Mặt bác sĩ buồn buồn nói: “Cháu bị ung thư buồng trứng”. Tôi sốc trước câu trả lời của bác sĩ, toàn thân tôi lạnh toát, mặt tái ngắt, ngã khụy xuống nền nhà. Có lẽ cuộc sống của tôi quá nhiều điều tốt đẹp nên giờ đây, khi chịu đựng một sự mất mát lớn như vậy, tôi khó có thể thích nghi ngay được.
Sống trong sự yêu thương, đùm bọc của gia đình từ bé, tôi chưa một lần biết sốc trước một tin buồn gì. Chỉ vài ba chuyện điểm kém trong quá trình học hành thì không thể coi là sốc được. Hơn nữa ông bà, bố mẹ nội ngoại đều khỏe mạnh, quan tâm săn sóc nên tôi thấy cuộc sống của mình thật tươi đẹp và hạnh phúc.
Mười tám đôi mươi, vốn giàu tình cảm với con nít, tôi theo đuổi ước mơ cô giáo mầm non và ước mơ đó đã trở thành hiện thực mà không có một vấp ngã gì. Tôi yêu trẻ con, yêu cái nét ngộ nghĩnh, ngây thơ, thật thà của chúng. Mỗi ngày đến lớp với tôi có chút bận rộn và vất vả nhưng đó là niềm vui lớn nhất của tôi. Nhìn thấy chúng từ xa là tôi đã chạy ra cổng bồng bế từng đứa vào lớp. Đứa nào cũng líu lô kể chuyện sáng nay mẹ cho ăn gì, mẹ mặc cho áo đẹp, giầy đẹp, tôi thấy vui lắm.
Một buổi sáng chớm đông, se se lạnh, bé Ngọc Anh bình thường bố đưa đi học, hôm nay thấy một người lạ mặt đưa đến, tôi thoáng có chút bất ngờ thì anh ta lên tiếng: “Tôi là cậu của bé Ngọc Anh, bố mẹ cháu đi công tác”. Hơi bối rối với cái nhìn thẳng vào mắt người đối diện của anh ta, đón bé Ngọc Anh tôi lí nhí nói: “Cảm ơn anh”.
Bé vẫy tay chào: “Con chào cậu, chiều cậu đón con sớm nhé? À mà cậu thấy con nói đúng không?” Ngạc nhiên đôi chút, tôi thấy hai cậu cháu nháy mắt với nhau, ra hiệu bí mật. Tự nhiên tôi thấy nóng hết cả mặt, vội bế bé vào lớp. Bé lại líu lô kể chuyện: “Cậu con đẹp trai không cô? Cậu con bảo sẽ lấy cô làm vợ đấy.”
Tôi choáng bởi lời nói của con nít, lườm yêu nó một cái, tôi gặng hỏi: “ Con hư quá, ai bảo con nói vậy?”. Bé đáp trả: “Cậu nói vậy mà, cậu thích cô mà, cậu nói con yêu cô, nên cậu cũng yêu cô.” Anh ta đúng là lẻo mép lừa trẻ con, tôi lảng sang chuyện khác: “Sáng nay con ăn gì chưa”.
Biết là cậu của bé chỉ nói giỡn mà cả ngày hôm đó tôi như người mộng du, cứ nghĩ mãi về cậu của bé Ngọc Anh. Kể cũng lạ, tôi có phải là không có ai theo đuổi đâu mà sao cứ phải hồi hộp chờ đợi anh ta về đón cháu để gặp lại, mắng cho một trận là sao lại nói linh tinh với trẻ con. Thật là ngớ ngẩn!
Nhưng đến chiều, anh ta đến thì tôi chỉ dám nói vài câu như ngày thường vẫn nói: “Hôm nay cháu ngoan, ăn uống, ngủ nghỉ đầy đủ.” Anh lại nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: “Cảm ơn cô giáo, bố mẹ cháu đi công tác nửa tháng, nên tôi đưa đón cháu, cô vui lòng cho tôi số điện thoại để có việc gì tôi tiện liên lạc”. Một cách xin số hợp pháp và hợp lý khiến tôi không thể từ chối.
Vậy là từ ngày đó chúng tôi quen nhau, anh là kỹ sư điện, làm ở sở điện lực, tình yêu của chúng tôi nảy nở nhờ bé Ngọc Anh. Sau này yêu nhau, anh mới kể là ngày nào cháu cũng kể chuyện về tôi, nên anh thầm thương một cô giáo mà anh chưa biết mặt. Cháu lúc nào cũng nói về cô giáo bằng những ngôn từ rất dễ thương khiến cậu cũng cảm thấy thích thú.
