(Dân trí) – Hoạt động giáo dục giúp con người phát huy hết tiềm năng của mình, giúp họ phát triển năng lực và phẩm chất để đóng góp xây dựng xã hội. Và thông qua những đóng góp cho xã hội, giá trị có thật của mỗi con người được bộc lộ và khẳng định.
Từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn chủ trương tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội học hành, nâng cao trình độ để đóng góp một cách tốt nhất cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Hoạt động đào tạo tại chức
Đào tạo tại chức là loại hình đào tạo dành cho đại đa số người vừa học vừa làm để nâng cao kiến thức chuyên môn hoặc muốn học thêm một ngành khác với ngành mình đang làm. Đại học tại chức, một loại hình đào tạo không chính quy, giúp mọi người có thể học tập suốt đời theo yêu cầu của xã hội học tập. Đấy là xu thế phát triển của thời đại. Riêng đối với đất nước ta, sau bao năm chiến tranh chống xâm lược, càng cần loại hình đào tạo này để tạo điều kiện học tập cho những cán bộ đã phải hy sinh việc học của họ cho cuộc chiến đấu. Việc tạo điều kiện để họ tiếp tục học tập trong hòa bình là lẽ đương nhiên và công bằng.
Bất cứ hệ thống đào tạo nào cũng cần lấy người học làm trung tâm, thế nhưng gần đây, chính những nhà quản lý giáo dục và các trường đại học đã coi loại hình đào tạo này như phương tiện để thực hiện mục đích thiển cận và ích kỷ, coi nó là “nồi cơm” của mình. Tư tưởng lệch lạc, kết hợp với sự buông lỏng quản lý của cơ quan chủ quản, và sự tùy tiện của các trường đã khiến cho hệ này không phát huy được vai trò đào tạo. Mặc dù đâu đó vẫn có những tấm gương thực học, nhưng điều đó chưa đủ để vớt vát cho chất lượng tệ hại của một hệ thống đào tạo. Câu thành ngữ dân gian “dốt như chuyên tu, ngu như tại chức” hay gần đây là hành động quay lưng của Đà Nẵng là những tiếng nói phản biện mạnh mẽ vào sự yếu kém đó.
Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số và xu hướng toàn cầu hóa. Những bước tiến về công nghệ thông tin, sự bùng nổ Internet, giao tiếp toàn cầu cùng những bước tiến bộ của e-learning, khiến cho việc học từ xa được thực hiện thuận lợi hơn bao giờ hết. Trong xu hướng đó, không khó hiểu khi các ngành đào tạo không chính quy sẽ tăng trưởng cả về quy mô và chất lượng. Nhưng trước mắt, cần có cuộc cải cách triệt để trong việc đào tạo không chính quy tại Việt Nam.
Nhu cầu xã hội
Việt Nam hội nhập với Thế giới, điều này mang lại thách thức không nhỏ là sự cạnh tranh khốc liệt từ cả bên trong và bên ngoài. Trong thế cạnh tranh đó, các doanh nghiệp phải tìm mọi cách nâng cao năng suất và hiệu quả lao động cũng như năng lực quản lý. Khi đó dễ nhận thấy những thay đổi sau trong lĩnh vực tuyển dụng:
Việc nhận lao động là dựa theo nhu cầu thực tế trên cơ sở trình độ quản lý tốt. Khi đó mục tiêu của tuyển dụng sẽ tìm những người đủ năng lực để đảm nhiệm những vai trò cụ thể. Người tuyển dụng sẽ tập trung vào khía cạnh năng lực chuyên môn thực sự chứ không đơn thuần là bằng cấp.
Người lao động ý thức được vai trò, trách nhiệm và giá trị của mình trong tổ chức. Các doanh nghiệp luôn phải thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh, cho nên việc đảm bảo vị trí ‘trọn đời’ như công chức hiện nay là không thể. Người lao động sẽ phải đối mặt với sự đào thải nếu bản thân không tự trau dồi để thích ứng được với công việc. Do đó việc có cơ sở nền tảng từ ngày còn đi học rất quan trọng cho việc tự học suốt đời cũng như công việc sau này.
Quay lại vấn đề Đà Nẵng, có thể thấy cơ chế tuyển dụng lao động có nhiều điểm không thích hợp. Thứ nhất, việc tuyển công viên chức của Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn còn cơ chế theo chỉ tiêu, xin cho. Thứ hai, vị trí công chức gần như “bất biến” và ổn định. Chính vì chưa gặp sức ép thực sự lớn cho việc thay đổi, Đà Nẵng mới không có sự tuyển dụng người theo đúng yêu cầu công việc, mà chủ yếu vẫn dựa vào bằng cấp, cho nên mới nói không một cách tiêu cực với hệ đào tạo tại chức như vậy.
Giá trị con người
Đang có những tín hiệu tích cực từ giáo dục và đào tạo tại Việt Nam. Đối với hệ đào tạo chính quy, các trường đại học tăng nhanh về số lượng khiến cho các trường đại học phải cạnh tranh nhau, qua đó sẽ có trường lấy chất lượng đào tạo làm lợi thế cạnh tranh cho mình. Bên cạnh đó người học sẽ có thêm nhiều lựa chọn phù hợp với bản thân. Quan trọng hơn, thái độ xã hội về tấm bằng đại học sẽ thay đổi (khi ngày càng nhiều người có tấm bằng này) và năng lực thật sự mới là diều quan trọng.
Mặt khác, đáng chú ý là sự xuất hiện những mô hình đào tạo có chất lượng về kỹ năng nghề, mang tính thực hành và có nhiều ứng dụng thiết thực trong cuộc sống. Đây là mô hình đào tạo chuyên sâu vào những kỹ năng chuyên ngành để đảm bảo người học có thể làm việc ở các công ty, doanh nghiệp hoặc tự lập nghiệp. Việc này tạo điều kiện cho những ai không đủ điểm vào đại học chính quy có môi trường học tập và phát huy hết năng lực của mình thay vì bon chen chỉ để có cái danh “đại học”.
Tôi vẫn thường gặp gỡ trao đổi với những người bạn làm công tác tuyển dụng ngành phần mềm, ở đó có nhiều câu chuyện về những trường hợp “phông màn hoành tráng” (ý nói nhiều bằng cấp ấn tượng), nhưng không đáp ứng được về mặt chuyên môn. Xu thế tất yếu của việc sử dụng lao động là sự phân biệt rạch ròi giữa năng lực (giá trị bên trong) với việc sở hữu những tấm bằng (giá trị bên ngoài). Khi đó đào tạo thực sự sẽ lên ngôi, và những hệ thống yếu kém như hệ tại chức hiện nay sẽ tự bị đào thải nếu không kịp thời được cải cách triệt để.
Bùi Văn Phát
Giảng viên Cao Đẳng Thực Hành FPT
con đường dẫn tới thành công ko nhất thiết phải là học đại học
ban jacksparrow dat cau hoi rat hay! ;))
ng viet nam ta la phai co 1 tam bang dh trong tay =.=
có lẽ cần thời gian để xem sự thành công của cao đẳng thực hành FPT.
thưa Thầy ! nếu không có bằng thì hiện tại thầy làm gì ạ ?