Anh tôi ra đi mãi mãi vì hoàn cảnh nghèo khó

7:53 13/09/2011

Công việc nặng nhọc, lại làm đêm thường xuyên đã làm anh mất ngủ, kiệt sức và suy nhược thần kinh. Đến một ngày căn bệnh của anh trở nên trầm trọng, phải nhập bệnh viện. Tay chân anh bị trói ở bốn thành giường, mắt lừ đừ vì vừa được tiêm thuốc an thần.

10 năm đã trôi qua, gia đình tôi càng trở nên đông vui hơn khi các anh lập gia đình và có thêm các cháu. Tóc cha mẹ tôi giờ đây đã lấm tấm bạc, dù đời sống không khá giả nhưng tinh thần đã ổn định, ông bà được con cháu quây quần, líu lo suốt ngày nên trông trẻ hẳn ra so với thời bấy giờ. Tôi đang có một gia đình riêng, một người vợ giỏi giang và một cục cưng được hơn 6 tháng tuổi.

Nhiều năm trước, tôi từng hoán hận cuộc đời, oán hận hoàn cảnh éo le đã dày xéo cha mẹ tôi, làm gia đình tôi phải khốn khổ. Tôi căm hận bản thân mình vì chẳng giúp ích được gì cho gia đình. Tôi bất lực trước mọi thứ đang diễn ra trước mắt, chỉ biết khóc mặc cho những lời kêu oán của mẹ, nỗi đau nghẹn ngào của ba.

Ngày ấy, 6 anh em tôi sống cùng ba mẹ ở một xóm nhỏ ngụ tại quận 4, đời sống khá vất vả, ba làm bốc xếp còn mẹ bán bánh dạo nuôi chúng tôi ăn học. Dù thế, gia đình tôi vẫn vui vẻ và rộn ràng mỗi khi chiều về.

Sau một thời gian làm việc nặng nhọc, ba tôi bị bệnh, việc làm của ba thường bị gián đoạn. Với đồng tiền kiếm được từ việc bán dạo, mẹ tôi không thể chăm lo cho cả gia đình nên phải vay mượn để trang trải chi phí. Rồi đến khi mẹ không thể xoay xở, ba phải bán chiếc xe gắn máy cũ lấy tiền trả nợ. Anh hai của tôi phải bỏ học, đi làm phụ giúp ba mẹ.

Anh hai theo ba đi làm bốc xếp ở cảng. Thời gian đầu đi làm chưa quen, anh hai thường bị nhức mỏi, nhất là ở vai và khớp chân. Anh hai thường bảo tôi lấy muối pha với dầu hôi giúp anh hai xoa bóp. Kế từ ngày anh hai đi làm, cha mẹ tôi đỡ vất vả hơn, tôi cũng được anh hai cho tiền tiêu vặt.

Trong 6 anh em, tôi và anh hai thân thiết nhất. Ảnh: ST

Ở nhà, tôi và anh hai ngủ chung với nhau. Hai anh em chúng tôi thường tỵ nạnh nhau việc giăng mùng mỗi lần đi ngủ. Anh em tôi thỏa thuận, tôi giăng mùng vào thứ ba, năm, bảy còn anh hai thì hai, tư, sáu và chủ nhật. Nhiều lúc tôi rất gian lận, ngày nào đến lượt tôi giăng mùng thì tôi giả bộ ngủ quên để lát nữa anh hai thay tôi làm. Có hôm, anh hai biết tôi giả bộ ngủ nên anh chẳng giăng mùng, thế là hai anh em ngủ không mùng đến sáng.

Công viêc nặng nhọc, lại làm đêm thường xuyên đã làm anh hai mất ngủ, kiệt sức và suy nhược thần kinh. Đến một ngày căn bệnh của anh hai trở nên trầm trọng, phải nhập bệnh viện. Tôi đến bệnh viện thăm anh, nhìn anh mà chỉ biết khóc. Tay chân anh bị trói ở bốn thành giường, mắt lừ đừ vì vừa được tiêm thuốc an thần. Lúc tỉnh dậy người anh hai cứng đờ, miệng cứng chẳng nói được. Anh hai không còn nhận ra tôi và mọi người, anh nhìn mọi thứ bằng ánh mắt không thần hồn.

Anh ở viện hơn một tháng và được bác sĩ cho xuất viện vì đã tỉnh táo, anh đã có thể nhận ra mọi người. Anh ốm và xanh xao lắm nhưng trở lại công việc mặc dù mọi người rất lo lắng. Đến một đêm tôi chợt thức giấc, quay sang không thấy anh hai. Tôi nghe tiếng lục đục sau nhà. Tôi ra cửa sau, thấy anh đứng đờ người ra, tay cầm ca nước xối ào ào vào người. Đột nhiên, anh hai xối nước vào mặt tôi làm tôi sợ chết vía.

