E – Logistics là gì? Tại Việt Nam hiện nay, hình thức E – Logistics nào phổ biến nhất? Hãy cùng tìm hiểu tại bài viết này.
Trong bối cảnh Covid – 19, Thương mại điện tử có sự phát triển rất mạnh mẽ do thói quen tiêu dùng và mua sắm của người dùng thay đổi. Theo Báo cáo của Bộ Công thương Việt Nam (2021), quy mô thị trường tăng trưởng mạnh từ 2016 – 2021, từ 5 tỷ USD đến khoảng 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và dự báo đạt gần 40 tỷ USD vào năm 2025. Logistics trong Thương mại điện tử (E – Logistics) cũng do đó mà phát triển trong thời kỳ này và ngành dịch vụ E – Logistics có thể trở thành ngành mũi nhọn trong nền kinh tế.
E – Logistics là gì?
Logistics là các hoạt động gắn liền với quá trình phân phối, lưu thông hàng hóa và thường gắn với các dịch vụ cụ thể (Luật thương mại Việt Nam, 2005). Logistics trong thương mại điện tử (e – logistics) chính là sự kết hợp giữa Logistics và TMĐT mà ở đó, các hoạt động quản lý kinh doanh và sản xuất, mua bán và phân phối đã được số hóa và thông qua môi trường trên internet.
Việc kinh doanh được thực hiện theo cơ chế tự động hóa, các hành vi mua bán hàng hóa/dịch vụ được thực hiện trên những trang điện tử, các hoạt động phụ trợ sau bán cũng được số hóa để hỗ trợ việc vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất tới nơi tiêu dùng một cách có hiệu quả nhất (Theo PGS. Nguyễn Thị Thu Thuỷ, ThS. Nghiêm Thị Lịch (2022)).
Có thể hiểu E – logistics là hình thức có ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động hỗ trợ quá trình đưa sản phẩm/dịch vụ từ nơi sản xuất tới người tiêu dùng thông qua mua bán trực tuyến (mua bán trong TMĐT).
Một số hình thức E – Logistics phổ biến hiện nay
- Dịch vụ chuyển phát nhanh (CPN): Theo báo cáo do Allied Market Research (2021), Việt Nam là thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh có mức độ tăng trưởng cao. Doanh thu đạt 632,6 triệu USD vào năm 2019 và ước tính đạt 2,19 tỷ USD vào năm 2027, với tốc độ CAGR là 22,4% trong giai đoạn 2020 – 2027.
- Dịch vụ thu tiền khi nhận hàng (COD): Đây là dịch vụ phát hàng và thu tiền, được người Việt Nam sử dụng đáng kể, bởi độ tin cậy, tránh rủi ro trong quá trình thanh toán trực tuyến. Dịch vụ phù hợp và được dùng nhiều đối với các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ – giá trị thấp, phân phối trực tiếp tới người tiêu dùng.
- Dịch vụ giao hàng chặng cuối (last – mile delivery): dịch vụ này gồm hai thành phần tích hợp với nhau là vận tải – giao hàng và trung tâm phân loại – chia chọn. Hoạt động phân loại – chia chọn được đánh giá là quan trọng đối với chất lượng, cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Hiện nay, một số doanh nghiệp đã thành công trong khi thực hiện dịch vụ này, có thể kể đến: Shopee, Lazada, Giao hàng nhanh,…
Bạn đã hiểu E-Logistics là gì rồi chứ? Hãy cùng đón đọc bài viết sau để hiểu thêm nhiều khía cạnh khác về lĩnh vực này nhé!
Bộ môn Digital Marketing
Cao đẳng FPT Mạng cá cược bóng đá
Hà Nội