(GDVN) – “Bộ GD&ĐT có lý khi khống chế quy mô đào tạo tối đa, như một dạng nhìn xa trông rộng ngăn ngừa trước vì hiện nay chưa có nhiều trường vượt ngưỡng này”.
Cuối năm 2015, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 32 về phương thức xác định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. Việc này đã thực hiện từ 2014, các trường đại học dựa vào các quy định này, tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Nếu so với trước 2014, khi chỉ tiêu được cấp theo kế hoạch, thì việc ban hành hành lang pháp lý để các trường tự chủ trong việc tính toán và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh – và nói chung sẽ được phê duyệt theo con số đăng ký – là một bước tiến lớn, chuyển từ tuyển sinh theo kế hoạch tập trung sang tuyển sinh theo năng lực.
Bài viết dưới đây của TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học FPT dưới đây sẽ nêu lên bức tranh chung của giáo dục đại học, đồng thời đưa ra giải pháp để Thông tư 32 đi vào cuộc sống giáo dục đại học.
Hành lang Bộ GD&ĐT đưa ra là các quy tắc tối thiểu để đảm bảo chất lượng, các trường không chỉ dựa vào đấy để xác định chỉ tiêu tuyển sinh, mà mỗi trường tự xác định theo kế hoạch phát triển của mình, nhưng phải tuân thủ những quy tắc tối thiểu này.
Chẳng hạn tại Đại học FPT, chúng tôi đặt kế hoạch tuyển sinh năm 2016 là 2000 sinh viên chính quy, sau đó dựa vào các tiêu chí của Bộ GD&ĐT để chuẩn bị nguồn lực cho phù hợp.
Cũng như các năm trước, Thông tư 32 yêu cầu các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên số giảng viên cơ hữu và mét vuông phòng ốc do trường sở hữu, không tính giảng viên thỉnh giảng, không tính diện tích phòng ốc đi thuê.
Mời thêm giảng viên thỉnh giảng, thuê thêm phòng ốc là việc của các trường, con số này nói chung khó kiểm soát nên Bộ GD&ĐT không quản, bù lại định mức giảng viên, cơ sở vật chất so với quy mô sinh viên được nới hơn – lẽ ra là 20 sinh viên trên một giảng viên thì thành 25 sinh viên trên một giảng viên cơ hữu.
Đây cũng là thông điệp Bộ GD&ĐT gửi đến các trường: để tồn tại và phát triển, các trường phải có đủ giảng viên và cơ sở vật chất của riêng mình. Bộ GD&ĐT cũng kiểm soát theo danh sách giảng viên các trường gửi để một giảng viên không được là cơ hữu quá một trường.
Chỉ tiêu mà Bộ GD&ĐT quan tâm cũng chỉ tập trung vào sinh viên đại học chính quy. Sinh viên đào tạo theo phương thức tại chức (vừa làm vừa học) được ấn định không vượt quá phần trăm nhất định của sinh viên chính quy, các trường tự quyết mà không cần đăng ký.
Điểm khác biệt cơ bản trong Thông tư 32 so với các quy định 2014, 2015 và gây ra nhiều tranh cãi là bổ sung thêm tiêu chí về quy mô đào tạo tối đa, từ 5 đến 15 ngàn sinh viên tùy thuộc vào ngành đào tạo.
Đa số các trường theo quy mô 15 ngản sinh viên, quy mô thấp hơn áp dụng cho các trường và các ngành mang tính năng khiếu.
15.000 sinh viên – nhiều hay ít?
Nói luôn, 15.000 là khá lớn, vì đây là con số sinh viên đại học chính quy. Các trường còn có sinh viên tại chức, liên thông, liên kết, cao đẳng, trên đại học – cho nên con số thực sẽ cao hơn gấp rưỡi hoặc gấp đôi.
