Gia đình phá sản khiến tôi trưởng thành hơn

23:38 24/08/2011

Không một giây phút nào tôi cho phép mình quên đi hình ảnh mẹ cầu xin người ta khất nợ. Trong cả những giấc ngủ tôi vẫn nhớ về ngôi nhà trống trải, hình ảnh bố ngồi buồn một mình, tuổi xế chiều không ai chăm sóc vì mẹ phải lo làm ăn xa trả nợ, các con mải chuyện học hành.

21 tuổi, tôi còn quá trẻ để nói về cuộc đời và những ngã rẽ, nhưng để có thể ngồi gõ lên dòng chữ về những gì đã trải qua, với tôi đó cũng là một chặng đường dài đáng nhớ trong cuộc đời mình.

Tôi không sinh ra trong một gia đình mẫu mực theo kiểu bố mẹ là trí thức hay là công chức nhà nước, bố mẹ tôi làm kinh doanh, vì thế gia đình tôi khá giả, rất khá giả là đằng khác. Nơi tôi sống là một miền quê, ngay cái thời bạn bè tôi buổi đi học, buổi chăn trâu, đi học hay đi làm chỉ độc một bộ đồ, thì tôi lúc nào cũng chỉn chu, phẳng phiu từng nếp gấp. Tôi không phải làm gì ngoài trừ việc đi học, và cũng vì là con út nên tôi được cưng chiều hết mực.

Thời đó, trong khi đám bạn chẳng no lòng khi đến lớp thì mỗi sáng đều đặn tôi được uống sữa Milo đi học và luôn có tiền tiêu vặt trong túi. Nói chung, so với tụi bạn, tôi như con nhà quý tộc, thuộc về một đẳng cấp và thế giới khác. Tuổi thơ tôi êm đềm trôi qua trong nhung lụa và sung sướng, tôi không phải mó tay, động chân vào bất cứ chuyện gì.

Lớn thêm chút nữa, nhà có nhiều người làm, vì vậy mẹ phải thuê người nấu ăn thế nên dù có trở thành nữ sinh cấp 3 tôi cũng chẳng phải mó tay vào việc nấu nướng. Cuộc đời tôi bình lặng trôi đi, tôi học khá và được ưu ái nhất nhà. Ngay khi tôi vào cấp 3 mẹ đã hòm hòm chuẩn bị sẵn cho tôi một tài khoản tiết kiệm để tôi có thể học hết 4 năm đại học. Thậm chí mẹ còn tính xa hơn là muốn tôi có thể du học.

Tôi cũng khá yên tâm về tương lai mình, chẳng có gì để tôi phải lo lắng khi mà sức học tôi khá, tài chính đã sẵn. Vì vậy khi bạn bè gấp rút chuẩn bị ôn thi đại học thì tôi vẫn thoải mái đi học vẽ, vì tôi thích vẽ. Học vì vui chứ chẳng để làm gì cả, và mẹ không bao giờ càu nhàu hay hỏi han cấm đoán tôi điều gì, miễn tôi thích thì mẹ sẽ cho đi học.

Vậy là thay vì tập trung cho ôn luyện đại học, tôi sống một cuộc đời lãng tử theo kiểu học vừa sức, chơi thoải mái, cứ cuối tuần tôi cùng một nhóm khóa dưới thơ thẩn khắp nơi từ leo đồi, đi thác, để vẽ vời và thư giãn. Mọi chuyện sẽ vẫn êm đềm và tốt đẹp như thế nếu không có những biến cố gia đình cuối năm tôi học lớp 12.

Chuyện làm ăn của mẹ tôi gặp khó khăn, khủng hoảng kinh tế năm 2008 ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Nhà tôi sơ chế gia công cho một mặt hàng xuất khẩu, người chủ quỵt tiền, rồi trốn nợ. Hàng làm ra không thể bán được, mẹ chạy vạy vay mượn khắp nơi để đầu tư làm lại, nhưng càng cố gỡ càng lún sâu, vậy là nhà tôi vỡ nợ.

Từ cảnh ấm êm, bố mẹ tôi vì hoàn cảnh đâm ra mâu thuẫn, cãi nhau như cơm bữa, nhà tôi chẳng có bữa ăn nào được yên ắng. Buồn cảnh nhà, tôi lao vào học để ôn thi đại học, tôi muốn kết quả của mình có thể an ủi được bố mẹ và cũng là kế thừa truyền thống bố mẹ mong muốn, cả anh chị tôi đều đang học đại học.

Gia đình phá sản, một bước ngoặt thay đổi cuộc đời tôi. Ảnh: ST.

