Ngày nay, với nhu cầu phát triển của xã hội, cũng như sự tăng trưởng mạnh mẽ không ngừng của ngành quảng cáo, truyền thông trong thời đại kỹ thuật số đã góp phần đưa “Thiết kế đồ họa” trở thành ngành thời thượng, thu hút sự quan tâm của nhiều người, và hứa hẹn sẽ còn phát triển hơn nữa trong tương lai.
“Thiết kế đồ họa” được xem là nền tảng của Mỹ thuật đa phương tiện, trong đó kết hợp hình ảnh, nội dung, khả năng thẩm mỹ và ý tưởng một cách sáng tạo để truyền đạt thông tin, tạo ra các sản phẩm phục vụ cho nhiều lĩnh vực như truyền thông, quảng cáo, giáo dục, thương mại, giải trí … Người làm thiết kế đồ họa phải truyền tải được thông điệp mà khách hàng gởi gắm thông qua hình ảnh lôi cuốn, bắt mắt để thu hút người đối diện. Bên cạnh khả năng sáng tạo, người thiết kế cần có kỹ năng dựng hình 3D, vẽ tay, sử dụng các phần mềm đồ họa thành thục. Tuy nhiên, có định kiến tồn tại bấy lâu dần như vô tình làm rào cản ngăn nhiều người học tiếp xúc với ngành đang “hot” này, rằng cần phải có năng khiếu mới có thể theo học “Thiết kế đồ họa”. Thực tế có đúng như vậy?
Chưa có một bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng vẽ hay sáng tạo thuộc về năng khiếu. Như Einstein đã từng nói “Thiên tài là 1% từ năng khiếu và 99% từ sự lao động cần cù”. Do đó, không có kỹ năng nào mà không thể cải thiện qua quá trình tập luyện, mài dũa chuyên cần. Yếu tố quan trọng nhất để bạn thành công là sự đam mê, sự nỗ lực của bản thân và được đào tạo bài bản.
Hãy nhớ rằng vẽ thiết kế hoàn toàn là một kỹ năng được rèn luyện chứ không phải năng khiếu trời cho. Tất nhiên, năng khiếu là một lợi thế, nhưng nó không phải yếu tố quyết định việc bạn theo đuổi ngành này. Nếu có đam mê với lĩnh vực thiết kế, quyết định theo đuổi con đường được đào tạo bài bản, bạn hoàn toàn có cơ hội trở thành nhà thiết kế giỏi.
Để tạo được một sản phẩm đẹp, người thiết kế phải đáp ứng các yêu cầu như: Thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, đảm bảo thể hiện thông điệp, bố cục và màu sắc dễ hiểu. Và hiện thực hóa các điều đó giúp nhà thiết kế là hàng tá phần mềm chuyên dụng để xử lý hình ảnh như: Photoshop, IIIustrator, Corel draw, indesign… Và thực tế, vẽ tay rất ít được sử dụng hoặc chỉ là bước đầu để phác thảo ý tưởng của nhà thiết kế lên máy tính.
Con người chẳng ai sinh ra là tự biết nói, biết đi, tất cả đều là thành quả của quá trình rèn luyện không ngừng và sự đào tạo từ mọi phía. Thiết kế đồ họa cũng vậy, có thể bạn vẽ tay chưa đủ đẹp, thiết kế của bạn chưa thực sự sáng tạo, bố cục còn hơi khó hiểu nhưng chỉ cần học hỏi và trau dồi, trải nghiệm, thiết kế của bạn sẽ trở nên chuyên nghiệp và hấp dẫn cả thôi. Bởi vậy, nếu yêu ngành, đừng ngại gì mà không dám dấn thân bạn nhé!