Trong những năm gần đây, Freelancer (Người làm việc tự do) đang trở nên phổ biến và trở thành xu hướng được nhiều bạn trẻ lựa chọn bởi sự tự do về thời gian, không gian làm việc cũng như ý tưởng sáng tạo. Vậy để trở thành một Freelancer thực thụ trong lĩnh vực Tổ chức sự kiện ta cần chuẩn bị những gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc ấy.
- Có kiến thức chuyên môn và khả năng làm việc độc lập
Trở thành một Freelancer chuyên nghiệp đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải đứng một mình giải quyết mọi công việc và sẽ có lúc phải đương đầu với những agency chuyên nghiệp với đông đảo nhân sự. Khi ấy, nếu không có năng lực và bản lĩnh thật sự, bạn sẽ dễ dàng bị khách hàng loại bỏ ngay trong buổi làm việc đầu tiên. Để giành lấy hợp đồng Tổ chức sự kiện cho mình, ngoài năng lực chuyên môn, bạn còn cần khả năng tác chiến độc lập, tự lên kế hoạch hoạt động, báo giá, idea, khả năng thuyết phục khách hàng…
2. Biết sắp xếp thời gian làm việc hợp lý
Khi nói đến Freelancer mọi người hay liên tưởng tới sự Tự do hoàn toàn. Sự tự do này đồng nghĩa với việc bạn sẽ không có ai quản lý về thời gian làm việc. Điều này cũng rất dễ dẫn đến việc nhiều Freelancer mải “nghỉ ngơi” quá đà, không tự kỷ luật bản thân mình dẫn tới không hoàn thành được các giai đoạn công việc đã đặt ra. Là một Freelancer, hãy nhớ rằng, bạn có 24h/ngày để làm việc bất cứ việc gì mình thích nhưng khách hàng chỉ có 8h/ngày cho công việc của họ mà thôi.
3. Làm việc dựa trên uy tín cá nhân
Để duy trì công việc ổn định và lâu dài của một Freelancer hoàn toàn phụ thuộc vào uy tín cá nhân. Để tạo được sự tin tưởng với khách hàng, bạn cần làm với sự trung thực cao nhất bởi chắc chắn không một ai lại giao sự thành bại của cả một chương trình vào tay một người mà họ không hề hay biết. Vậy nên, hãy tạo dựng uy tín, thiện cảm và thái độ chuyên nghiệp của mình từ những điều nhỏ nhất như đúng giờ trong mọi buổi hẹn, cuộc họp bàn…
4. Hãy nhớ: “Hình ảnh của bạn đáng giá triệu đô”
Để nói về sự quan trọng của hình ảnh cá nhân, người xưa có câu: “Trông mặt mà bắt hình dong”. Để trở thành một Freelancer, điều này cũng vô cùng cần thiết. Hãy tạo hình ảnh và dấu ấn cá nhân trong từng ngành nghề, tính chất công việc của bạn. Dù không nhất thiết lúc nào cũng phải chỉnh chu trong từng set đồ công sở nhưng bạn phải luôn ghi nhớ, vẻ bề ngoài là sự phản chiếu một phần con người bạn nên hãy tạo cho mình sự chuyên nghiệp, tin tưởng, cá tính riêng của mình trong từng bối cảnh công việc và gặp gỡ.
5. Tự tạo các form mẫu của riêng mình
Sự chuyên nghiệp thể hiện từ những mẫu Proposal, báo giá, checklist công việc,… bạn gửi tới khách hàng. Hãy tạo sự đồng nhất về hình ảnh và dấu ấn cá nhân, nhận diện không thể sao chép của bạn trong các form mẫu đó. Ngoài ra, trong kinh doanh rủi ro là điều khó tránh, bởi vậy hãy chuẩn bị thật kỹ hợp đồng với các điều khoản chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi cho mình và những trách nhiệm phải ghành chịu trong trường hợp xấu nhất xảy ra.
6. Tự truyền thông cho chính mình
Trước khi tổ chức một sự kiện được nhiều người biết tới, bạn cần phải biết truyền thông chính mình đến thật nhiều người. Để làm được điều đó, hãy chuẩn bị cho mình một website cá nhân, dành thời gian đầu tư nội dung cho một facebook fanpage hoặc bất kỳ kênh thông tin Online nào có sức lan tỏa tới cộng đồng và khách hàng mục tiêu của bạn. Những kênh thông tin ấy chính là ngôi nhà, nơi để bạn thể hiện hết các kỹ năng và kinh nghiệm mà bạn có trong nghề. Trên các trang này, bạn cần đồng nhất hình ảnh đại diện, tất cả hình ảnh mang thương hiệu cá nhân của mình. Ngoài ra, điều đơn giản nhất bạn cần làm là công khai những thông tin liên hệ cần thiết của mình trên đó để khách hàng có thể liên hệ. Nếu có điều kiện, hãy sử dụng các công cụ quảng cáo cho hoạt động này nhé!
7. Có một đội ngũ nhân sự để hỗ trợ khi cần thiết
Trong quá trình làm việc đôi khi bạn sẽ nhận được những sự kiện lớn, quá tầm kiểm soát của một người hoặc nhận được quá nhiều hợp đồng trong cùng một thời điểm. Lúc này, bạn cần tìm ngay sự trợ giúp của các nhóm nhân sự trong ngành, có thể là các freelancer hoặc agency thân thiết khác. Tuy nhiên, hãy lưu ý về sự trung thực và uy tín của đội ngũ nhân sự này bởi bạn mới là người đứng mũi chịu sào cho mọi việc. Để kiểm soát tốt công việc, hãy đầu tư nhiều thời gian để quản lý và sắp xếp các đầu việc thay vì chỉ tập trung cho một sự kiện cụ thể bởi điều đó sẽ ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng của những sự kiện khác.
8.Đảm bảo việc xuất các loại hóa đơn và thuế
Đây là điều khá quan trọng nhưng lại rất ít freelancer có thể lo liệu được. Ngoài mã số thuế thu nhập cá nhân, đôi khi các doanh nghiệp sẽ yêu cầu ký hợp đồng cùng bạn với danh nghĩa công ty và lấy thuế doanh nghiệp. Khi ấy, hãy tìm đến những công ty thân thiết để được hỗ trợ các khoản thuế, xuất hóa đơn thay vì sử dụng dịch vụ bởi chúng sẽ ảnh hưởng tới báo giá của bạn với khách hàng. Đây là điều cực kỳ quan trọng bạn cần chuẩn bị kỹ trước khi làm freelancer.
9. Sử dụng phương án B: “Quay đầu là bờ”
Trong quá trình làm việc, nếu không có quá nhiều mối quan hệ và kinh nghiệm làm việc, khả năng bạn gặp rủi do ngay trong lần đầu tiên là rất lớn. Khi ấy, có thể áp lực tiền bạc sẽ khiến bạn gục ngã dù chưa thấy được bến bờ vinh quang. Bởi vậy, trong trường hợp xấu nhất, nếu cảm thấy không đủ sức tiếp tục, hãy thực với những cách khác nhau để đạt mục tiêu đảm bảo thu nhập cho mình. Tiếp tục học tập để có thêm kinh nghiệm tại một trong các agency về Tổ chức sự kiện, tích lũy chút vốn liếng cho lần bung lụa tiếp theo chính là một quyết định thông minh trong hoàn cảnh đó. Hãy tiếp tục kiên trì và cố gắng cho những mục tiêu đã đề ra, Freelancer là con đường chông gai nhưng kết quả của nó thực sự là xứng đáng để bạn nỗ lực vươn tới sự tự do trong sự nghiệp của mình.