Học nhiều, tôi trở nên ốm yếu, xanh xao và ngã bệnh, hay có lẽ rằng trước đó tôi đã quen với cuộc sống sung sướng nên không quen với những bữa cơm thiếu chất hơn trước. Tôi còn nhớ khi ấy, huyết áp tôi chỉ còn 72, để có tiền cho tôi tiêm thuốc mẹ thậm chí phải đi vay cả vàng.

Tôi đau đớn, suy sụp khi thấy mình trở thành gánh nặng cho mẹ, tôi đau ốm và vô dụng, trong khi hàng ngày mẹ phải quỳ lạy khóc lóc van xin chủ nợ cho mẹ khất tiền thuốc thang cho tôi, tiền nợ, tiền lãi. Tiếng khóc lóc, tiếng chửi bới, tiếng van xin trộn lẫn vào nước mắt tôi, tôi chẳng hết bệnh, nhưng tôi vẫn học, học như điên để có thể đậu đại học.

Năm ấy tôi đậu đại học, nhưng rồi niềm vui ngắn chẳng tày gang. Sau ít ngày tôi nhận được giấy báo nhập học thì bố bị tai nạn giao thông. Nợ nần chồng chất, con cái ăn học, chồng nằm viện, mẹ tôi tưởng chừng như phát điên, mẹ gào lên thảm thiết giữa trời rồi gục lịm xuống đất khi hay tin bố bị tai nạn. Tối đó tôi và mẹ ôm nhau khóc, tờ giấy báo đỗ đại học với tôi lúc đó đã vô tình biến thành một gánh nặng và một sự đau khổ cho cả tôi và mẹ.

Tôi im lặng và gần như trở nên trầm cảm, chai lỳ, tôi cố quên đi giấc mơ về cánh cổng đại học, chăm sóc bố thay mẹ, quán xuyến công việc để mẹ đi làm lo cho cả nhà. Dù có là một đứa được sống nuông chiều và ích kỷ đến cỡ nào tôi vẫn hiểu rằng có thể từ bỏ tờ giấy báo đỗ đại học kia nhưng anh chị tôi và tôi không muốn họ bỏ dở công việc học hành.

Tôi không cho đó là một sự hy sinh nhưng khi rơi vào hoàn cảnh đó sẽ phải có một người biết cách rút lui, nếu không từ bỏ tôi làm được gì, không lẽ chỉ ích kỷ chạy theo giấc mơ đại học trên sự quá sức đau khổ của mẹ, của bố, của cả gia đình. Lần đầu tiên tôi nhận ra mình không còn là một đứa con út ích kỷ, chỉ biết hưởng thụ sự nuông chiều và chăm bẵm, tôi đã biết sống cho người khác và cho cả mình.

Tôi im lặng, suy nghĩ và rồi tôi nói chuyện với bố mẹ, rằng tôi từ bỏ chuyện học đại học, tôi sẽ ở nhà chăm sóc bố cho đến khi bố khỏe lại, có thể đi đứng bình thường, tôi sẽ làm thủ tục xuất khẩu lao động. Tôi sẽ làm ra tiền để mẹ trả nợ và giúp mẹ nuôi anh chị đi học.

Tôi còn nói nhiều lắm, tôi không nhớ, chỉ nhớ rằng mẹ đã khóc rất nhiều, tiếng khóc chứa đựng cả một sự đau đớn. Có lẽ mẹ không tưởng tượng nổi có một ngày đứa con gái bé bỏng “ăn chưa no lo chưa tới” phải oằn đôi vai nhỏ bé gánh vác nhiều đến vậy. Mẹ khóc cho một số phận trớ trêu, cả đời làm lụng vất vả tích cóp chỉ mong con công thành danh toại, giờ phải nhìn tôi bỏ học giữa chừng. Bố tôi thì im lặng nhưng mặt ông nặng trĩu, mắt ngân ngấn nước.

Rồi cô giáo cũ của tôi biết chuyện, ngày nào cô cũng đều đặn lên nhà tôi động viên, biết tôi khó khăn cô trò chuyện cùng những thầy cô khác, cứ vậy mỗi thầy cô gom góp tiền cho tôi đi học. Mẹ cũng vun vén động viên tôi không bỏ cuộc, tôi còn nhớ rõ như in lời mẹ nói: “Nước trôi tới đâu bèo trôi tới đó, mẹ lo được tới đâu con gắng tới đó, còn hơn bỏ cuộc giữa chừng. Con hãy đi học và phải luôn nhớ rằng con đi học trên danh dự của mẹ, con phải thành công để sau này về mua danh dự lại cho mẹ”.

Những lời nói ấy cho đến bây giờ vẫn hằn sâu trong trái tim tôi, tôi chưa một lần dám quên và không thể quên, vì không có mẹ, sự trớ trêu của hoàn cảnh có lẽ không có tôi ngày hôm nay. Tháng 9/2008 tôi nhập học, một mình vào Sài Gòn, trong túi tôi vỏn vẹn có hơn một triệu đồng, toàn bộ là tiền thầy cô giúp đỡ và tiền tôi dành dụm được từ thời gian ở nhà chắt chiu sáng sáng đi bán dây lang trồng trong vườn.

