Hồi nhỏ, tôi thường xem những bộ phim Trung Quốc đánh nhau rất hay, có nhiều cảnh cảnh sát bắt cướp với những pha rượt đuổi ngoạn mục khiến tôi thích mê. Rồi những bộ phim cảnh sát hình sự của Việt Nam ra đời, thấy mấy anh chị công an đi bắt cướp sau mà oai phong quá, họ lại có võ nữa. Thế là hình ảnh màu áo xanh với cái mũ có ngôi sao trên đầu cứ nhảy múa trong đầu. Không biết từ lúc nào ước mơ trở chiến sĩ cảnh sát cứ len lỏi vào từng suy nghĩ. Tôi quyết định phải học thật giỏi để thi vào ngành công an, trở thành người có ích cho xã hội.
Việc đầu tiên thực hiện ước mơ là tôi đăng ký học võ Taekwondo để vừa có sức khỏe vừa bảo vệ bản thân khi gặp sự cố và còn một lý do nữa rất ư là con nít đó là học để biết trước, khi nào vào trường công an có học lại cũng đỡ bỡ ngỡ. Ngày nào cũng vậy, tôi chăm chỉ học hành, đi học võ đều đặn, đọc truyện trinh thám và xem nhiều phim hành động, nói chung là cố gắng tìm hiểu mọi thứ liên quan đến ngành đang theo đuổi. Tôi lại có bản tính hiếu động, thường chơi với mấy thằng con trai trong lớp nên bạn bè cứ xem tôi là con trai chứ không phải con gái. Tôi không quan tâm chúng bạn chọc phá thế nào. Nhưng cuối cùng tôi đã không bảo vệ được ước mơ của mình từ khi bước chân vào lớp 10.
Hồi đó khi kết thúc lớp 9, tôi đăng ký vào ban Khoa học xã hội khi lên lớp 10. Tuy nhiên năm đó ban Xã hội có trên 55 đứa đăng ký, nhà trường cho rằng số lượng như vậy nếu chia ra 2 lớp thì ít quá mà giữ nguyên một lớp lại đông rất khó dạy nên gặp mặt học sinh lại rồi phổ biến sẽ bỏ tuyển sinh Ban Xã hội. Ai thích Ban Tự nhiên thì đăng ký, còn không thì sẽ chuyển hết xuống ban Cơ bản. Lúc đó tôi rất buồn và cảm thấy hụt hẫng, mấy đứa bạn tôi cũng thấy tiếc nuối nhưng biết làm sao được vì chúng tôi không có quyền lựa chọn.
Từ lúc chuyển xuống ban Cơ bản tôi đâm ra lười học, thích thì học không thì thôi, nhiều lúc còn trốn tiết. Lúc đó tôi nghĩ đơn giản những gì không thích sẽ không làm, với lại tôi muốn nghiên cứu sâu hơn về Lịch sử nếu như được học chuyên sâu, giờ không học được thì mắc gì phải siêng học. Từ đó tôi trượt dài trên những suy nghĩ tiêu cực. Kết quả, học kỳ một lớp 10, tôi xuống mức trung bình, một việc hết sức tưởng tưởng với một đứa học giỏi 9 năm. Bạn bè, ba mẹ từ ngạc nhiên rồi chuyển sang chửi mắng hay cấm cản làm cái này cái nọ nhưng tôi vẫn như thế. Thích thì làm không thì thôi, dường như lúc đó tôi đã quên đi ước mơ muốn trở thành cảnh sát.
Thế rồi 12 năm học cũng trôi qua một cách thầm lặng trong sự sao nhãng ý thức học tập. Ngày làm hồ sơ đăng ký thi đại học, nhiều đứa cười tươi với sự lựa chọn một ngôi trường cho tương lai của mình thì lúc này tôi mới nhận ra, mình đã phí thời gian vào những chuyện không đâu trong suốt 3 năm THPT. Học lực trung bình đồng nghĩa với không thi vào cảnh sát được, vậy tôi sẽ thi vào cái gì? Ước mơ của tôi đâu rồi? Khi hối hận thì đã muộn rồi. Tôi khóc rất nhiều cho những quyết định dại dột.
Mỗi khi ra đường nhìn thấy xa xa thấp thoáng một bóng áo xanh nào đó, tim tôi lại nhói đau. Tôi tự trách bản thân mình, sau học hành tệ thế đến nỗi có cái ước mơ nhỏ bé cũng làm không xong. Ba mẹ khuyên tôi nên thi Sư phạm để về quê giảng dạy, vì gia đình tôi có truyền thống trong ngành này. Ừ thì sao cũng được, tôi đăng kiý cho ba mẹ vui. Thi tốt nghiệp đậu nhưng thi đại học thì rớt. Lúc này ba mẹ lại lo tìm trường nguyện vọng 2 cho tôi.
