi. Dường như cả người tôi cũng đang ướt sũng, dầm dề trong mưa lạnh. Nhiều lúc, trong cuộc sống đầy gian truân nghịch cảnh, chính cái ước mơ nhỏ nhoi và giản dị đó đã soi sáng con đường giúp tôi đi xuyên qua đêm tối của sự đuối sức, tuyệt vọng và ngã lòng vì thất bại tạm thời.
Cứ mỗi lần về quê, thăm lại quê hương những nẻo đường đất đỏ, những gò đồi sim, hoa mua tim tím đang đu đưa trong gió như mời gọi tôi về. Có dịp nhìn ngắm những khóm tre làng nghiêng nghiêng soi bóng xuống dòng sông xanh thẳm đang lững lờ trôi mà nhìn từ xa như những thiếu nữ mười tám, đôi mươi đang xõa mái tóc dài của mình soi vào tấm gương khổng lồ của tạo hóa là lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến, một cảm giác hạnh phúc hân hoan miên man khó tả len lỏi vào từng tấc da thớ thịt. Nó lẫn vào trong từng hơi thở của mình như được gặp lại người bạn tri âm, tri kỷ của mình sau những tháng trời đằng đẵng xa cách, bơ vơ nơi đất khách quê người. Nhưng cảm giác đó lại được thay thế bởi những nỗi niềm trĩu nặng khi nhìn cha, nhìn mẹ tôi đang từng ngày từng giờ đội nặng nửa thế kỷ trên mái tóc lốm đốm bạc của mình. Ôi! Bàn tay, gò má, khuôn mặt mẹ những tàn nhang, vết nám, nếp nhăn chằng chịt, khắc khổ vì sương gió miền Trung. Mẹ tôi thắt lưng buộc bụng, chắt chiu từng đồng tiền bán rau, bán chè xanh để cho chúng tôi đóng học phí cắp sách đến trường đổi lấy cái chữ với hy vọng nhỏ nhoi: “Ai giàu đâu ba họ, đâu khó ba đời! Cho chúng cái chữ may ra mai sau đỡ thân”.
Nếu ai đã từng là sinh viên thì chắc sẽ hiểu được cái cảm giác tủi nhục, xót xa và có cả đau đớn, tự trách mình: tuổi đời hai mươi mà còn về nhà ngửa tay xin tiền cha mẹ. Nhưng tôi cũng chỉ lén lút ôm gối sụt sùi khóc một mình trong đêm. Tôi đã nhiều lần xin đi làm thêm nhưng sợ ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập nên cha mẹ tôi nhất quyết không đông ý, tôi cũng không dám trái lời. Tôi chỉ còn cách duy nhất để làm vui lòng cha mẹ là phấn đấu học thật giỏi. Nhiều khi gọi điện về cho mẹ, nghe hơi thở gấp gáp của mẹ trong điện thoại mà tôi quặn thắt ruột gan vì tôi thấy được sức khỏe của mẹ đang giảm sút từng ngày.
Tôi không ngừng khao khát một ngày không xa sẽ thành công như mong đợi và trở về quê xây lại gian nhà gỗ ba gian lụp xụp, cho cha mẹ an hưởng cảnh điền viên. Gác trọ đã lên đèn, dòng người xe cộ tất tả ngược xuôi đã nhường chỗ cho sự im lặng và tĩnh mịch cùng bóng tối đang bủa vây lấy đất trời Trà Vinh. Và đêm nay lại một đêm không ngủ, con lại nhớ về mẹ, cha, hai em và chị nơi phương trời xa xôi! Và cả những tâm sự ngổn ngang cùng với ước mơ còn giang dở – ước mơ nhỏ bé bên nồi khoai lang luộc! Dám sai để biết được là mình chưa đúng và còn giang dở để biết được rằng mình cần phải hoàn thành nó mẹ nhỉ?
Hoàng Văn Thiệu
-Từ ngày 1/4 đến hết ngày 13/5, Báo điện tử Ione.net và FPT Mạng cá cược bóng đá tổ chức cuộc thi viết “Hành trình đến tương lai”.
-Đối tượng tham dự là các bạn trẻ trong độ tuổi từ 17.
-Nội dung cuộc thi xoay quanh trăn trở của các bạn trẻ trước những lựa chọn ngành nghề hay con đường tiếp theo sau khi tốt nghiệp THPT. Bài dự thi bằng tiếng Việt có dấu, độ dài không quá 1.000 từ. Mỗi tuần, ban tổ chức sẽ chọn một bài viết được chọn để trao giải thưởng bằng tiền mặt trị giá 300.000 đồng.
-Giải thưởng tháng được công bố và trao giải trong vòng 15 ngày tiếp theo của tháng.
-Cuối chương trình, ban tổ chức sẽ lựa chọn 3 tác phẩm để trao giải nhất, nhì, ba cùng phần thưởng trị giá 3 triệu đồng, 2 triệu đồng và 1 triệu đồng.
-Bài dự thi gửi về: [email protected]