Đề thi THPT Quốc gia 2017 nằm trọn chương trình lớp 12
14:33 08/02/2017
Trước băn khoăn của phụ huynh và thí sinh về khoanh vùng cấu trúc đề thi và kiến thức trong đề thi THPT Quốc gia 2017, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Đề thi THPT Quốc gia 2017 nằm trọn chương trình lớp 12.
Theo quy định về giới hạn nội dung kiến thức trong đề thi THPT Quốc gia 2017, nội dung thi sẽ chỉ nằm trong chương trình lớp 12. Nếu như từ năm 2016 trở về trước, đề thi THPT quy định nằm trong chương trình Trung học hiện hành, nghĩa là ngoài chương trình lớp 12 còn xuất hiện một số câu kiểm tra bao quát chương trình Trung học thì với đề thi hiện nay, phạm vi câu hỏi đã được thu gọn hơn nhiều.
Với sự thay đổi này, đề thi sẽ được đảm bảo cân bằng giữa các phần trong chương trình lớp 12, tuân thủ đúng theo các quy định điều chỉnh về nội dung môn học.
Tuy nhiên, quy chế cũng đưa ra lộ trình rất rõ là đến năm 2018, nội dung thi sẽ nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT. Từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong chương trình cấp THPT, gồm cả lớp 10, 11 và 12.
Ông Bùi Văn Ga cũng trả lời phỏng vấn về những vấn đề trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2017:
Cẩn thận với bài thi trắc nghiệm.
Dù đã có quy định về giới hạn kiến thức trong đề thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2017, nhiều thí sinh vẫn lo ngại đề thi quá khó, nhiều kiến thức nằm ngoài chương trình, nhiều câu hỏi kiểu “đánh đố”… Điều này liệu có xảy ra không?
Các em học sinh không cần phải lo lắng về điều này bởi nội dung thi được đảm bảo sẽ nằm trọn trong chương trình lớp 12. Trong đó, đề thi không những phân loại được trình độ của thí sinh, mà còn đáp ứng yêu cầu cơ bản (để tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để tuyển sinh ĐH, CĐ).
Các đề thi trắc nghiệm khách quan được bộ GD-ĐT xây dựng theo một quy trình khoa học, dựa trên ma trận đề thi, qua những bước rất cụ thể. Để có thể sử dụng kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, đề thi ngoài những phần cơ bản để những thí sinh trung bình có thể làm được còn có cả những phần nâng cao để phân loại thí sinh phục vụ cho công tác tuyển sinh Đại học.
Trong đề thi, lời văn, câu chữ được sử dụng rất rõ ràng, đảm bảo tính chính xác, khoa học và tính sư phạm. Đề thi tự luận có ghi rõ số điểm của mỗi câu hỏi. Điểm của các bài thi được tính theo thang điểm 10.
Cũng như các năm trước, dù thi theo hình thức trắc nghiệm hay tự luận, đề thi cũng không yêu cầu thí sinh phải học thuộc lòng để trả lời một cách máy móc, không đánh đố thí sinh. Đề thi trắc nghiệm được soạn thảo có độ bao phủ chương trình rộng hơn, yêu cầu thí sinh học bao quát, không học tủ, học lệch.
Đề thi trắc nghiệm năm nay có số lượng câu hỏi cũng như cấu trúc chung khác so với năm trước. Như vậy, mẫu phiếu trả lời các môn thi này liệu có nhiều thay đổi và gây khó cho thí sinh trong quá trình làm bài không, thưa ông?
Đúng là cấu trúc bài thi trắc nghiệm khách quan năm nay có sự thay đổi so với các năm trước (với các bài Toán, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội), nhưng hình thức câu hỏi và phương án trả lời sẽ không có sự thay đổi so với trước đây.
Theo đó, mỗi câu hỏi sẽ chỉ có một phương án trả lời đúng duy nhất nên sẽ không gây khó khăn gì cho thí sinh. Mẫu phiếu trả lời trắc nghiệm của các môn thi độc lập về cơ bản sẽ giữ như năm 2015, 2016. Phiếu trả lời trắc nghiệm của các bài thi Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội sẽ được bố trí phù hợp với yêu cầu thi các môn thành phần.
Việc chấm thi bằng máy sẽ thực hiện tương tự như những năm trước: bài thi của thí sinh với mã đề thi xác định sẽ được quét vào máy tính, phần mềm chấm sẽ nhận dạng phương án trả lời của thí sinh, đối chiếu với đáp án để quy điểm.
Bộ sẽ cung cấp phần mềm chấm thi trắc nghiệm và yêu cầu các hội đồng thi thống nhất sử dụng để đảm bảo an toàn trong chấm thi và độ tin cậy của kết quả thi.
Không còn “thưởng điểm” do thi trắc nghiệm.
Các năm trước, Bộ GD-ĐT cho phép với những bài làm đúng, có cách giải sáng tạo, độc đáo khác với đáp án có thể được thưởng điểm. Tuy nhiên, với đề thi trắc nghiệm thì còn duy trì việc thưởng điểm này hay không?
Các bài thi trắc nghiệm được chấm bằng máy, điểm số các câu hỏi đã lập trình sẵn, khách quan, không có sự can thiệp của cán bộ chấm thi. Mỗi câu hỏi chỉ có duy nhất một đáp án đúng. Vì thế tính sáng tạo của thí sinh sẽ giúp cho thí sinh làm bài nhanh hơn, có thêm nhiều thời gian làm tốt những câu hỏi khác trong bài thi của mình.
Thí sinh có thể tham khảo các bộ đề thi minh họa, đề thi thử nghiệm mà Bộ đã công bố để hình dung được lợi thế của mình khi phát huy tính sáng tạo, độc đáo trong khi làm bài thi.
Các môn thành phần trong bài thi phải cùng một mã đề.
Ngoài nội dung thi, thí sinh cần lưu ý những yếu tố mang tính kỹ thuật nào khi làm bài thi, thưa ông?
Nguyên tắc làm bài thi được quy định thống nhất ở tất cả các hội đồng thi. Thí sinh cần nắm vững những yêu cầu cơ bản để tránh mắc sai lầm không đáng có ảnh hưởng đến kết quả thi.
Theo đó, trước khi thi, thí sinh phải điền đầy đủ số báo danh (cả phần chữ và phần số) vào đề thi, giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp. Khi nhận đề thi, phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in.
Nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi trong phòng thi, chậm nhất 15 phút sau khi phát đề.
Thí sinh không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì trừ vẽ đường tròn bằng compa và tô các ô trên phiếu trả lời trắc nghiệm, chỉ được viết bằng một thứ mực (không được dùng mực màu đỏ).
Riêng với các bài thi tổ hợp, khi nhận đề thi, thí sinh cần lưu ý các môn thành phần trong mỗi bài thi Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội có cùng một mã đề thi. Nếu không cùng mã đề thi, thí sinh phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi trong phòng thi.
Thí sinh lưu ý phải tô đầy đủ mã đề thi trên giấy làm bài thi trắc nghiệm. Tô sai hay tô không đầy đủ mã đề thi sẽ khiến máy tính không nhận dạng được bài thi để áp kết quả.
Đặc biệt, thí sinh tuyệt đối không được trao đổi, quay cóp hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận và làm mất trật tự phòng thi.