Mở đầu
Trong phương pháp đào tạo project-based training, các assignment và project có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp đánh giá kết quả của sinh viên qua việc ứng dụng các kiến thức, kỹ năng đã học được vào thực tế của môn học. Chúng thay thế cho các bài kiểm tra và các kỳ thi lý thuyết trước đây. Tuy nhiên, với nhiều sinh viên, việc tự viết một “sản phẩm” mang tính học thuật như vậy khá khó khăn, dễ dẫn đến hành động sao chép.
Phát hiện gian lận không khó, có rất nhiều cách và nhiều công cụ để hỗ trợ. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để giảm thiểu tình trạng sao chép và gian lận này trong cộng đồng sinh viên.
——————
Cần xác định rõ với sinh viên thế nào sẽ bị coi là gian lận, đạo văn
Khi bắt đầu học kỳ, giao assignment và project cho sinh viên, các giảng viên cần nêu ra quy định rõ ràng những gì sẽ bị coi là đạo văn, gian lận và những gì được coi là tham khảo, ứng dụng hợp lý. Lưu ý rằng những quy định này có thể khác nhau tùy theo giảng viên ở mỗi khoa trong từng khóa học cụ thể.
Một ý kiến hay của bạn sẽ trở nên hay hơn khi bạn có thể bảo vệ nó trước ý kiến của những người khác. Vì vậy, việc sinh viên tự do thảo luận ý kiến về bài assignment nên được khuyến khích. Tuy nhiên, sử dụng từ ngữ, ý tưởng hay kết quả nghiên cứu của người khác, một phần hoặc toàn bộ mà không trích dẫn nguồn tham khảo sẽ bị coi là đạo văn.
Cung cấp các ví dụ về trích dẫn hợp lý
Giảng viên cần hướng dẫn cho sinh viên về việc khi nào các em cần đưa trích dẫn và trích dẫn như thế nào cho đúng qua ví dụ cụ thể. Bằng cách này, sinh viên sẽ có cơ sở để tham khảo khi gặp vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện assignment hay project của mình.
Đưa ra các đề bài có tính khác biệt
Giảng viên càng đưa ra được một assignment với các yếu tố khác biệt (chẳng hạn như với mỗi lớp, mỗi khóa sẽ ra đề bài khai thác một trong số các khía cạnh khác nhau của cùng một vấn đề) sẽ càng hạn chế được khả năng sinh viên có thể tìm thấy một bài viết nào đó (từ Internet hoặc của các sinh viên khác) để sao chép thành bài của mình.
Yêu cầu nộp các bản dự thảo thô theo từng giai đoạn
Việc thêm các mốc thời gian cụ thể trong quá trình viết assignment và sinh viên phải nộp bản thảo sơ bộ của mình theo các mốc đó sẽ góp phần ngăn chặn ý định gian lận đạo văn của sinh viên. Cách này cũng sẽ giúp sinh viên phân bổ đều khối lượng bài viết của mình trong một khoảng thời gian dài. Sinh viên sẽ không bị rơi vào tình huống thiếu thời gian hoàn thành assignment rồi nảy sinh ra các cách đối phó để kịp có bài.
Gợi ý sinh viên kiểm tra bản thảo và bài hoàn chỉnh của mình bằng phần mềm phát hiện gian lận
Các giảng viên có thể cung cấp phần mềm phát hiện gian lận này cho sinh viên, như một công cụ hỗ trợ sinh viên trong quá trình viết bài và tự tránh các trường hợp bị coi là đạo văn. Phần mềm phát hiện gian lận cho phép sinh viên xem lại một lượt bài viết của mình, xem có bao nhiêu phần trăm thực lực tự viết để có sửa đổi phù hợp. Thực tế, nhiều sinh viên đặc biệt là các sinh viên năm nhất, có định nghĩa rất hẹp về sao chép, đạo văn. Các em nghĩ rằng chỉ cần sắp xếp lại, diễn đạt hoặc chèn một phần văn bản khác vào bài của mình là không phải đạo văn. Phần mềm phát hiện gian lận được lập trình sẵn theo các quy định nghiêm ngặt sẽ góp phần nhắc nhở sinh viên những gì được cho phép và không được cho phép khi thực hiện các bài assignment và project ở trường cũng như các nghiên cứu khoa học của các em sau này.
Yêu cầu sinh viên nộp bài bằng bản mềm (bên cạnh bản cứng) bài assignment của mình và bản sao các tài liệu, thông tin sử dụng trong quá trình làm bài để lưu lại
Với bản mềm bài viết của sinh viên, các giảng viên có thể dễ dàng phát hiện gian lận bằng phần mềm (với các sinh viên thiếu ý thức tự kiểm tra) và lưu trữ các bài viết này như một nguồn đối chiếu với bài của khóa sau. Ngoài ra, với việc yêu cầu sinh viên nộp lại các nguồn tài liệu sử dụng trong quá trình viết assignment sẽ khiến các em ít có khuynh hướng bỏ qua các bước tìm hiểu thông tin, tổng hợp, phân tích để thảnh thơi chờ đạo văn. Các em sẽ có ý thức hơn với việc thu thập tài liệu và tự thực hiện assignment của mình.
Thông báo với sinh viên hình thức xử lý đối với các trường hợp gian lận
Sinh viên cần được thông báo rõ ràng các hình phạt sẽ nhận được nếu cố tình gian lận, thường sẽ là nhận điểm 0 cho bài đó, hoặc nặng hơn là đánh trượt môn và yêu cầu học lại. Các hình phạt này cần được nêu rõ trong yêu cầu của bài assignment, để sinh viên có ý thức tự chịu trách nhiệm với hành động của mình.
——————
Kết
Đào tạo theo phương pháp project-based, giảng viên cần giúp sinh viên nhận thức được điều quan trọng sau khóa học này là sinh viên có thể tự áp dụng những kỹ năng đã được đào tạo vào công việc thực tế. Cố tình gian lận để có được điểm số đẹp, để qua môn, đồng nghĩa với việc sinh viên ra trường không làm được nghề, không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng, ảnh hưởng đến tương lai của chính các em.