Sau đêm đó, tôi biết bệnh anh hai lại tái phát. Gia đình tôi không muốn đưa anh hai trở lại bệnh viện vì không muốn nhìn thấy anh giống như những người ở đó. Ba tôi đến viện mua thuốc và chăm sóc anh hai ở nhà. Sau đợt chữa bệnh cho anh hai và chi phí sinh hoạt gia đình, ba mẹ tôi nợ càng thêm nợ, gia đình tôi càng thêm khó khăn hơn.

Có nhiều hôm, ba đi làm, mẹ tôi chẳng còn hai nghìn đồng để mua nửa ký gạo. Tôi đi học cũng chẳng dám xin một đồng nào khi thấy hoàn cảnh gia đình như thế. Các anh khác của tôi cũng đã bỏ học đi làm thuê làm mướn cho người ta, cuối tháng mới về một lần. Căn nhà trở nên trống vắng, hiu quạnh, không còn như lúc trước quây quần nhộn nhịp.

Rồi cái ngày ấy đã xảy ra, sáng mùng một Tết dương lịch năm ấy, dù còn bệnh nhưng anh hai thức dậy rất sớm, anh mở nồi cơm nguội rồi bốc ăn. Thấy vậy, ba tôi liền chạy ra quán mua ổ bánh mỳ cho anh hai. Tôi thì bế bé gái mà mẹ tôi trông thuê đến quán bà hai ăn sáng. Mẹ tôi hôm nay sẽ về nhà sau khi dự đám cưới con của dì ở Tây Ninh. Sau một thời gian bệnh kéo dài, thấy anh hai tỉnh táo nên ba tôi và tôi rất mừng.

Tôi nghĩ năm mới đến, may mắn sẽ đến, anh hai sẽ khỏe lại và gia đình tôi sẽ như lúc trước được xúm xít bên nhau trong đầu năm mới. Thế nhưng có ai biết rằng khi ba tôi quay về thì anh hai đã chọn con đường ra đi vĩnh viễn không một lời trăng chối. Trên tay ba tôi còn cầm ổ bánh mỳ, mắt ba đỏ bừng mếu máo chạy đến quán bà hai, ba nói: “Anh hai mày chết rồi”.

Tôi điếng cả người, nước mắt tôi cứ rơi không ngớt, tôi cố gắng nói với giọng nghẹn ngào: “Con mới thấy anh hai lục cơm nguội mà”. Ba tôi khóc, khóc, thầm thì: “Nó chết rồi”. Tôi chạy về nhà, anh hai đã nằm trên chiếc giường mà tôi và anh hai thường ngủ. Khuôn mặt anh chẳng có gì thay đổi, người anh vẫn còn ấm, mọi thứ trở nên ảm đạm, lạnh lẽo. Tôi oán trách mình sao không ở nhà, nếu như tôi ở nhà thì anh hai đâu có chết. Tại tôi mà anh hai chết, nếu tôi ở nhà thì anh hai không thể làm thế, tất cả là tại tôi.

“Anh hai đang nằm đó, chắc đợi mẹ về. Mẹ sẽ sớm về thôi, vì anh còn phải gặp mẹ mà. Còn anh ba, anh tư, anh năm và thằng út anh chưa gặp, anh chờ chút nữa là sẽ được gặp mọi người mà”. Tôi khóc nức nở, cố gắng thì thầm bên anh hai. Ngày hôm ấy, tin đồn anh hai tôi mất lan nhanh ra tới đầu hẻm. Khi mẹ vừa về đến hẻm, bà con đã bàn tán và báo tin cho mẹ biết. Mẹ tôi chết lặng người, ngã gục xuống, không còn sức bước tiếp. Bà con phải dìu mẹ về đến nhà.

Mẹ tôi gào thét gọi tên anh hai. Tiếng kêu oán của mẹ lặp đi lặp lại như từng mảnh chai vỡ đâm sâu vào tim tôi, tôi chỉ biết khóc nức nở. Xung quanh tôi trở nên tăm tối, những hy vọng cả nhà sẽ vui vẻ quây quần bên nhau đã tan biến không bao giờ trở lại, chỉ còn lại nỗi đau và nỗi bất hạnh.

Hơn một tháng, sau khi anh hai tôi mất, mẹ tôi đã mất ngủ, đêm về cứ hát một mình, có lúc lại gào thét gọi tên anh hai đến khi sức mẹ tôi cạn kiệt. Rồi mẹ phải nhập viện giống như anh hai vào đêm 30 Tết âm lịch, mái tóc đen dài của mẹ đã bị cắt ngắn; dáng đi lom khom, khuôn mặt xơ xác không còn tỉnh táo của mẹ làm tôi nhớ anh hai nhiều lắm.

Nỗi sợ hãi của tôi càng lúc càng tăng, tôi sợ mẹ lại bỏ anh em tôi giống như anh hai, càng nghĩ tôi càng sợ. Tôi cầu mong mẹ nhanh chóng hết bệnh để mau chóng về nhà. Tôi sẽ không đi đâu hết, tôi sẽ ở nhà để chăm sóc mẹ, sẽ không để chuyện đó xảy ra nữa.

