Việc học từ vựng trong quá trình học tiếng Anh chưa bao giờ là dễ dàng với bất kì ai. Không ít trường hợp mặc dù đã lên kế hoạch học tập chi tiết, áp dụng nhiều phương pháp khác nhau nhưng khi gặp lại từ vựng đó lại gặp phải tình trạng “gặp trước quên sau”.
Học từ vựng từ ngữ cảnh
Chúng ta thường có xu hướng ghi nhớ từ vựng tốt hơn khi học theo từng phần nhỏ (các đoạn văn nhỏ được xây dựng bởi một vài từ vựng) và các cuộc hội thoại.
Ví dụ, thay vì ghi nhớ cụm động từ “to come up with”, bạn hãy ghi nhớ cả cụm “to come up with an idea”.
Bằng cách này, chắc chắn bạn sẽ biết cách sử dụng động từ “to come up with” trong ít nhất một câu. Tương tự, có rất nhiều cách để cất lời chào, nhưng thay vì ghi nhớ hết từng cụm, hãy gắn nó vào một cuộc hội thoại, chẳng hạn như: “Hello, how are you? – I’m fine, thank you”.
Gắn từ vựng với trải nghiệm cá nhân
Não bộ chúng ta thường đặc biệt ghi nhớ về những gì có liên quan đến bản thân chúng ta. Chính vì vậy, cách tốt nhất để ghi nhớ một từ mới trong đầu là hãy thử liên kết chúng với một cái gì đó có ý nghĩa với bản thân bạn.
Bạn sẽ đặt từ vựng ấy vào trong ngữ cảnh cụ thể mà bạn cảm thấy thú vị hoặc gắn liền với sở thích cá nhân.
Ví dụ: từ ball (quả bóng), giáo viên có thể liên hệ với meatball (thịt viên), beefball (bò viên) cho những bạn có tâm hồn ăn uống, và thậm chí là dragonball trong series truyện nổi tiếng Bảy Viên Ngọc Rồng.
Trí tưởng tượng, hình ảnh hóa từ vựng
Hãy thử hình dung từ hoặc cụm từ trông như thế nào, sau đó vẽ định nghĩa của chúng ra giấy hoặc trong trí tưởng tượng của bạn, điều này sẽ giúp bạn gợi nhớ lại ý nghĩa của từ vựng đó bất cứ khi nào bạn nghe thấy. Phương pháp này còn vô cùng hiệu quả khi bạn học các thành ngữ tiếng Anh.
Ví dụ: “to keep one’s mouth shut”, có nghĩa là, “to not talk about something”.
Ngoài ra, bạn có thể kết hợp cách học này với từ điển để xem thêm những từ liên kết hoặc từ đồng nghĩa với từ vựng mà bạn đang học và ghi nhớ chúng bằng cách tương tự.
Đi sâu hơn vào từ gốc
Thông thường các từ tiếng Anh thường có liên quan với nhau về mặt cấu trúc, tức là được phát triển từ một từ gốc.
Ví dụ:
- Friend – friendly – friendship – unfriend.
Vì vậy, trước khi tra từ vựng mới trong từ điển, bạn hãy thử đoán nghĩa của nó bằng cách nhìn gốc thông qua hậu tố và tiền tố. Nếu bạn biết một vài ngôn ngữ, bạn sẽ bắt đầu nhận ra nhiều từ mới có chung nguồn gốc. Nghiên cứu nguồn gốc của từ mới đã được chứng minh sẽ giúp bạn ghi nhớ từ vựng tốt hơn.
Ví dụ:
-
- Tiền tố “re-” có nghĩa “again” (repeat – đọc lại, reread – đọc lại), tiền tố “mis-” có nghĩa “wrongly” (misunderstand – hiểu lầm).
- Hậu tố “-less” có nghĩa là “not” (useless – không có ích / helpless, meaningless – vô nghĩa) .
Đa dạng cách tiếp cận từ vựng
Não bộ sẽ không dễ chủ động nhớ lại được một từ hoặc cụm từ tiếng Anh ngay khi bạn đang giao tiếp, ngay cả khi bạn đã cố gắng hết sức để nhớ nó. Thay vì cách học truyền thống bằng ghi chép – nhớ từ vựng trong tập, thì hãy thử ghi nhớ từ bằng cách viết chúng vào các mảnh giấy nhớ dán ở khắp nhà, những nơi bạn hay lui tới. Tần suất ánh mắt “va đập” với những con chữ đủ nhiều thì não bộ sẽ tự động ghi nhớ từ vựng một cách tự nhiên.
Phương pháp lặp lại ngắt quãng (Spaced repetition)
Trước khi bắt tay vào việc áp dụng phương pháp này, bạn hãy thiết lập một mục tiêu rõ ràng cho mình hàng ngày và đảm bảo mục tiêu đề ra không quá khó và phi thực tế.
Sau đó hãy dành khoảng 10 đến 20 phút mỗi ngày, bắt đầu bằng việc học một từ mới mỗi ngày, sau đó, từ từ tăng dần từ hai đến năm từ mới mỗi ngày. Việc lặp lại từ vựng hàng trăm lần trong suốt một ngày sẽ không hiệu quả bằng việc bạn lặp lại chúng một vài lần trong khoảng thời gian nhất định (lặp đi lặp lại cách nhau một quãng).
Ví dụ: Sau khi học được một từ mới, bạn hãy sử dụng nó ngay vào giao tiếp hàng ngày của mình. Sau đó, cố gắng nhớ lại nó trong một giờ. Tiếp tục ôn lại nó một thời gian ngắn trước khi bạn đi ngủ và lại sử dụng lại từ vựng ấy vào ngày sau đó. Cuối cùng, hãy xem lại nó sau vài ngày kể từ khi học. Tất nhiên, bạn cũng đừng quên rằng 15 phút dành cho việc học mỗi ngày chắc chắn sẽ đem lại kết quả tốt hơn việc chỉ dành 30 phút mỗi tuần.
Để nói trôi chảy và sử dụng hiệu quả tiếng Anh, bạn cần có vốn từ vựng đủ sâu rộng. Ngữ pháp có thể là yếu tố cơ bản và cần thiết thế nhưng thiếu đi từ vựng, bạn sẽ mất đi yếu tố nền tảng của việc học ngoại ngữ.
Thay vì cách tiếp cận từ vựng truyền thống, các bạn sinh viên hãy thử áp dụng các phương pháp ở trên, liên tục thử các phương pháp học tập mới mẻ sẽ tạo thêm động lực cho các bạn trên con đường chinh phục ngoại ngữ nói chung, tiếng anh nói riêng.
Giảng viên Nguyễn Thị Mỹ Dịu
Bộ môn tiếng Anh
Cao đẳng FPT Mạng cá cược bóng đá
Cần Thơ