Ngoài ra, bố mẹ bé cũng khen ngợi tôi nhiều nên anh quyết tâm lên kế hoạch chinh phục tôi bằng cách đưa Ngọc Anh đi học và nói dối bố mẹ bé đi công tác. Tôi thường đùa anh là “cao thủ tình trường”. Chúng tôi yêu nhau, giận hờn thì ít mà yêu thương thì nhiều.
Sau hai năm tìm hiểu, cả hai gia đình thống nhất cho chúng tôi đến với nhau bằng một đám cưới linh đình đặt sẵn vì anh là trưởng tộc của một dòng họ. Ngày đám hỏi đã ấn định, ngày chụp ảnh làm album cũng đã lên kế hoạch, thiệp mời cũng đã đặt in. Hai gia đình đi lại rất thân mật, hòa hợp.
Gần đến ngày đám hỏi, đêm đó trăng sáng lắm, tựa đầu vào vai anh, anh nhẹ nhàng hỏi nhỏ: “Em à, sau này, em thích sinh mấy đứa”. Tôi đùa rằng: “Sinh đủ một đội bóng chuyền”. Tưởng anh giật mình vì nhiều quá thì anh lại cười bảo: “Thế thôi à, anh thích sinh một đủ một đội bóng đá cơ”. Tôi nhăn mặt: “Eo ôi, anh tham thật đấy”.
Đang đùa nhau như vậy thì bỗng nhiên tôi đau bụng quằn quoại phải đưa đi cấp cứu, đó đúng là đêm định mệnh. Lên bệnh viện tỉnh, bác sĩ lại chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Lúc này, tôi thấy rõ mình đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết, tôi mơ màng không còn biết gì xung quanh, chỉ nghĩ đến ngày mình được khoác trên mình bộ váy cưới trắng tinh, sẽ hãnh diện, sẽ hạnh phúc biết bao.
Rồi cứ thế tôi thiếp đi, mê man bất tỉnh hơn 2 ngày. Khi tỉnh dậy, anh gục mặt ngồi đó, bố mẹ cũng thẫn thờ ngồi bên. Tôi không biết điều gì đã xảy ra với mình mà toàn thân ê ẩm không ngồi được dậy. Không ai nói cho tôi biết, tôi bị làm sao. Ngước nhìn anh, mắt anh đỏ hoe nắm lấy bàn tay tôi lặng lẽ. Bố mẹ gượng cười nhạt nhẽo: “Không sao cả, con nghỉ ngơi đi cho khỏe, chỉ là mổ ruột thừa thôi”.
Tôi nhẹ dạ tin ngay, yên tâm ăn uống, nghỉ ngơi. Phải đến một tuần sau, tôi đi dạo vòng quanh khu hành lang bệnh viện, mới nhìn thấy là mình đang ở trong khoa sản. Thoáng chút bàng hoàng, tôi đi ngay đến gặp bác sĩ điều trị, ông nói rằng: “Tôi tưởng gia đình đã thông báo cho cháu rồi chứ”. Mặt bác sĩ buồn buồn nói: “Cháu bị ung thư buồng trứng”.
Tôi sốc trước câu trả lời của bác sĩ, toàn thân tôi lạnh toát, mặt tái ngắt, ngã khụy xuống nền nhà. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trong phòng cấp cứu truyền nước. Có lẽ cuộc sống của tôi quá nhiều điều tốt đẹp nên giờ đây, khi chịu đựng một sự mất mát lớn như vậy, tôi khó có thể thích nghi ngay được.
Thấy anh thẫn thờ đi đi lại lại, tôi hiểu rằng, cái đám cưới mà tôi đang mơ kia sẽ không bao giờ thành hiện thực. Giờ đây, tất cả đã tiêu tan, tất cả đã chấm hết khi tôi mới đôi mươi. Tiếng bác sĩ vẫn văng vẳng bên tai: “May mà phát hiện sớm nên chỉ cắt buồng trứng đi, không phải truyền hóa chất, vẫn giữ được tính mạng”.
Đau đớn nào hơn khi sống mà biết mình không thể có con, mà anh lại là trưởng tộc của một dòng họ. Dằn vặt trong những suy nghĩ vẩn vơ, thấy anh bưng cháo đến định đút cho tôi, nhìn anh như một người tâm thần, rồi hét lên, hất đổ bát cháo xuống nền nhà, đuổi anh đi.
Tôi cũng không biết tại sao lúc đó lại làm thế, nhưng có lẽ tôi đang tìm lối để giải thoát cho anh. Anh không thể vì tôi mà quên đi trách nhiệm với dòng họ, với gia đình anh được. Nhìn anh cặm cụi nhặt những mảnh bát vỡ, thương anh vô cùng nhưng tôi chỉ biết khóc. Ôm tôi vào lòng vỗ về, anh dịu dàng thì thầm như khóc: “Anh không bỏ em đâu, em đừng như thế”.
