Đang say giấc nồng, bỗng thấy người mình bị lay mạnh khác hẳn người nhà kêu mọi hôm. Vừa xoe tròn đôi mắt, hai sắc phục xanh ngắt đã đập thẳng vào mắt. Tiếp theo là một giọng nghiêm nghị vang lên “dậy mặc quần áo, rồi theo chúng tôi”.
Đã sáu năm trôi qua kể từ lần đó, nhưng giờ nhớ lại tôi vẫn không khỏi rùng mình. Năm đó tôi mới 17, cái tuổi còn nhiều bồng bột và lắm bốc đồng.
Tối đó cũng như bao tối mùa hè khác ở quê nhà, tức không phải ồn ào học thêm náo nức như học sinh bây giờ, chúng tôi nghỉ hè chỉ có hai việc: ngày đi làm và tối về ngồi tụ tập nhau tán dóc.
Tối định mệnh đó cũng vậy, chúng tôi ngồi uống café và tán dóc cho vui. Bàn chúng tôi có năm người, đang “xôm tụ” cười nói vui vẻ thì thấy bỗng “vèo” một cái ly café ném thẳng vào mặt T. bạn tôi, máu bắn tung tóe.
Đáng lẽ lúc ấy chúng tôi phải bỏ chạy và kêu cứu nhờ mọi người uống cafe ở quán ra giúp đỡ, đằng này vốn máu sĩ diện nổi lên, nên cả năm chúng tôi quơ đại trên bàn những gì có thể “chiến” được lao sang bàn bên quyết chiến. Cả hai nhóm xông vào nhau đánh lộn tứ lung tung.
Sau phần vì bên kia yếu sức, phần vì chúng tôi quá “hăng tiết vịt” nên nhóm thanh niên kia bỏ chạy. Nhưng một người trong nhóm đó bị Q. chụp được áo, lôi lại. Tức vì mình tự dưng bị ném cái ly vào trán đau điếng, nên T. được cơ hội trút giận. Cả T. và Q. thay nhau cầm chai nước ngọt vụt lấy vụt để.
Bỗng người kia trợn ngược mắt giật giật, anh chủ quán hốt hoảng chạy ra la lớn “nhét dép vào mồm nó, không nó cắn đứt lưỡi đấy”. Nghe thế cả nhóm chúng tôi hết hồn vứt hết hung khí bỏ chạy về nhà. Về nhà không đứa nào nghĩ đến chuyện xấu gì sẽ xảy ra nên cả nhóm cứ thế ai về nhà nấy ngủ.
Sáng ngủ dậy, trời vẫn trong xanh như mọi ngày, tôi lại vác cuốc đi làm nên cũng chả có thời gian gặp mấy đứa kia, không biết tí thông tin gì. Trưa về ăn cơm xong, tôi leo tót lên giường nằm nghỉ trưa. Mùa hè đi cùng những cơn nắng nóng nhưng đã ngủ là dễ say.
Đang say giấc nồng, bỗng thấy người mình bị lay mạnh khác hẳn người nhà kêu mọi hôm. Vừa xoe tròn đôi mắt, hai sắc phục xanh ngắt đã đập thẳng vào mắt. Tiếp theo là một giọng nghiêm nghị vang lên “dậy mặc quần áo, rồi theo chúng tôi”. Biết là chuyện này chắc chắn dính đến chuyện tối qua nên tôi chỉ hơi thắc mắc mấy thằng kia có bị bắt như mình không nhỉ?
Leo lên xe tôi cúi gằm mặt vì biết nếu ngước lên sẽ bắt gặp ánh mắt của cha, ánh mắt bàng hoàng và xót xa không nhìn nhưng tôi cũng có thể tưởng tượng ra. Ra tới đồn, tôi đã nhìn thấy bốn bạn tôi ngồi đó từ bao giờ. Chúng tôi bị tách ra năm phòng riêng biệt, mỗi người bị một điều tra viên lấy lời khai.
Hướng điều tra chủ yếu muốn làm ra ai là người đã ra tay khiến P., người thanh niên bị T. và Q. đánh ngất. Lúc đầu chúng tôi cũng không muốn “phản bạn” nên tôi cũng không chịu khai ra, chỉ nói do bận đuổi theo nhóm kia nên không biết ai đánh. Nhưng bằng nghiệp vụ nên chẳng quá hai tiếng tôi đành phải khai ra sự thật.
Đi xác minh và đối chứng với bốn bản khai kia nên tôi và đứa nữa được gọi điện về nhà kêu người nhà ra bảo lãnh cho về, riêng T. và Q. ở lại. Tất nhiên những ngày sau chúng tôi liên tục bị gọi ra thẩm cung. Lúc đó chúng tôi mới biết người kia bị chấn thương vùng đầu, tỷ lệ thương tật là 31%, trong khi trên 11% là đã bị truy tố hình sự rồi, nói nôm na là đi tù.
