Cái chết của bạn thân giúp tôi cai dần rượu bia

8:10 09/09/2011

Sau cái chết của Huy, có lẽ tôi sẽ dần trở thành nạn nhân tiếp theo nếu như không nhận ra được tác hại từ thói quen rượu chè say xỉn của mình. Giờ đây, tôi không còn hứng thú với những buổi tiệc tùng vô bổ và từ chối những cuộc vui “tăng hai, tăng ba”.

Có lẽ tôi là một người khá may mắn khi được gia đình lo cho ăn học đến nơi đến chốn, 12 năm học các cấp và hơn 4 năm đại học. Thú thật lúc đăng ký thi tuyển sinh đại học, tôi vẫn chưa xác định được mình thực sự phù hợp với ngành nào. Anh tôi bảo tôi nên chọn ngành xây dựng vì bạn của anh làm ngành này rất mau giàu. Tôi đã nghe lời anh và xem như là cái duyên mà “nghề đã chọn người”.

Rồi tôi cũng ra trường và xin vào làm trong một công ty xây dựng với vai trò nhân viên kiểm tra chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng, còn đám bạn chung lớp đại học của tôi hầu hết cũng tìm được việc làm. Đứa thì theo nghề giám sát, thi công, lội mưa lội nắng, số khác vào công ty tư vấn thiết kế, suốt ngày làm việc với bản vẽ trong phòng máy tính. Quả thật học thì như nhau nhưng ra trường mỗi người mỗi hướng, ai cũng đang cố gắng tìm cho mình một tương lai tốt đẹp.

Mới đi làm hơn 8 tháng, tôi đã bàng hoàng khi nhận được tin thằng Huy, đứa bạn thân hồi còn học chung lớp đại học đã mất trong một vụ tai nạn giao thông. Qua một người bạn khác tôi được biết thêm, hôm đó khoảng 8h tối, Huy đang trên đường đi làm về nhưng trong người còn đầy hơi men, chiếc xe của Huy phóng nhanh và đâm thẳng vào lan can cầu. Người ta phát hiện đưa đi cấp cứu, 2 giờ sáng hôm sau Huy vĩnh viễn ra đi do chấn thương sọ não. Tôi đã rợn người khi nghe từng chi tiết được kể lại và buổi tối hôm đó tôi đã vài lần giật mình trong giấc ngủ vì cái tin hãi hùng vừa biết được.

Tôi và một số người bạn đã có mặt trong ngày đưa tang Huy, cho đến lúc về tôi vẫn không sao quên được cảnh tượng ba mẹ Huy, tay cầm di ảnh của con mà như người mất hồn. Còn em của Huy với đôi mắt dường như không thể sưng hơn được nữa vì khóc thương người anh trai đoản mệnh. Tôi thấy thương cảm cho gia đình Huy trong lúc này, trong nhà Huy là con trai cả và là người anh giỏi giang của đứa em gái chưa học hết phổ thông. Huy đi theo ngành xây dựng này cũng vì muốn nối nghiệp ba.

Nhưng lúc vừa tốt nghiệp ra trường, Huy nhất quyết không chịu làm trong công ty gần nhà mà ba Huy quen biết giới thiệu, Huy luôn muốn tự mình tìm được việc và sống với chính những đồng tiền đầu tiên kiếm được. Khát vọng bắt đầu một cuộc sống tự lập đang tràn đầy trong Huy, cũng như tôi và bao thanh niên khác, nhưng giờ đây tất cả đã chấm dứt với Huy, chỉ còn lại sự tiếc thương khôn nguôi cho người thân và bạn bè.

Tin Huy mất thật sự là một cú sốc đối với tôi trong những năm tháng đầu tiên đi làm kiếm sống. Huy đã đột ngột ra đi sau một tai nạn giao thông, nhưng nguyên nhân chính của tai nạn này là do Huy đã uống rượu say và không còn làm chủ được tốc độ trên đường về. Đây có lẽ là một thực trạng đau lòng trong đời sống xã hội mà hàng ngày hàng giờ chúng ta đều phải chứng kiến. Mỗi ngày có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra, nhiều người đã tự đánh mất sự sống của chính mình hay trở thành tàn phế suốt đời cũng chỉ vì những phút lâng lâng cùng hơi men. Nhưng thật sự tôi không thể tin được tai nạn này lại đến với Huy.

Nhớ lại lúc còn là sinh viên, tôi, Huy và bốn người bạn nữa lập thành một nhóm khá thân thiết. Những khi rảnh rỗi mấy đứa tôi thường hay rủ nhau tập tành “lai rai” để sau này còn “làm việc” nhưng chưa lần nào quá chén. Bấy lâu nay bọn tôi vẫn nghe nhiều người phán rằng: “Làm cái nghề xây dựng này mà không biết nhậu thì không làm được việc đâu”. Câu nói đó cứ như là một chân lý mà trong lớp đứa nào cũng thừa nhận. Rồi bọn tôi lại tận mắt thấy những bậc tiền bối đi trước sáng đi làm, chiều vào quán chén chú chén anh say mèm mà có khi đến tận sáng hôm sau mới về đến nhà.