Sau nhiều ngày tìm kiếm trường Đại học khác phù hợp với mình cùng với sự động viên của gia đình, tôi đăng ký nộp đơn xét tuyển vào trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình 2 với ngành học Báo chí. Năm đầu tiên học trong ngôi trường không phải sở thích, tôi luôn bỏ học, trốn tiết, đi chơi, tóm lại là tôi tìm đủ mọi lý do để nghỉ học. Lên lớp tôi không chơi với ai, ngồi một mình đến hết tiết rồi về. Ở phòng trọ tôi cũng chẳng buồn nói chuyện với mấy bạn cùng phòng, ai muốn làm gì thì làm, tôi chẳng bận tâm. Kết quả là năm đó tôi suýt thi lại.
Lại buồn và chán nản, tôi chỉ muốn bỏ học tìm việc gì đó làm, làm vệ sĩ hay bảo vệ chẳng hạn. Nhưng ba mẹ không đồng ý vì cho rằng con gái mà làm vệ sĩ cái gì, lo mà học lấy cho được cái bằng. Đúng là chẳng ai hiểu tâm sự suy nghĩ của tôi cả, kể cả ba mẹ là những người thân. Lúc đó tôi mới ngồi ngẫm ngĩ lại bản thân mình. Lần đầu tiên tôi khóc như chưa bao giờ được khóc. Tôi thấy sao mình dại dột quá, đâu phải không được làm cảnh sát là hết, phải nghĩ cho bản thân và gia đình. Tôi suy nghĩ lung tung, nghĩ rất nhiều. Cùng với sự động viên của nhỏ bạn đang học An ninh, tôi quyết định dẹp bỏ cái ước mơ làm cảnh sát qua một bên, dành cho cho những cái mới mà tôi muốn khám phá.
Từ lúc hiểu ra nhiều vấn đề, tôi chuyên tâm hơn vào việc học. Sang năm 2 tôi đi học đều đặn, tham gia vào các hoạt động văn nghệ thể thao ở trường. Tôi trở thành một con người khác, năng động tự tin và quan trọng hơn là tôi bắt đầu yêu thích và đam mê nghề báo – cái nghề mà ngay từ đầu tôi đã ghét cay ghét đắng. Kết quả học tập cũng từ đó mà nâng lên, học kỳ nào tôi cũng đạt loại khá. Cuối năm 3 cũng như các bạn trong lớp, tôi trải qua kỳ thực tập tại Đài Phát thanh Truyền hình Bình Thuận, được đi công tác với các anh chị phóng viên trong Đài, được tham gia vào các hội nghị. Tôi học hỏi rất nhiều kinh nghiệm quý báu cho nghề sau này. Điều này giúp tôi thêm yêu nghề báo luôn cố gắng phấn đấu để sau này có thể trở thành phóng viên giỏi.
Tốt nghiệp với tấm bằng loại khá, tôi trở về quê xin vào làm tại Đài Truyền thanh huyện nhà. Bước sang tuổi 22, tương lai phía trước sẽ là những chông gai thử thách mới, nhưng tôi tin rằng tôi sẽ vượt qua được. Tôi muốn mình đi thật nhiều nơi, đến hải đảo hay vùng xâu vùng xa, nơi có những đồng bào nghèo sinh sống, để chia sẻ với họ những gì tôi có thể làm. Tôi sẽ viết nhiều về những mảnh đời bất hạnh, để họ có thể nhận được sự giúp đỡ, và cho họ thấy rằng cuộc sống này vẫn tươi đẹp.
Võ Thị Lệ Hằng
-Từ ngày 1/4 đến hết ngày 13/5, Báo điện tử Ione.net và FPT Mạng cá cược bóng đá tổ chức cuộc thi viết “Hành trình đến tương lai”.
-Đối tượng tham dự là các bạn trẻ trong độ tuổi từ 17.
-Nội dung cuộc thi xoay quanh trăn trở của các bạn trẻ trước những lựa chọn ngành nghề hay con đường tiếp theo sau khi tốt nghiệp THPT. Bài dự thi bằng tiếng Việt có dấu, độ dài không quá 1.000 từ. Mỗi tuần, ban tổ chức sẽ chọn một bài viết được chọn để trao giải thưởng bằng tiền mặt trị giá 300.000 đồng.
-Giải thưởng tháng được công bố và trao giải trong vòng 15 ngày tiếp theo của tháng.
-Cuối chương trình, ban tổ chức sẽ lựa chọn 3 tác phẩm để trao giải nhất, nhì, ba cùng phần thưởng trị giá 3 triệu đồng, 2 triệu đồng và 1 triệu đồng.
-Bài dự thi gửi về: [email protected]