Xoay quanh một biểu thống kê ngắn được giới thiệu trong bài dưới đây, nhiều góc nhìn sẽ được đặt ra, nhưng điều lớn nhất có thể thấy ngay là trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động Việt Nam đang ngày bị kéo lùi. Nguy cơ mất dần lực lượng chuyên viên kỹ thuật trình độ cao đẳng đã hiển hiện và bức tranh về cơ cấu trình độ chuyên môn của lao động Việt Nam đang ngày càng méo mó.
Một nghiên cứu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho thấy, lực lượng lao động nước ta sẽ tiếp tục tăng từ năm 2010 đến năm 2015, với tốc độ tăng bình quân 1,5%/năm. Xét về số lượng, Việt Nam vẫn tiếp tục là một trong những nước có mức tăng lực lượng lao động cao nhất trong khu vực ASEAN, chỉ sau Indonesia và Philippines.
Một lực lượng lao động tiềm năng là cơ hội vàng để tạo ra tỷ lệ tiết kiệm cao hơn cho đất nước, giúp thúc đẩy tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế. Tiếc rằng, lực lượng lao động Việt Nam đang đối diện với một tình trạng suy thoái về trình độ chuyên môn kỹ thuật. Các nhà nghiên cứu kinh tế đã chỉ ra rằng nếu các chính sách đầu tư và phát triển nguồn nhân lực không hỗ trợ tăng tỷ lệ tiết kiệm, lực lượng lao động gia tăng có thể làm trầm trọng thêm nạn thất nghiệp và thiếu việc làm ở Việt Nam.
Sự chệch hướng trong đào tạo nguồn nhân lực
Báo cáo về “Điều tra lao động và việc làm Việt Nam năm 2010” do Bộ Kế hoạch – Đầu tư và Tổng cục Thống kê phát hành vào tháng 6-2011, đã công bố biểu “Tỷ trọng lực lượng lao động đã qua đào tạo chia theo trình độ chuyên môn kỹ thuật thời kỳ 2007-2010” dưới đây:
Những con số trên cho thấy, có lẽ đã đến lúc chúng ta phải rà soát lại toàn bộ cơ chế, chính sách và cả công tác quản lý ở các lĩnh vực liên quan đến việc đào tạo nguồn nhân lực. Điều gì đã dẫn tới thực trạng là tỷ trọng lao động Việt Nam có trình độ chuyên môn kỹ thuật đã giảm sút trầm trọng trong vòng ba năm qua (2007-2010), từ con số 17,7% xuống còn 14,7%? Và với tỷ trọng 85,3% lực lượng lao động chưa qua đào tạo nghề, thì giấc mơ “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” sẽ trở nên ngày càng xa vời!
Quy chuẩn về cơ cấu trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động khu vực châu Á hiện nay là: 1 đại học / 4 cao đẳng / 10 trung cấp. Nếu lấy tỷ lệ này đối chiếu với thực trạng trình độ lao động Việt Nam ở thời điểm năm 2010 là: 5,7 đại học / 1,7 cao đẳng / 3,5 trung cấp, chúng ta sẽ thấy hết sự méo mó về cơ cấu trình độ của lao động Việt Nam, khi lực lượng chuyên viên kỹ thuật bậc cao đẳng – một mắt xích quan trọng trong cơ cấu lực lượng lao động – chỉ còn chiếm tỷ lệ 1,7%.
Hệ quả của một nền giáo dục chạy theo hư danh bằng cấp
Theo thống kê năm học 2010-2011 của Bộ GD-ĐT thì cả nước có 726.219 sinh viên hệ cao đẳng, còn hệ đại học là 1.435.887. Như vậy, ngay khu vực đào tạo đã méo mó về cơ cấu: thay vì 1 đại học / 4 cao đẳng thì chúng ta đã làm ngược lại: 2 đại học / 1 cao đẳng. Đó là nói về con số, trên thực tiễn quản lý, ai cũng thấy mỗi năm học, Bộ GD-ĐT đã “chìm đắm” ít nhất ba tháng cho công tác tuyển sinh đại học.