Nhưng Huy không phải là người thích uống rượu, càng không phải là người có tửu lượng cao, vậy mà bước vào môi trường làm việc thật sự thì mọi chuyện đã đổi khác. Từ khi nhận việc bên khâu giám sát thi công, cứ hết giờ làm là Huy lại phải đi giao lưu với các bên có liên quan đến công trình hay dự án đầu tư xây dựng. Việc gặp gỡ sặc mùi rượu bia đó diễn ra hầu như hằng ngày đối với Huy, có những hôm đến tận 2 giờ sáng Huy mới về đến phòng trọ. Và cũng trong một lần như vậy, Huy đã đánh mất sự sống của chính mình.

Chợt nhìn lại bản thân, trước đây tôi chưa từng nghĩ mình nhậu nhẹt nhiều như bây giờ. Từ nhỏ đến lớn ba má rất lo lắng cho tôi, không để tôi vướng vào rượu chè, cờ bạc hay thuốc lá. Khi tôi bắt đầu đi làm, mỗi lần về quê, ba má cứ khuyên mãi: “Con có đi uống rượu bia thì uống chút cho vui thôi, đừng uống nhiều quá sau này ảnh hưởng sức khỏe, với lại say xỉn mà lái xe thì nguy hiểm lắm”. Mỗi lần nghe ba má khuyên, tôi chỉ biết gật gật để ba má yên tâm.

Nhưng vào làm việc được một thời gian, tôi nhận ra mình đã quen với cái chất “cay cay, say say” lúc nào không hay biết. Bước vào môi trường công việc, nào là chuyện “xã giao”, “ra mắt” ban đầu rồi đến lúc được nhận vào làm chính thức, được tăng lương thì cũng phải chi vài chầu để gọi là biết ơn; lại còn có chuyện “thứ bảy – máu chảy về tim”; chưa kể đến các dịp lễ, tết, đám cưới, tân gia, tân xe, tân điện thoại, buồn cũng như vui, biết bao là lý do để “123 dzô”. Nhiều khi sáng vào làm việc có người vẫn còn nồng nặc mùi rượu bia của buổi tối. Thiết nghĩ rằng đây là vấn đề đã tồn tại từ lâu trong môi trường làm việc, không chỉ riêng một ngành nghề hay lĩnh vực nào.

Có lẽ tôi sẽ dần trở thành nạn nhân tiếp theo nếu như không nhận ra được tác hại từ thói quen rượu chè say xỉn của mình. Sự ra đi vội vàng của một người bạn thân khi mới bước vào ngưỡng cửa cuộc đời đã làm tôi thức tỉnh và cho tôi một cơ hội để thay đổi suy nghĩ và cách sống hiện tại. Tôi nhận ra rằng cuộc sống này thật mong manh và sẽ chẳng còn lại gì khi mà chính bản thân mình cũng không còn tồn tại. Tôi trân trọng hơn từng phút giây quý báu mà cuộc đời vốn đã ban tặng cho mỗi con người.

Giờ đây, tôi không còn hứng thú với những buổi tiệc tùng vô bổ và từ chối những cuộc vui “tăng hai, tăng ba”. Với tôi, rượu bia không chấm dứt nhưng đã có chừng mực và giữ gìn sức khỏe là điều quan trọng. Tôi đã chú tâm hơn vào công việc hiện tại và cố gắng làm thật tốt dù cho đó là một việc nhỏ nhặt. Tôi dành nhiều thời gian và tình yêu thương để quan tâm, trò chuyện với những người thân xung quanh mình. Có lần bắt gặp một nhóm sinh viên đang ngồi trong quán cụng ly như mình ngày trước, tôi đã nói vui với các bạn ấy rằng “làm hết sức, chơi hết mình” nhưng cũng phải biết “vui có chừng và dừng đúng lúc”.

Nguyễn Quốc Cường

Thể lệ cuộc thi viết ‘Cú sốc đầu đời’

– Bài viết dài không quá 2.000 từ. Không hạn chế số lượng bài dự thi của một người. Độ tuổi tham dự 16-35.

– Người dự thi cam kết và hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản quyền bài dự thi của mình.

– Bài dự thi phải là tác phẩm chưa công bố trên các báo, tạp chí. VnExpress.net Ione.net được quyền biên tập các bài dự thi.

– Người dự thi gửi kèm theo bài dự thi thông tin cá nhân, bao gồm: tên, năm sinh, số chứng minh thư, địa chỉ và số điện thoại liên hệ. Những thông tin này được Ban tổ chức bảo mật.

– Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi gửi kèm ảnh của tác giả đó kèm theo bài viết.

Chương trình do VnExpress.net, Ione.netCao đẳng Thực hành FPT phối hợp tổ chức. Thời gian nhận bài từ 15/8-15/11.

Đăng Kí học Fpoly 2023

Bình Luận