Lúc đó, tôi cũng không biết phải lấy tiền đâu để đóng học phí, hay những tháng tiếp theo phải sống thế nào. Một đứa con gái quen được bao bọc từ quê lên tỉnh và không có chút ý niệm nào về cuộc sống mới, tôi chỉ biết tôi sẽ đi học, sẽ tồn tại và sẽ không làm bố mẹ phụ lòng.

Tôi chưa bao giờ có ý định dựa dẫm vào mẹ, bởi tôi biết nơi quê nhà mẹ tôi cũng đang phải oằn lưng vì nợ nần, hàng ngày gánh chịu bao lời cay nghiệt, những sự khinh bỉ dè bỉu của chủ nợ, của hàng xóm làng giềng. Không một giây phút nào tôi cho phép mình quên đi hình ảnh mẹ cầu xin người ta khất nợ. Trong cả những giấc ngủ tôi vẫn nhớ về ngôi nhà trống trải, hình ảnh bố ngồi buồn một mình, tuổi xế chiều không ai chăm sóc vì mẹ phải lo làm ăn xa trả nợ, các con mải chuyện học hành.

Tôi không cho phép mình có một giây phút nào nghỉ ngơi, chơi bời. Tôi đi làm như điên để tồn tại ở mảnh đất này và theo đuổi giấc mơ được đi học, thời gian ít ỏi còn lại tôi lao vào học. Từ một đứa con gái quen được nâng niu, tôi lao vào cuộc sống với những bộn bề lo toan từ những điều nhỏ nhất.

Nhìn bạn bè có điều kiện học Anh văn, vi tính, phương tiện học tập đầy đủ, ngoài giờ học còn hoạt động ngoại khóa, tham gia mùa hè xanh mà tôi như cháy lòng. Tôi cũng ước ao được sống đúng cuộc đời sinh viên, được có thời gian tham gia phong trào. Chạnh lòng nhưng tôi không nản chí, tôi biết tôi cần gì và mục tiêu của mình.

Ba năm ở mảnh đất này, tôi chưa có được cái gì gọi là thành tích xuất sắc hay của cải gì to lớn cả. Nhưng tôi tự hào rằng mình đã tự lập được, đã đứng vững, chưa bao giờ phải ngửa tay xin ai điều gì, chưa bao giờ phải bán rẻ đạo đức hay danh dự để có tiền. Kết quả học của tôi ngày càng tiến bộ, dù mật độ công việc làm thêm phải ngày càng tăng lên do đời sống ngày một khó khăn..

Chỉ một học kỳ nữa thôi, tôi sẽ ra trường, 4 năm đại học cũng chẳng dễ dàng gì nhưng tôi đã, đang và sẽ vượt qua. Quay ngược thời gian, nếu như ngày ấy không có biến cố về kinh tế gia đình, không có chuyện bố bị tai nạn đến mất cả sức lao động, có lẽ tôi vẫn sẽ chỉ là đứa con gái út quen sống trong nhung lụa, nuông chiều, không cần lo đến ngày mai và sẽ quen thói sống ích kỷ.

Ba năm phải bươn chải với cuộc đời để tồn tại, tôi nhận ra rằng cuộc đời này rất công bằng, nó lấy đi của bạn điều này nhưng sẽ bù đắp lại một điều khác. Biến cố năm ấy không những giúp tôi trưởng thành mà còn thay đổi cả con người và cuộc đời tôi. Chưa bao giờ tôi oán trách hay thấy mình kém may mắn, mà ngược lại đó là một bước ngoặt mà cả cuộc đời này tôi còn phải biết ơn, vì nhờ nó tôi biết sống cho mình, cho mọi người, và cuộc đời này với tôi trở nên ý nghĩa hơn bao giờ.

Từ Thị Kim Hậu

Thể lệ cuộc thi viết ‘Cú sốc đầu đời’

– Bài viết dài không quá 2.000 từ. Không hạn chế số lượng bài dự thi của một người. Độ tuổi tham dự từ 16 – 35.

– Người dự thi cam kết và hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản quyền bài dự thi của mình.

– Bài dự thi phải là tác phẩm chưa công bố trên các báo, tạp chí. VnExpress.net Ione.net được quyền biên tập các bài dự thi.

– Người dự thi gửi kèm theo bài dự thi thông tin cá nhân, bao gồm: tên, năm sinh, số chứng minh thư, địa chỉ và số điện thoại liên hệ. Những thông tin này được Ban tổ chức bảo mật.

– Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi gửi kèm ảnh của tác giả đó kèm theo bài viết.