Nhìn lại, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang giai đoạn phấn đấu “công nghiệp hóa”, nào đã dám mơ đến “nền kinh tế tri thức” – nơi mà “công nhân cổ trắng” với trình độ đại học chiếm đa số. Vậy mà, đáng ngạc nhiên khi trong cơ cấu trình độ lao động Việt Nam hiện nay, có 5,7% lao động có trình độ đại học và chỉ có 1,7% trình độ cao đẳng.
Một nền kinh tế muốn hoạt động trơn tru không thể thiếu lực lượng chuyên viên kỹ thuật. Vậy, với sự thiếu hụt trầm trọng lực lượng này, Việt Nam sẽ lấy nhân lực ở đâu để bù đắp, đảm bảo cho nền kinh tế vận hành? Phải chăng, chính nguồn nhân lực trình độ đại học có chất lượng yếu lại đang đảm nhận thay vai trò của các chuyên viên kỹ thuật cao đẳng?
Một khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh cho biết khoảng 40% sinh viên đại học sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm đúng trình độ ngành nghề, 40% làm việc trái ngành nghề, thu nhập thấp, việc làm chưa thực sự ổn định và có thể chuyển việc khác. Còn 20% tìm việc rất khó khăn hoặc không tìm được việc làm phải chuyển đổi ngành học hoặc làm những công việc thấp hơn trình độ đào tạo.
Nếu thực sự tình hình diễn biến như vậy, đó là bi kịch cho nền kinh tế lẫn công tác đào tạo. Bởi, hệ đại học đào tạo nặng về nghiên cứu lý thuyết, còn hệ cao đẳng hướng tới đào tạo những chuyên viên kỹ thuật lành nghề. Hai hướng đào tạo hoàn toàn khác nhau.
Thực trạng trên cũng đã lý giải cho việc phát triển của nền kinh tế Việt Nam vừa qua, đó là năng suất lao động rất thấp, chỉ bằng một nửa của các nước ASEAN. Và cũng lý giải luôn cho tình trạng giảm chỉ số cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế. Năm 2008-2009, Việt Nam xếp hạng 70/133 quốc gia về chỉ số cạnh tranh, năm 2009-2010 tụt xuống hạng 75.
Năng suất lao động của các nước giai đoạn 2000-2008
Không chỉ thiếu trầm trọng chuyên viên kỹ thuật, mà ngay lực lượng chuyên viên đã được đào tạo, chất lượng cũng rất yếu. Kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới, tại Việt Nam có khoảng 60% lao động tốt nghiệp từ các trường cao đẳng và dạy nghề cần được đào tạo lại sau khi tuyển dụng.
Năm học 2009-2010, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng – Bộ GD-ĐT đã đánh giá, cho điểm về lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục của 224 trường cao đẳng, trong đó 56 trường chưa thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo chất lượng đào tạo. Trong khi đó, việc kiểm định chất lượng của các trường cao đẳng nghề trực thuộc Tổng cục Dạy nghề, theo kế hoạch lại phải chờ đến năm 2020 mới thực hiện nổi.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đàm Hữu Đắc đã thừa nhận, tuy quy mô đào tạo tăng nhanh nhưng không cân đối với điều kiện bảo đảm chất lượng như đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, cơ sở vật chất và thiết bị, chương trình giáo trình còn nhiều bất cập, trong đó khâu kiểm định chất lượng bị buông lỏng. Do đó còn khoảng cách khá xa giữa đào tạo và thực tế sử dụng lao động đã qua đào tạo… Quả là một cái giá lãng phí quá lớn về nhân tài, vật lực trong việc xây dựng chất lượng nguồn nhân lực quốc gia.