15.000 là nhiều vì với thời gian đào tạo 4 năm, quy mô này tương đương với định mức tuyển sinh 5.000 sinh viên chính quy một năm, do trong quá trình đào tạo nhiều sinh viên sẽ rơi rụng (tỷ lệ rơi rụng sau năm thứ nhất ở Mỹ là 20%, tỷ lệ tốt nghiệp sau 1.5 lần thời gian đào tạo chuẩn là 60%).
Ở Việt nam không có con số thống kê về các tỷ lệ này, nhưng chắc cũng không thấp hơn.
Có bao nhiêu trường đại học trong số hơn 200 trường đại học Việt Nam hiện nay có chỉ tiêu tuyển sinh chính quy hàng năm từ 5.000 trở lên?
Nếu bỏ đi các đại học quốc gia (Hà Nội, Hồ Chí Minh) và đại học vùng hoặc mang tính chất vùng (Thái nguyên, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ), thì số trường có chỉ tiêu tuyển sinh 2014 từ 5.000 trở lên chỉ có 8 trường.
Trong đó 3 trường tư (“Kinh Công”, Duy Tân, Nguyễn Tất Thành), 3 trường công thuộc Bộ Công Thương (Đại học Công nghiệp Hà nội, Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh và Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp), một trường công về nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp – trước gọi là Đại học Nông nghiệp), một trường công về kỹ thuật (Đại học Bách khoa Hà Nội).
Ba trường tư năm nay tuyển không đủ chỉ tiêu nên ít ý kiến, trừ lãnh đạo trường “Kinh Công”, với việc lấn sân sang ngành y dược đang hy vọng bức tranh tuyển sinh năm 2016 sẽ khởi sắc chứ không lèo tèo như 2015. Bộ GD&ĐT sẽ phải “xét đặc thù” cho các trường này.
Xem xét thế nào ?
Trên quan điểm chất lượng, Bộ GD&ĐT có lý khi khống chế quy mô đào tạo tối đa, như một dạng nhìn xa trông rộng ngăn ngừa trước vì hiện nay chưa có nhiều trường vượt ngưỡng này.
Cũng nhờ khống chế mới thấy rõ hơn bức tranh giáo dục đại học Việt Nam hiện nay. Theo tôi, lý do quan trọng nhất của việc khống chế là nguồn lực phục vụ giáo dục đại học Việt nam còn nhiều hạn chế, việc chạy theo số lượng sẽ phải trả giá về chất lượng.
Lý do thứ hai là trong lộ trình tự chủ, việc quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT là ấn định các hành lang phù hợp để các trường tự chủ trong hành lang đó.
Với trường công, dựa trên quy định trần học phí và phương thức phân bổ ngân sách hiện nay, càng đông sinh viên thì định mức chi trên đầu sinh viên càng giảm, tức là tăng sinh viên đồng nghĩa với giảm chất lượng.
Ba trường thuộc Bộ Công Thương có thể xem là trường hợp riêng, đã tự chủ tài chính – tức không nhận ngân sách nhà nước, được chủ động trong việc ấn định mức học phí cao – thì có thể chưa cần áp dụng quy định về quy mô đào tạo tối đa.
Việc chưa áp dụng trần về quy mô tuyển sinh có thể áp dụng cho tất cả các trường công lập đăng ký tự chủ tự chủ tài chính – như một biện pháp khuyến khích để có thêm nhiều trường công đăng ký tự chủ chứ không chỉ có hơn 10 trường như hiện nay.
Còn lại 2 trường đại học “khủng”: Học viện Nông nghiệp và Đại học Bách khoa Hà Nội.
Hai trường này hiện nay không tự chủ, vẫn đăng ký nhận tiền từ ngân sách, và nếu nhìn kỹ chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm thì đang có hiện tượng “lấn sân”:
Đại học Bách khoa Hà Nội đào tạo cả cử nhân Quản trị Kinh doanh, Tài chính Ngân hàng, cử nhân Ngoại ngữ, còn Học viện Nông nghiệp đang đào tạo cả kỹ sư Công nghệ Thông tin, cử nhân Kinh tế, Tài chính, Quản trị Kinh doanh.
