Cuối năm luôn là thời điểm bận rộn với người kinh doanh nhà hàng. Những ngày lễ lớn, những bữa tiệc tất niên … khiến nhu cầu ăn uống bên ngoài tăng cao. Để đáp ứng được lượng khách vượt trội trong những ngày này, việc vận hành và quản lý nhà hàng cần được tối ưu và chuẩn hóa để tránh những tình huống phát sinh ngoài ý muốn.
Dưới đây là những mẹo giúp bạn quản lý nhà hàng trơn tru hơn trong những dịp này.
- Khuyến khích khách đặt bàn trước
Gần đến ngày lễ mùa cuối năm, để tìm được một nhà hàng ưng ý và có đủ chỗ ngồi thường khá khó khăn. Nhiều trường hợp khách đến phải ngậm ngùi ra về vì không có chỗ ngồi hoặc đợi thời gian khá lâu mới có bàn trống. Vô hình chung cũng ảnh hưởng khá nhiều đến tâm lý và công suất phục vụ của nhà hàng. Do đó, để hạn chế tình trang trên, những người quản lý cần chủ động hơn trong việc điều phối khách. Hãy kêu gọi khách đặt bàn trước với những ưu đãi hấp dẫn. Khi có sự chuẩn bị sớm thì nhà hàng sẽ dễ dàng điều phối và sử dụng bàn trống hiệu quả, tăng năng suất hoạt động và doanh thu nhà hàng.
2. Ứng dụng công nghệ để tiết kiệm thời gian gọi món
Để rút ngắn thời gian order và tiếp nhận đơn hàng, giải pháp sử dụng máy trạm tại từng khu vực hoặc máy tính bảng PDA là phương án tối ưu. Những yêu cầu gọi món sẽ tự động được in ra quầy, bếp và lưu thông tin trên máy bán hàng. Thay vì di chuyển nhiều lần, nhân viên sẽ tăng hiệu quả phục vụ khách lên nhiều lần vì không phải mất công truyền tin. Vào thời điểm đông khách, nhân viên rất dễ mất bình tĩnh và mắc lỗi phục vụ cơ bản. Việc ứng dụng công nghệ để gọi món sẽ giúp tránh sai sót và thông tin được lưu lại, tránh thất lạc hơn cách ghi giấy. Thực khách được phục vụ nhiều, nhanh và chu đáo hơn.
3. Chuẩn hóa quy trình phục vụ
Một trong những sai lầm lớn của người kinh doanh nhà hàng là không chú trọng đến việc đào tạo và xây dựng quy trình phục vụ bài bản. Nhân viên chỉ đơn thuần biết nhiệm vụ của mình chứ chưa có sự phối hợp linh hoạt với nhau. Hãy đưa ra những tình huống giả định để nhân viên tập luyện sẵn sàng, không bị luống cuống mỗi khi đông khách. Ngoài ra, để tối ưu công suất khách hàng, nhân viên cần thao tác nhanh chóng, thường xuyên thu đĩa khi khách dùng xong để tiết kiệm thời gian dọn bàn, đón lượt khách mới.
4. Tối ưu công suất hoạt động của bếp
Một căn bếp cũng giống như một bộ máy cần sự phối hợp nhịp nhàng. Để mang lại hiệu quả tốt nhất, người quản lý cần chuyên môn hóa nhiệm vụ của từng bộ phận. Bên cạnh đó, khi đơn hàng nhiều, cần có người chuyên đọc món và phụ trách kiểm tra chất lượng món ăn trước khi mang ra cho khách hàng.
Để tránh tình trạng hết thực phẩm chế biến, người phụ trách nhà hàng cần có kế hoạch mua hàng với nhà cung cấp vào dịp cao điểm. Bạn nên làm việc với nhiều nhà cung cấp khác nhau để tránh tình trạng khan hiếm hoặc tăng giá hàng hóa vào thời điểm nhạy cảm này.
5. Sắp xếp ca làm việc của nhân viên hợp lý
Để tăng công suất làm việc, đáp ứng được nhiều khách hàng nhất trong mùa cao điểm thì tăng cường nhân viên là một việc làm cần thiết. Bạn có thể tuyển thêm nhân viên chính thức hoặc cộng tác viên làm bán thời gian. Lúc này, người quản lý cần điều chỉnh số lượng nhân viên tăng hoặc giảm ca tùy theo số lượng khách vào giờ cao điểm.