Mẹ tôi đã ở viện gần một tháng, vài ngày nữa là mẹ được về nhà. Tôi vui mừng, cả nhà tôi đều vui mừng, ba tôi chạy xe đến chùa, nơi hài cốt anh hai được gửi gắm. Chắc có lẽ ba muốn báo tin cho anh hai là mẹ sắp được trở về cùng với anh em chúng tôi. Chiều hôm đó, tôi chờ mà không thấy ba về. Trời càng khuya, tôi càng suốt ruột, tôi bồn chồn lo lắng, đứng ngồi không yên.

Tôi có linh cảm chẳng lành xảy ra với ba, ba nói sẽ về nhà để chở tôi lên mẹ mà. Những điều lo lắng đã xảy ra, ba tôi đã gặp tai nạn. Ba tôi được người ta đưa đến bệnh viện chiều hôm đó. Ba nằm bất tỉnh suốt hai ngày do vết thương ở đầu, khuôn mặt của ba càng xơ xác, xanh xao. Tôi chỉ biết khóc, sao gia đình tôi lại bất hạnh như thế.

Trong thời gian ba nằm viện, mẹ tôi nhiều lần nhắc đến ba, mắt tôi ứa lệ, hít một hơi thật sâu, cố nuốt những giọt nước mắt sắp trào ra. Tôi cố mỉm cười, lấy tay gãi đầu để giấu đi đôi mắt ửng đỏ mà đáp lại mẹ: “Mấy ngày nay, ba làm đêm nên không thể vào với mẹ được”.

Những năm sau đó, gần đến Tết là bệnh của mẹ lại tái phát, gia đình tôi không bao giờ được niềm vui trọn vẹn. Tôi không dám nhắc đến hình ảnh của anh hai trước ba mẹ mặc dù tôi rất nhớ anh hai. Tôi cố giữ hình ảnh anh trong tâm trí để rồi nhiều đêm nằm khóc một mình vì nhớ thương anh.

Tôi dằn dặt khi nhớ về những lần tôi gian lận với anh hai. Tôi hối hận vì làm ba mẹ mắng anh hai khi tỵ nạnh anh giăng mùng. Tôi oán hận mình vì đã không ở nhà khi anh chưa khỏi bệnh. Từ ngày ấy tôi phải ngủ một mình, tôi không còn được chui đầu vào chăn của anh mỗi khi đêm tối trời mưa.

Hoàn cảnh nghèo khó đã khiến anh hai tôi phải bỏ học đi làm, công việc nặng nhọc đã làm anh hai gục ngã. Nỗi lo lắng sợ hãi là gánh nặng của gia đình đã khiến anh hai phải quyết định ra đi mãi mãi khi ở tuổi 24. Tôi may mắn được học nên tôi phải cố gắng, tôi tự nhủ mình phải thay anh hai giúp đỡ ba mẹ, tôi đã miệt mài học. Đến khi tốt nghiệp lớp 12, tôi xin làm việc tại một khách sạn. Trong năm đó, tôi thi đỗ đại học. Sáng tôi đến trường, tối đến tôi làm phụ bếp ở nhà hàng. Sau 4 năm học đại học, tôi tốt nghiệp và được nhận vào một ngân hàng.

Ngày hôm nay, thời gian đã đáp lại mơ ước của tôi. Cha mẹ tôi đã mỉm cười trở lại, gia đình tôi đã có thể sum họp quây quần bên nhau mỗi khi xuân về. Nhìn thấy các thành viên trong gia đình mình hạnh phúc, tôi không còn dằn vặt với bản thân về cái chết của anh hai. Giờ đây, trong tôi chỉ còn những ký ức đẹp của anh hiện về mỗi khi cả nhà đoàn tụ.

Nguyễn Trúc Hiền

Thể lệ cuộc thi viết ‘Cú sốc đầu đời’

– Bài viết dài không quá 2.000 từ. Không hạn chế số lượng bài dự thi của một người. Độ tuổi tham dự 16-35.

– Người dự thi cam kết và hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản quyền bài dự thi của mình.

– Bài dự thi phải là tác phẩm chưa công bố trên các báo, tạp chí. VnExpress.net Ione.net được quyền biên tập các bài dự thi.

– Người dự thi gửi kèm theo bài dự thi thông tin cá nhân, bao gồm: tên, năm sinh, số chứng minh thư, địa chỉ và số điện thoại liên hệ. Những thông tin này được Ban tổ chức bảo mật.

– Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi gửi kèm ảnh của tác giả đó kèm theo bài viết.

Chương trình do VnExpress.net, Ione.netCao đẳng Thực hành FPT phối hợp tổ chức. Thời gian nhận bài từ 15/8-15/11.

Đăng Kí học Fpoly 2023

Bình Luận