Chương trình do VnExpress.net, Ione.netCao đẳng Thực hành FPT phối hợp tổ chức. Thời gian nhận bài từ 15/8 – 15/11.

Đăng Kí học Fpoly 2023

7 bình luận trong “Gia đình phá sản khiến tôi trưởng thành hơn

  1. Xin chào mọi người,
    Tình cờ, hôm nay mình tìm kiếm Google thì ra bài viết của mình 8 năm trước. Thật vui khi đọc lại và thấy cmt của anh chị em. Đây hoàn toàn là một câu chuyện có thật của bản thân mình, mình viết tham gia cuộc thi “Cú sốc đầu đời” do FPT tổ chức ah. Chia sẻ với mọi người, mình đã nỗ lực tốt nghiệp ĐH, với kết quả Thủ Khoa, đi làm như bao bạn khác, gần 8 năm rồi, mình hiện nay có cuộc sống vui vẻ, sau nhiều năm, mình cùng anh chị giúp bố mẹ trả hết nợ, sửa sang nhà cửa cho bố mẹ lúc tuổi già. Hiện mình đang ấp ủ kế hoạch đi học tiếp, sau khi tạm hoãn mấy năm vì cuộc sống và công việc, cảm ơn tất cả anh chị em đã chia sẻ cùng mình lúc khó khăn. Dù chỉ là trên mạng nhưng qua bài viết và nhận được nhiều động viên từ mn, mình đã có thêm sức mạnh để nỗ lực. Chúc cho những ai còn khó khăn tiếp tục cố gắng và thành công ah.

  2. Mình 21 tuổi đây và bây giờ biến cố với mình mới thật sự bắt đầu. Mình cũng ốm yếu và được cưng chiều. Mình cũng chỉ biết có học thôi mà cũng may là kết quả học tập của mình tốt, mình có học bổng nhờ vào thành tích học tập của mình. Một năm nữa thôi mình sẽ ra trường, mình đang ấp ủ chuẩn bị tất cả để tốt nghiệp xuất sắc và có tấm bằng ILETS. Nhưng đùng một cái, vào mùa hè năm 3 này gia đình mình phá sản. Số tiền nợ của mẹ đã lên đến mức khủng khiếp đối với khả năng của gia đình mình mà mẹ giấu bố và 2 chị em mình. Đến ngày hôm nay, biết chuyện bố đứng ra vay mượn bên nội để giải quyết tất cả . Mình còn một năm nữa thôi, mình còn dự định đi chơi xa, skincare mỹ phẩm áo quần các kiểu , mình không hề biết là mẹ đã phải âm thầm chịu đựng những khoản nợ lãi mẹ lãi con khủng khiếp như vậy. Bây giờ mình phải vừa học vừa làm thôi, mẹ cũng sẽ phải đi làm để kiếm tiền trả nợ. Bố và em gái sẽ ở nhà cáng đáng việc nhà, trả nợ cho người ta rồi gầy dựng lại sự nghiệp. Còn phần mình, mình nhất định phải tốt nghiệp đại học thật tốt, nhất định phải nói được tiếng Anh và tự nuôi sống bản thân mình cho đến khi ra trường có việc làm thì kiếm tiền trả nợ gia đình. Những giấc mơ và dự định của riêng mình thì mình phải tạm gác lại thôi và lo cho gia đình trên hết. Từ hôm nay, mình nhận ra mình nhất định không phải sống chỉ vì mình. Nhất định sẽ làm được phải không? Nhất định sẽ vượt qua và mình sẽ ngày càng mạnh mẽ. Yếu đuối ngay lúc này là chết chứ không đùa được đâu. Nam mô a di đà phật. Con sẽ vượt qua được mà phải không? 18/07/2018

    1. Đọc bài viết của chị em đã khóc. Nó thật sự giống hoàn cảnh của em. Còn một năm nữa là ra trường rồi. Em hy vọng sẽ mang ánh sáng một lần nữa cho ba mẹ em. Hy vọng em sẽ đạt được đuều mình mong muốn sau khi tốt nghiệp. Mọi thứ sẽ ổn mà đúng không ?

  3. chị ơi em đồng cảm với chị nhiều lắm , vì e giống như chị. đọc bài của chị e cứ khóc mãi khi nhớ tới bố mẹ và em lúc đó. em không biết câu chuyện đó thật hay giả nhưng nếu thật thì em xin chia sẻ cùng chị

  4. đọc bài viết của bạn mình dường như bật khóc….cảm giác này mình hiểu hơn bao giờ hết, bởi gia đình mình hiện giờ cũng giống gia đình bạn trc kia…nó kinh khủng như 1 cơn ác mộng…nhưng mình sẽ ko gục gã, sẽ bước tiếp cho dù thế nào chăng nữa…

Bình Luận