Cơn khát triền miên
Chuyện “vắng bóng” lực lượng chuyên viên kỹ thuật ở các hoạt động của nền kinh tế là không hề mới, chỉ có điều ngày thêm trầm trọng. Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Hiện nay thị trường lao động cần một lượng lớn kỹ thuật viên giỏi nghề. Trong khi nhiều cử nhân thất nghiệp, thì khu vực đào tạo chuyên viên kỹ thuật cao đẳng đào tạo bao nhiêu đã “hút hàng” bấy nhiêu”.
TS Lê Thanh Hà, Viện Công nhân và Công đoàn cũng cho biết tình trạng thừa lao động giản đơn và thiếu trầm trọng lao động có trình độ kỹ thuật cao đang diễn ra ở tất cả các ngành, các thành phần kinh tế. Thực trạng trên đã ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ phát triển của nhiều ngành nghề.
Trả lời câu hỏi: “Nhà thầu Việt tại sao thua trên sân nhà?”, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam phân tích rằng chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nguyên nhân chính. Theo ông, ngành xây dựng đang thiếu trầm trọng lực lượng chuyên viên quản lý dự án, chuyên viên quản lý hợp đồng, chuyên viên quản lý và điều phối các khâu thiết kế, cung ứng và thi công, các phiên dịch giỏi…
Ngành logistics tại Việt Nam đã và đang phát triển nhanh chóng, từ một vài doanh nghiệp giao nhận quốc doanh của đầu thập niên 1990 đến nay đã có hơn 600 công ty được thành lập và hoạt động trên khắp cả nước. Do phát triển nóng, nên nguồn nhân lực cấp chuyên viên kỹ thuật cung cấp cho thị trường logistics bị thiếu hụt nghiêm trọng. Có doanh nghiệp tư nhân tại TP. Hồ Chí Minh đăng báo tìm người, 3-4 tháng sau vẫn không tuyển được.
Lĩnh vực thương mại điện tử cũng tương tự. Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Giám đốc 123mua cho biết: “Cũng như nhiều công ty khác trong lĩnh vực này, thời gian qua 123mua gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tuyển dụng, nhất là vị trí kỹ thuật viên (technicans). Ở vị trí này chúng tôi cần người phải có kỹ năng và kiến thức lõi căn bản về lập trình, khác nhiều so với yêu cầu tuyển dụng lập trình làm gia công phân mềm”.
***
Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2011-2015 của Việt Nam đã xác định chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 7%/năm và năng suất lao động vào năm 2015 đạt 1,5 lần của năm 2010. Đây là những mục tiêu quan trọng và đầy thách thức, nhấn mạnh vai trò của tăng năng suất lao động đối với việc nâng cao mức sống và duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh, bền vững.
Trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động sẽ góp phần lớn vào việc tăng năng suất lao động. Nhưng trong thập niên vừa qua, đầu tư vốn đã đóng góp tới 55% tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, cao gấp ba lần so với mức đóng góp của lao động. Đây là điều chúng ta phải suy nghĩ. Chưa kể, với thực trạng trình độ chuyên môn kỹ thuật bết bát của lực lượng lao động hôm nay, thật khó kỳ vọng về việc tăng năng suất và năng lực cạnh tranh để phát triển và hòa nhập với cộng đồng quốc tế.
Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Chao Anh/Chi.
Cho em hoi em da nop ho so o TP.HCM, bay gio em co nguyen vong chuyen nganh, va thay doi dia chi lien lac thi phai lam sao ah?
Chào em, em liên hệ trực tiếp với văn phòng tuyển sinh bên đó nhé.
Mình nghĩ, ai cũng bảo làm kỹ thuật thì không bao giờ sướng cả. Và mọi người đều chạy theo bằng cấp là nhiều.
Chào bạn, theo mình, mỗi nghề đều có những khó khăn riêng. Nếu đã thích và đam mê, bạn nên chấp nhận những gian nan đó. Cố gắng lên bạn nhé.