Gia đình phá sản không đau bằng lời nói của dì ruột

16:27 06/09/2011

Một buổi trưa khi tôi đang ôn bài chuẩn bị đi học thì dì tôi đến và mắng xối xả: “Từ nay tao cấm mày bước chân lên xe, mày nói với bố mẹ là xe này của tao, mày không được bước lên xe”. Tôi nghe tủi thân dâng lên cay xè sống mũi, nước mắt trào ra, nhạt nhòa cả trang vở trắng.

Vị mặn của cuộc đời gieo vào lòng người những đau đớn và xót xa không bao giờ nguôi ngoai. Câu chuyện tôi sắp kể đây là những trang đầu đời đầy nước mắt mà tôi luôn cất giữ trong lòng như một động lực sống giúp tôi vượt qua gian khổ triền miền và để đồng cảm với những kiếp người khốn khó trong cô đơn, lạc lõng.

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình không được gọi là tri thức hay công chức nhà nước. Ngày tôi còn bé, bố tha phương nơi đất khách quê người buôn bán nên tôi chưa từng thiếu thốn về vật chất. Sau này bố về Việt Nam mở công ty xuất nhập khẩu, gia đình lại trúng đất và người ta gọi tôi là “con đại gia”. Ký ức về những chuỗi ngày hồng đó luôn làm tôi ứa nước mắt.

Tôi vẫn còn nhớ như in những bữa tối trong nhà hàng hải sản, nhớ những lần mua sắm đắt tiền, nhớ buổi chiều mưa tầm tã, tôi ung dung ngồi trong xe hơi còn các bạn khác thì ngụp lặn trong áo mưa, chẳng bao giờ tôi nghĩ tôi thê thảm như ngày hôm nay. Khủng hoảng kinh tế năm 2008 làm những lô hàng của bố không thể cập cảng, làm giá sắt rớt thê thảm và cũng làm tài chính gia đình tôi kiệt quệ.

Suốt một năm trời không làm gì ra tiền, bố mẹ tôi bán hết đất trả nợ và lãi suất ngân hàng. Sau đó bố tiếp tục vay tiền gây dựng lại nhưng không thành công, gia đình tôi lại nợ nần chồng chất. Tôi không bao giờ quên những nhóm thanh niên bước ra từ chiếc xe hơi đen cùng những lời lạnh toát xương sống, không bao giờ quên gương mặt mẹ đẫm nước mắt cùng ánh mắt như tái đi vì sợ hãi.

Chưa hết, trong những đêm khuya thanh vắng, khi mọi nhà đã chìm vào giấc ngủ thì nhà tôi luôn bị đánh thức bởi những cuộc gọi đòi nợ, tiếp sau đó là tiếng khóc da diết van xin của mẹ như cào xé tâm can tôi. Tôi cũng từng chịu đựng những giấc trưa vụn vỡ vì những lời cay độc của chủ nợ, mệt mỏi và bất lực.

Cú sốc đầu đời của tôi cũng xảy ra vào một buổi trưa gay gắt nắng. Bố mẹ tôi vay của dì ruột tôi một số tiền, vài hôm nữa dì sẽ lấy xe hơi nhà tôi để trừ nợ, trong thời gian chờ làm giấy tờ đổi chủ nhà tôi vẫn dùng chiếc xe ấy. Một buổi trưa khi tôi đang lủi thủi một mình ôn bài chuẩn bị đi học thì di tôi đến và mắng xối xả: “Từ nay tao cấm mày bước chân lên xe, mày nói với bố mẹ mày là xe này là xe của tao, mày không được bước lên xe”. Tôi nghe tủi thân dâng lên cay xè sống mũi, nước mắt trào ra, nhạt nhòa cả trang vở trắng.

Những lời cay đắng từ người dưng tôi nghe nhiều rồi nhưng lần này tôi thật sự sốc vì cả người thân, những người mà tôi đã nghĩ đến như những chỗ dựa tinh thần vững chắc cũng nhẫn tâm đâm vào lòng tôi những mũi dao của sự ích kỷ và sặc mùi tiền như thế. Câu nói ấy ám ảnh tôi trong từng giấc ngủ, mãi cho tới bây giờ tôi vẫn còn sửng sốt khi nhớ lại trưa hôm ấy.

Bố tôi thì tìm quên trong những cơn say triền miên, bao nhiêu nỗi khốn khổ bố trút hết lên đầu mẹ và tôi. Dường như bố chưa bao giờ tỉnh táo để nhận ra những vết thương lòng ở mẹ con tôi mà bố đang vô tình gây ra. Một hôm bố ra đi trong im lặng, chẳng ai biết bố đi đâu và làm gì, điện thoại cũng vô ích.

Nhìn căn nhà tối tăm và trống trải, tôi vừa trách nhưng cũng vừa thương bố. Từ ngày bố đi, mẹ con tôi tránh nhìn vào mắt nhau, nói chuyện mà cổ họng đắng ngắt. Cũng từ ngày đó, mẹ tôi đi làm thêm ngoài giờ, làm người giúp việc. Mẹ bắt đầu gầy đi nhiều, mỗi tối khi nhìn đôi bàn tay tê cứng vì cầm nắm nhiều, đôi gót chân nứt nẻ rướm máu vì phải lội trong nước của mẹ, tôi thấy mình chưa phải là con ngoan.

