Bạn đang là dân Marketing, bạn là người làm nội dung, v…v. Vậy bạn có từng bị nhầm lẫn giữa “Content Writer” và “Copywriter” chưa? Cùng tìm hiểu điểm tương đồng và khác biệt giữa hai vị trí này trong bài viết dưới đây nhé!
Theo số liệu từ chuyên gia, có tới hơn 90% các Marketer dưới một năm và hơn 50% người đi làm trên một năm chưa thể phân biệt nổi sự khác nhau giữa hai vị trí “Content Writer” và “Copywriter”. Mặc dù điểm giống giữa hai công việc này đều cùng làm về nội dung, thế nhưng trên thực tế về khái niệm, mục tiêu công việc lại hoàn toàn khác nhau.
Content Writer là gì?
“Content Writer” là thuật ngữ để chỉ vị trí của những người tạo ra nội dung với mục tiêu cung cấp kiến thức, thông tin, hướng dẫn hữu ích,… giúp người đọc, người xem giải đáp được thắc mắc và có thêm hiểu biết. Cụ thể hơn, một bài viết của “Content Writer” thường khá dài, gồm toàn bộ thông tin quan trọng và có giá trị để thu hút khách hàng tiềm năng, từ đó hỗ trợ phát triển thương hiệu hay hoạt động kinh doanh của các thương hiệu, doanh nghiệp với mục đích bán hàng gián tiếp.
Theo lẽ thường, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp các “sản phẩm” của “Content Writer” thông qua các bài viết SEO website, bài post facebook, thông cáo báo chí, bài PR,…
Vậy còn Copywriter thì sao?
“Copywriter” là thuật ngữ dùng để chỉ những người sáng tạo nội dung có giá trị cao, đặc biệt ấn tượng nhằm quảng bá sản phẩm, dịch vụ, hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp đến gần hơn với khách hàng và công chúng mục tiêu. Nếu nghề “Content Writer” thường gắn liền với những bài viết dài, “Copywriter” lại được biết tới với các bài viết có nội dung ngắn gọn, súc tích nhưng vô cùng “đắt giá”.
Không chỉ dừng lại ở việc viết bài, công việc của “Copywriter” còn phụ trách cả chuyện xây dựng ý tưởng. Chính vì vậy, chúng ta sẽ thường xuyên bắt gặp “những đứa con tinh thần” của “Copywriter” là những câu tagline/slogan cho sản phẩm, những campaign line, đặt tên cho thương hiệu, v…v. Nhìn chung, mục đích chính mà công việc “Copywriter” hướng đến thường là bán sản phẩm, tăng doanh thu, doanh số cho doanh nghiệp.
Để hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa hai nghề, chúng ta sẽ tìm hiểu qua ví dụ khi hai đối tượng cùng viết về chủ đề về hoa hồng. Dựa trên yêu cầu vốn có của nghề, “Content Writer” sẽ viết: “Hồng hay hường là tên gọi chung cho các loài thực vật có hoa dạng cây bụi hoặc cây leo lâu năm thuộc chi Rosa, họ Rosaceae, với hơn 100 loài sở hữu màu sắc đa dạng, phân bố khắp các miền từ ôn đới đến nhiệt đới. Thậm chí, vì hoa hồng mang một vẻ đẹp quyến rũ nên nhiều người cho rằng cái tên hồng cũng xuất phát từ đó. Phần lớn loài hoa này có nguồn gốc bản địa châu Á, số ít còn lại có nguồn gốc bản địa ở châu Âu, Bắc Mỹ, và Tây Bắc Phi. Bên cạnh các loài bản địa, giống cây trồng và cây lai ghép được trồng làm cảnh và lấy hương thơm”.
Ngược với cách viết của “Content Writer”, “Copywriter” sẽ viết một vài dòng thật ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn để lại dấu ấn cực kì nổi bật: “Đừng tặng em 999 đóa hồng. Thay vào đó hãy tặng em một bó hồng đặc biệt của NISROSE store”.
Ngoài việc phải phân biệt được tính chất công việc và đặc thù của hai nghề, những bạn trẻ có đam mê muốn trở thành “Content Writer” hay “Copywriter” cũng cần bỏ túi các “tip” sau cho bản thân:
Viết, viết và viết
Việc luyện kĩ năng viết thường xuyên, đều đặn sẽ giúp bạn tăng chất lượng content và đa dạng phong cách. Chưa hết, luyện viết nhiều cũng sẽ giúp bạn hình thành tư duy hiểu biết, nhạy bén từ đó tương tác và giao tiếp với khách hàng sẽ hiệu quả và có giá trị hơn, cũng như nội dung viết sẽ hữu ích, “chạm” tới trái tim của người đọc.
Đừng bao giờ từ bỏ thói quen đọc sách
Với những bạn làm về nội dung, việc đọc sách là một điều tiên quyết và bắt buộc bởi những cuốn sách sẽ giúp bạn có thêm nguồn kiến thức phong phú, nắm bắt và hiểu biết hơn về các lĩnh vực. Đặc biệt, bạn cũng sẽ biết thêm nhiều cách dùng từ hay ho, văn phong đặc sắc và phù hợp với nhiều thể loại content có khả năng phải thực hiện sau này.
Tham gia các cộng đồng, hội nhóm về content
Trong thời đại 4.0 và công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, sẽ là thiếu sót lớn nếu các “Copywriter” hay “Content Writer” không tham gia vào các cộng đồng, hội nhóm chuyên về nội dung. Từ việc tham gia các hội nhóm, bạn sẽ có thêm nhiều ý tưởng, định hướng cho các content cũng như nâng cao được “tay nghề” viết lách. Hơn hết là việc mở rộng các mối quan hệ cùng với những “còn-ten” trong ngành sẽ rất cần cho việc phát triển sự nghiệp sau này.
Cụ thể, một số hội nhóm về content trên facebook bạn có thể tham khảo như: Tâm sự con sen, Cùng làm content marketing, Gen Z tập viết content, Ngày ngày viết chữ, Tiếng việt giàu đẹp, Chữ người trữ trình, Chơi chữ, v…v.
Quản lý thời gian
Với các bạn làm nội dung, ngoài kĩ năng đọc, viết còn cần biết cách lập một thời gian biểu cho bản thân và luôn đề cao việc sắp xếp các dự án cẩn thận cũng như đúng quy trình. Do công việc “Content Writer” và “Copywriter” luôn phải “sản xuất” ra nhiều đứa con tinh thần cho thương hiệu và doanh nghiệp nên nếu không biết cách phân bổ thời gian, sắp xếp công việc phù hợp thì các nội dung bạn làm ra sẽ bị đại trà, lối mòn, khó tạo điểm nhấn và mang lại giá trị cho người đọc, người xem.
Trên đây là những chia sẻ giúp các bạn phân biệt được rõ hơn hai vị trí “Content Writer” và “Copywriter” cũng như các “tip” bỏ túi để theo nghề viết lách được tốt hơn. Hy vọng qua bài viết hữu ích trên, các bạn sẽ có góc nhìn đúng đắn về hai vị trí này để từ đó lựa chọn hướng đi phù hợp cho bản thân trong tương lai.
Bộ môn Kinh tế
Cao đẳng FPT Mạng cá cược bóng đá Đà Nẵng