Lúc này, tôi không thấy xót xa cho mình, mà chỉ thấy tội nghiệp cho anh. Làm sao tôi và anh có thể vượt qua được dư luận, vượt qua họ hàng nội ngoại nhà anh, vượt qua những đàm tiếu của người đời, vượt qua được mọi khó khăn chỉ bằng hai chữ “tình yêu”. Tất cả chỉ là lý thuyết mà thôi.
Ngày tôi xuất viện, gia đình anh cũng đến đông đủ, trước là đến thăm và mừng cho tôi được khỏe mạnh, sau họ nói khéo, xin lại cau hôm dạm ngõ và từ chối lễ ăn hỏi. Anh đang ngồi cùng tôi trong nhà, nghe thấy vậy, chạy ra khóc lóc van xin họ hàng, bố mẹ đừng làm vậy vì anh yêu tôi, vẫn muốn cưới tôi. Hai bên đầu tiên nói chuyện ngọt nhạt, sau thì lời qua tiếng lại thành to tiếng.
Tôi sợ quá, chạy ù ra đường như trốn chạy tất cả, anh đuổi theo ôm tôi lại vì nghĩ tôi sẽ làm chuyện dại dột. Nhưng không, tôi chỉ muốn yên tĩnh một mình. Sau ngày hôm đó, không có đám hỏi, đám cưới gì nữa. Tôi biết gia đình anh làm vậy là đúng, làm sao họ chấp nhận một dâu trưởng mà lại không thể sinh được con như tôi.
Họ cũng có nỗi khổ của họ, anh thì vẫn cứ lui tới nhà tôi, vẫn quan tâm, săn sóc, nhưng tôi không thể vô tâm mà đón nhận như vậy mãi được. Tôi kiên quyết nói chia tay, tôi biết cuộc đời vẫn còn dài, và mình vẫn phải sống, hơn nữa phải sống thật tốt, sống vì mình, vì gia đình mình, vì xã hội và vì những đứa trẻ trong lớp mẫu giáo của tôi nữa. Tôi khuyên anh nên sống vì gia đình và hãy quên tôi đi.
Trong cuộc sống, tình yêu không thể là tất cả được, có lẽ áp lực quá lớn, anh đã bỏ đi. Anh bỏ vào Nam với lá thư để lại cho cả hai gia đình là khi nào đồng ý cho chúng tôi lấy nhau thì anh trở về. Tôi để cho anh đi, vì tôi nghĩ rằng sẽ có một bờ vai xoa dịu nỗi đau của anh thôi. Còn tôi, tôi vẫn có những đứa con ở lớp mẫu giáo, những đứa trẻ ngoan ngoãn, thông minh, tinh nghịch, chúng là những đứa con mà tôi yêu quý nhất.
Ba năm đã trôi qua, ngày kinh hoàng đó đã trôi vào quá khứ mặc dù nỗi đau âm ỉ vẫn còn đó. Lần lượt chứng kiến từng đứa bạn đồng trang lứa lên xe hoa, rồi chúng mang bầu, sinh con, cảm giác đó không bao giờ tôi có được. Thế nên đến mừng cho bạn mà lòng có chút man mác buồn cho mình.
Tuy vậy, ngày nào tôi cũng dành hết thời gian cũng như tình cảm cho những đứa trẻ trong lớp học của tôi. Chưa một lần làm mẹ, nhưng tôi yêu thương chúng như chính mình đã sinh ra chúng. Cho nên theo tôi nghĩ, đau khổ do mình tạo ra, niềm vui cũng do mình tạo ra. Quan trọng là mình biết lấy niềm vui để lấp đầy nỗi đau, biết vượt qua nó như thế nào là tốt, là có ý nghĩa, là có ích mà thôi. Giờ tôi vẫn luôn tự hào vì mình có rất nhiều con.
Lê Thị Ngà
Thể lệ cuộc thi viết ‘Cú sốc đầu đời’
– Bài viết dài không quá 2.000 từ. Không hạn chế số lượng bài dự thi của một người. Độ tuổi tham dự 16-35.
– Người dự thi cam kết và hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản quyền bài dự thi của mình.
– Bài dự thi phải là tác phẩm chưa công bố trên các báo, tạp chí. VnExpress.net và Ione.net được quyền biên tập các bài dự thi.
– Người dự thi gửi kèm theo bài dự thi thông tin cá nhân, bao gồm: tên, năm sinh, số chứng minh thư, địa chỉ và số điện thoại liên hệ. Những thông tin này được Ban tổ chức bảo mật.
– Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi gửi kèm ảnh của tác giả đó kèm theo bài viết.
Chương trình do VnExpress.net, Ione.net và Cao đẳng Thực hành FPT phối hợp tổ chức. Thời gian nhận bài từ 15/8-15/11.