Mấy ngày đó là những ngày có lẽ dài nhất đời tôi cho đến lúc này. Gia đình trì triết về thói mất dạy, vô công rồi nghề, ăn rồi không có việc gì làm, đi đánh nhau. Cha tôi còn bảo “phen này bọn mày đi tù cho sáng mắt ra”. Cứ tưởng tượng đến cảnh phải mặc lên người bộ đồ tù là tôi đủ bủn rủn chân tay rồi, chưa nói gì đến những chuyện xảy ra trong tù mà mấy đứa bạn thường kể.
Tương lai sẽ ra sao nếu đi tù, đầu tiên là dang dở con đường học hành, rồi cầm bản lý lịch đó thì đừng nói xin việc, đến tán gái cũng khó, thanh niên mà, ai chẳng lo cho con đường tình bên cạnh đường đời. Nhưng điều tôi sợ nhất trong những ngày đó là mỗi lúc gặp mẹ T. hay bố Q, không chửi tôi lên bờ xuống ruộng thì cũng giơ tay đấm vào ngực mình thình thịch, vừa đấm vừa gào “sao mày không giết tao đi, mày hại con tao làm gì”, mỗi lúc nghe thế là tôi chuồn thẳng.
Hai thằng bạn tôi cũng chả khá gì hơn, cứ qua một ngày không gặp là ngày hôm sau nhìn hốc hác hơn hẳn. Bọn nó kể tôi nghe đủ thứ chuyện, từ chuyện trách móc, chửi bới của gia đình cho đến sự kỳ thị của hàng xóm, đến những cơn ác mộng mỗi lúc đêm về.
Lúc này chỉ có ba thằng để trút tâm sự cùng nhau. Thằng nào cũng tự hỏi hai thằng kia không biết giờ ra sao, ở trong trại có bị đánh không, có buồn không? Chơi với nhau từ bé, giờ bạn bè như thế ai lại chẳng mủi lòng.
Rồi thời gian tạm giam để phục vụ điều tra cũng trôi qua, tức hai tháng sau kể từ đêm ấy, chúng tôi bị triệu tập lên tỉnh dự phiên tòa xét xử. Đó là lần đầu tôi lên tỉnh nhưng lên kiểu này thì tôi thà suốt đời ở quê còn hơn. Ngày tòa xử lại đúng ngày khai giảng năm học mới nên thay bằng mặc áo trắng chạy tung tăng như lũ bạn thì tôi lại cặm cụi ra tòa.
Nhìn hai thằng bạn thân sau hai tháng không gặp, ba đứa tôi không khỏi xót xa. Mẹ thằng Q. bật khóc khi nhìn con nước da trắng tái như người chết đuối. Sau phần khai mạc phiên tòa thì cũng đến trình tự như bao phiên tòa khác, khi hết quan tòa rồi đến bên viện kiểm soát đứng lên đọc cáo trạng rồi kiến nghị, cuối cùng T. bị tuyên án hai năm tù giam, Q. ba năm cùng một tội đánh người gây thương tích.
Riêng ba đứa tôi chỉ bị chuyển về công an địa phương xử phạt hành chính về tội gây rối trật tự. May cho ba đứa tôi nhưng quá thương cho hai đứa bạn, nhìn dáng hai đứa lom khom lên xe đặc chủng nước mắt tôi lại lăn từ khi nào.
Từ ngày đó, tôi quay về với cuộc sống ngày thường nhưng hai tiếng “côn đồ” vẫn đi theo tôi cho đến ngày đi học đại học. Một tháng hai lần, ba đứa tôi lại lên trại giam thăm hai đứa bạn. Nhìn ánh mắt xa xăm hướng về nơi vô định, tôi biết bạn tôi đang muốn kiếm một chút gì đã qua trong hối tiếc.
Mỗi lần lên thăm bạn về hay lúc ngồi nghĩ lại bài học đầu đời, tôi lại học được bài học về sự kiềm chế. Giờ đi làm rồi, môi trường cạnh tranh lắm va chạm nhưng tôi đều cố gắng kiềm chế hết mức có thể. Vì tôi biết có thể một phút thiếu suy nghĩ sẽ khiến tôi trả giá đắt. Mà khi trả giá rồi, cơ hội quay lại chỉ bắt đầu bằng hai chữ “làm lại” mà thôi.
Ngọc Sơn
Thể lệ cuộc thi viết ‘Cú sốc đầu đời’
– Bài viết dài không quá 2.000 từ. Không hạn chế số lượng bài dự thi của một người. Độ tuổi tham dự 16-35.
– Người dự thi cam kết và hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản quyền bài dự thi của mình.
– Bài dự thi phải là tác phẩm chưa công bố trên các báo, tạp chí. VnExpress.net và Ione.net được quyền biên tập các bài dự thi.
– Người dự thi gửi kèm theo bài dự thi thông tin cá nhân, bao gồm: tên, năm sinh, số chứng minh thư, địa chỉ và số điện thoại liên hệ. Những thông tin này được Ban tổ chức bảo mật.
– Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi gửi kèm ảnh của tác giả đó kèm theo bài viết.
Chương trình do VnExpress.net, Ione.net và Cao đẳng Thực hành FPT phối hợp tổ chức. Thời gian nhận bài từ 15/8-15/11.