Hai trường này chỉ cần cắt cái đuôi “lấn sân” để tập trung nguồn lực vào nhiệm vụ chính là quy mô đào tạo sẽ nằm trong định mức.
Lộ trình
Bộ GD&ĐT có một sáng kiến quan trọng – gọi là sáng kiến “một phần tư” – để không gây sốc khi thực hiện các thay đổi.
Quy định trong Thông tư 32 ghi là nếu quy mô đào tạo của trường đã vượt so với tiêu chí giảng viên, thì được tuyển sinh tối đa bằng “một phần tư” năng lực.
Bộ GD&ĐT tính toán là nếu trường đã lố thì không yêu cầu dừng tuyển sinh ngay, vẫn được tuyển sinh tiếp tục. Với thời gian đào tạo đại học 4 năm, mỗi năm sinh viên cũ sẽ tốt nghiệp, sinh viên mới tuyển vào bằng “một phần tư” năng lực, thì sau 4 năm sẽ đi vào đúng quy mô dự kiến.
Thực ra thì sinh viên còn rơi rụng trong quá trình đào tạo, cho nên nếu thay “một phần tư” bằng “một phần ba” thì hợp lý hơn, các trường cũng phấn khởi hơn.
Và hợp lý hơn nữa nếu sáng kiến này không chỉ áp dụng riêng cho tiêu chí giảng viên, mà áp dụng chung cho tất cả các tiêu chí khác về cơ sở vật chất, trần tối đa.
Nếu như Bộ GD&ĐT đưa vào quy định mang tính tổng quát như sau thì khoa học hơn: sau khi xác định quy mô tối đa của trường theo các tiêu chí giảng viên, cơ sở vật chất, quy mô trần, các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh sao cho hoặc tổng số sinh viên học tại trường không vượt quá quy mô tối đa của trường, hoặc số sinh viên tuyển mới không vượt quá một phần tư quy mô tối đa đó. Thế là ổn, hành lang thông thoáng, mạch lạc.
Dung hòa lợi ích
Mỗi chính sách liên quan đến giáo dục đại học thì đều phải xem xét đến lợi ích của 4 chủ thể: của quốc gia, của trường (trong đó có giảng viên), của người học (tính cả phụ huynh) và của thị trường lao động.
Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT (với các kiến nghị sửa đổi như trên) nếu nhìn nhận từ góc độ 4 lợi ích này thì đều tốt.
Sinh viên được đào tạo với kinh phí kỳ vọng sẽ cao hơn, hy vọng chất lượng sẽ tốt hơn, người sử dụng lao động và quốc gia có nguồn lao động hy vọng là chất lượng tốt hơn, hệ thống giáo dục đại học tự chủ trong hành lang mạch lạc hơn, trách nhiệm xã hội của các trường cao hơn và từng trường có điều kiện phát triển tốt hơn.
Việc khống chế quy mô đào tạo áp dụng cho một số ít trường sẽ không ảnh hưởng gì đến quyền học đại học của thí sinh, và cũng không ảnh hưởng đến công việc của giảng viên.
Số ít các trường công (Học viện Nông nghiệp và Đại học Bách khoa Hà Nội) nếu như dư thừa giảng viên thì cũng có một lộ trình “một phần tư” trong 4 năm để giải quyết, cũng có thể chuyển sang cơ chế tự chủ, hoặc hỗ trợ các trường đang thiếu giảng viên số giảng viên dư thừa này theo một cách thức nào đó.
Đại học FPT sẵn sàng xem xét tiếp nhận giảng viên có trình độ trên đại học ngành Công nghệ Thông tin từ Học viện Nông nghiệp, giảng viên có trình độ trên đại học ngành Ngoại ngữ và Quản trị Kinh doanh từ Đại học Bách khoa để phục vụ cho lộ trình phát triển của mình.