Trong kỷ nguyên công nghệ bùng nổ, Công nghệ thông tin luôn giữ vững vị thế là một trong những ngành có tầm quan trọng hàng đầu về nhu cầu nhân lực và tiềm năng phát triển. Vị thế này càng được và giữ vai trò đặc biệt quan trọng hơn trong bối cảnh thế giới bước vào thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong xã hội hiện đại, công nghệ thông tin được coi là ngành quyền lực bậc nhất, chi phối mọi lĩnh vực trong đời sống con người. Ngành này có hàng loạt ứng dụng hữu ích cho con người trong mọi lĩnh vực của đời sống – từ sản xuất, kinh doanh đến giáo dục, y tế, văn hóa… Đặc biệt, ở thời kỳ Cách mạng 4.0 việc ứng dụng những công nghệ tự động hóa, trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất là điều cần thiết tất yếu, không chỉ tại Việt Nam mà còn ở hầu hết quốc gia trên thế giới.
Thời cơ này khiến công nghệ thông tin khẳng định được tầm quan trọng không thể thiếu của mình: vừa là nền tảng, vừa là động lực để giúp các quốc gia bắt kịp đà phát triển của thế giới. Theo đó, các hệ thống công nghệ thông minh lần lượt ra đời trở thành điều kiện để tối ưu hóa năng suất lao động, tiết giảm nhân lực lao động thủ công, tiết kiệm chi phí sản xuất.
Tại Việt Nam, bên cạnh yêu cầu sử dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, nước ta còn là địa chỉ đầu tư hấp dẫn đối với nhiều công ty công nghệ hàng đầu thế giới khi được đánh giá là nền kinh tế mở cửa, có nhiều tiềm năng phát triển.
Theo báo cáo “Đánh giá các quốc gia về dịch vụ gia công công nghệ thông tin tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2016” do Tập đoàn nghiên cứu và tư vấn Gartner công bố, Việt Nam nằm trong top 6 địa điểm hàng đầu về chuyển giao công nghệ toàn cầu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Một xếp hạng khác của hãng tư vấn toàn cầu AT Kearney, năm 2017 cũng khẳng định, Việt Nam xếp thứ 6 trong top 55 quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm toàn cầu GSLI.
Tiềm năng phát triển rất lớn, lại được nhiều công ty, tập đoàn lớn chú trọng đầu tư nhưng thử thách lớn nhất với Việt Nam hiện nay là thiếu nhân lực, nhất là nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, có trình độ cao. Theo báo cáo của Vietnamworks, tính từ năm 2012, số đầu việc thuộc ngành công nghệ thông tin nước ta trung bình tăng 47%/năm, trong khi đó, nhân lực được đào tạo và đáp ứng được nhu cầu chỉ tăng khoảng 8%/năm.