Riêng về phần tôi, từ sau cú sốc ấy, tôi bỗng trở nên nhạy cảm, ít nói hơn. Tôi vẫn cố gắng cười trước mặt bạn bè, nhưng có người nói với tôi rằng “thà Mai khóc trông còn dễ coi hơn”. Bỏ lại sau lưng giấc mơ du học Anh, tôi học đại học trong nước và lao đầu đi làm thêm. Những ngày đầu đi làm lại là những cú sốc khác tiếp tục đập vào lòng tôi những nỗi tủi thân và cực nhọc.

Công việc đầu tiên của tôi là đi dạy thuê, học trò đầu tiên của tôi là một bé gái 12 tuổi, khá đỏng đảnh. Cuối buổi dạy, tôi không quên gửi lời chào tới bác giúp việc, trạc tuổi mẹ tôi. Cô bé bĩu môi nói “nô tì nhà em cô chào làm gì”. Chạnh lòng nghĩ đến mẹ, tôi quay mặt, giấu đi những dòng nước mắt nức nở bò trên hõm má.

Một hôm khác, trên đường đi dạy tôi nhận được cuộc gọi mời đi chơi của một anh bạn, tôi từ chối vì phải đi làm thêm. Anh ta phá lên cười trong điện thoại: “Tiểu thư này mà dạy cái gì. Em dạy một buổi bao nhiêu tiền? Đi với anh, anh trả em gấp đôi”. Lời nói đùa tuy nhẹ như bông ấy mang sức nặng khủng khiếp, đủ để nhấn chìm chút kiêu hãnh còn sót lại trong tôi, tôi gập điện thoại mà nỗi tủi thân cứa vào tim. Nhưng tôi chưa một lần bán rẻ nhân cách, vẫn căm cụi dạy học 5 buổi một tuần với mức lương 700.000 đồng mỗi tháng. Nhiều lần tôi vẫn phải vay mượn vì phụ huynh lỡ hẹn.

Mỗi năm hè đến, tôi làm đủ các công việc để trang trải cho năm học mới. Lúc thì phải đứng cả ngày trời trông coi con nít ở khu vui chơi trong công viên, về nhà hai chân mỏi nhừ đến nỗi không thể nhấc lên được. Cũng có lúc đi phụ người ta dán nhãn hàng trong xưởng bột giặt, chân tay lúc nào cũng nhơm nhớp vì bụi bột giặt bết dính mồ môi. Có lần tôi gặp anh chủ xưởng bột giặt, anh ngạc nhiên hỏi “em là con chú H. mà phải không”. Tôi khẽ gật rồi quay đi không nói gì thêm.

Rồi cũng có lần tôi phải đứng hàng giờ ở bãi xe siêu thị để xin phỏng vấn một khách hàng trong khi trong túi còn đúng năm ngàn đồng, trừ tiền gửi xe thì chưa đủ để ăn một gói xôi. Trong cơn đói cồn cào ruột gan, tâm trí tôi trôi về một miền ký ức xa xôi với những ngày no ấm nhất. Nhưng hiện tại khó khăn trước mặt nhắc nhở tôi rằng vẫn có một cách để quay về ngày xưa ấy đó là cố gắng hết mình. Chung quy thì tôi vẫn tin rằng mọi nỗ lực sẽ được đền đáp xứng đáng.

Gần bốn năm trôi qua, tôi cũng đã quen với hình ảnh mới của chính mình. Tuy vậy, câu nói của người dì và đôi mắt lúc nào cũng trông như khóc của mẹ luôn ám ảnh tôi trong từng giấc ngủ. Tôi thấy mình cần phải có trách nhiệm hơn, cần phải ghé một bờ vai để chia sẻ phần nào cái gánh nặng cơm áo gạo tiền như đang bào mòn dần niềm tin về một tương lai tươi sang.

Ấy vậy mà tôi vẫn giữ vẹn nguyên trong lòng mình ước mơ một ngày được học tập ở nước Anh xa xôi. Tôi vẫn tự cam kết với mình phải được loại giỏi và có điểm thi tiếng Anh thật tốt để biến ước mơ thành hiện thực. Tôi xin mượn câu nói của tiến sĩ Lê Thị Quý để kết lại câu chuyện của mình: “Không được bước đi trên con đường trải hoa hồng nhưng nếu hoa hồng luôn nở trong tim, bạn lo gì không đi đến đích”.

Lã Thị Ngọc Mai

Thể lệ cuộc thi viết ‘Cú sốc đầu đời’

– Bài viết dài không quá 2.000 từ. Không hạn chế số lượng bài dự thi của một người. Độ tuổi tham dự 16-35.

– Người dự thi cam kết và hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản quyền bài dự thi của mình.

– Bài dự thi phải là tác phẩm chưa công bố trên các báo, tạp chí. VnExpress.net Ione.net được quyền biên tập các bài dự thi.

– Người dự thi gửi kèm theo bài dự thi thông tin cá nhân, bao gồm: tên, năm sinh, số chứng minh thư, địa chỉ và số điện thoại liên hệ. Những thông tin này được Ban tổ chức bảo mật.

– Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi gửi kèm ảnh của tác giả đó kèm theo bài viết.

Chương trình do VnExpress.net, Ione.net Cao đẳng Thực hành FPT phối hợp tổ chức. Thời gian nhận bài từ 15/8-15/11.

Đăng Kí học Fpoly 2023

Bình Luận