Ông Lê Xuân Lan, Viện trưởng Viện chiến lược Thông tin và Truyền thông – cơ quan được Bộ TT&TT giao trách nhiệm soạn dự thảo đề án – đã xác nhận thông tin trên.
Đề án này đặt ra một loạt mục tiêu đầy tham vọng với ngành CNTT-TT từ nay đến năm 2015 và 2020. Một trong những mục tiêu chủ đạo là đưa ngành CNTT-TT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tăng trưởng hàng năm cao gấp 2-3 lần tăng trưởng GDP, đồng thời phát triển nguồn nhân lực CNTT đạt chuẩn quốc tế và thiết lập hạ tầng viễn thông băng rộng trên phạm vi cả nước.
1 triệu nhân lực CNTT, top 10 thế giới về gia công phần mềm
Cụ thể với nguồn nhân lực, đề án đặt mục tiêu khoảng 30% số lượng sinh viên CNTT và điện tử viễn thông tốt nghiệp đại học đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để tham gia thị trường lao động quốc tế vào năm 2015. Mục tiêu này đến năm 2020 là 80% và có 1 triệu nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp CNTT. Tỷ lệ người sử dụng Internet sẽ tăng lên 50% sau 5 năm tới và 70% sau 10 năm.
Về công nghiệp CNTT, đề án đặt ra mục tiêu đưa Việt Nam nằm trong top 15 quốc gia dẫn đầu thế giới về dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số vào năm 2015 và lên top 10 vào năm 2020. Đặc biệt, ngành công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT phải trở thành ngành công nghiệp tăng trưởng nhanh nhất trong các ngành kinh tế.
Bên cạnh đó, vào năm 2015, các doanh nghiệp trong ngành có đủ năng lực thiết kế và sản xuất một số phần cứng và linh kiện thay thế nhập khẩu, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu chế tạo vi mạch tích hợp. Đến năm 2020, Việt Nam sẽ hình thành một số tổ chức nghiên cứu và phát triển về CNTT-TT mạnh, đủ năng lực nghiên cứu ra các sản phẩm công nghệ cao.
Đặc biệt, đề án sẽ hỗ trợ những doanh nghiệp CNTT-TT lớn mở rộng thị trường để vươn tầm khu vực và thế giới với mục tiêu có một số doanh nghiệp đạt doanh thu 10 tỷ USD vào năm 2015 và 15 tỷ USD vào năm 2020.
Mạng Internet băng rộng phủ khắp cả nước
Với lĩnh vực viễn thông, theo đề án này, Việt Nam sẽ hoàn thành cơ bản mạng băng rộng kết nối đến các xã phường trên cả nước, phủ sóng di động băng rộng đến 85% dân cư và đứng thứ 65 trở lên trong bảng xếp hạng của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) vào năm 2015. Mục tiêu đến năm 2020 là hoàn thiện mạng băng rộng đến hầu hết thôn bản, phủ sóng di động băng rộng đến 95% dân cư và đứng thứ 55 trở lên trong xếp hạng của ITU.
Đến năm 2011, hầu hết các hộ gia đình có máy điện thoại. Đến năm 2015, số hộ gia đình có máy tính và truy cập Internet chiếm 20-30%; 90% số hộ gia đình có tivi, trong đó khoảng 80% được xem truyền hình số. Đến năm 2020, số hộ gia đình có máy tính và truy cập Internet sẽ tăng lên 50-60%, trong đó khoảng 30% là sử dụng đường truyền cáp quang.
Với ứng dụng CNTT, đề án đặt ra mục tiêu cung cấp hầu hết dịch vụ công trực tuyến ở mức 2 và mức 3 (nhận mẫu hồ sơ trên mạng và trao đổi thông tin, gửi và nhận hồ sơ qua mạng) và khoảng 80% doanh nghiệp, tổ chức xã hội ứng dụng CNTT vào điều hành và sản xuất kinh doanh. Từ nay đến năm 2015, ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực có phạm vi ảnh hưởng rộng như quản lý giao thông đô thị, vệ sinh an toàn thực phẩm hay dự báo thời tiết sẽ được thúc đẩy mạnh hơn.
Đến năm 2020, chính phủ tham vọng đưa Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 nước dẫn đầu thế giới trong bảng xếp hạng về mức độ sẵn sàng Chính phủ điện tử của Liên hiệp quốc.
Để đạt được các mục tiêu trên, đề án nêu ra một ra một loạt chính sách ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp CNTT, hạ tầng viễn thông cũng như ứng dụng CNTT trong khối cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và xã hội.
Tải toàn văn “Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT”
Theo ICTnews