Lúc nghe bác sĩ giải thích và thông báo kết quả, tai tôi như ù đi, miệng cứng không nói thành lời. Tôi bị sốc nặng. Cầm giấy kết quả xét nghiệm, xem đi xem lại, tôi không còn dám tin vào mắt mình nữa.
Trong cuộc đời mỗi con người, sinh lão bệnh tử là điều phải trải qua. Nếu bạn đã là một người tóc bạc, hẳn 2 chữ bệnh tử sẽ không quá bất ngờ. Nhưng với tôi, một cô gái mới ngoài 20 tuổi, phải đón nhận hai chữ đó thì là một cú sốc quá lớn, chẳng khác nào tôi đang cầm bản án tử hình của Diêm Vương chờ ngày ra pháp trường.
Tôi, một sinh viên y khoa, 21 tuổi, ở cái tuổi người ta đang sung sức và tràn đầy nhiệt huyết, thích được làm mọi thứ, thích được thử sức và tự quyết định, tôi cũng muốn yêu và được yêu, muốn được cống hiến và làm hết sức mình, tôi cũng mơ về một ngôi nhà có chàng hoàng tử. Phải chăng tại tôi quá tham lam, muốn quá nhiều thứ nên giờ đây tôi đang phải đối diện với sự thật mà tôi không thể chấp nhận: tôi đang bị bệnh, tôi sẽ chết. Đây là một cú sốc quá lớn với tôi.
Tôi phát hiện ra mình bị bệnh nhờ có vụ tai nạn vào tháng 8. Hôm đó là một buổi chiều bớt nóng nực, cũng như mọi ngày, tôi hối hả đạp xe đi trực viện. Một chiếc xe từ trong ngõ bất ngờ lao nhanh ra, tông trực diện, khá mạnh làm tôi và chiếc xe máy kia đều ngã lăn ra đường. Người tôi bắn ra khỏi xe, đập mạnh xuống đường.
Tôi cố gắng ngồi dậy, nhưng vùng thắt lưng của tôi bỗng đau ghê gớm, ngoài ra tôi chỉ bị xước da tay và đầu gối. Mọi người đi đường xung quanh xúm lại đỡ tôi và người gây tai nạn dậy, bắt anh ta đưa tôi đi khám. Hình như cũng là người có trách nhiệm, anh ta chở tôi tới bệnh viện rửa vết thương, chụp chiếu và làm xét nghiệm.
Nhờ mấy cái xét nghiệm đó, tôi đã phát hiện ra mình bị suy thận độ 3B. Lúc nghe bác sĩ giải thích và thông báo kết quả, tai tôi như ù đi, miệng cứng không nói thành lời. Tôi bị sốc nặng. Cầm giấy kết quả xét nghiệm, xem đi xem lại, tôi không còn dám tin vào mắt mình nữa.
Tôi thẫn thờ người, mọi thứ xung quanh mình như quay cuồng, đảo lộn. Tôi hiểu rõ bệnh của tôi bắt đầu tiến triển nhanh, cần phải chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng và ghép thận. Tôi hiểu những biến chứng của bệnh sẽ gây ra, cũng hiểu sẽ như thế nào nếu không điều trị. Tôi đã nghe thấy báo hiệu của cơ thể mình, nhưng tôi viện lý do cho tất cả các biểu hiện.
Tôi nghĩ mình tăng cân do béo chứ không phải phù, tôi nghĩ dạo gần đây nhìn mình nhợt nhạt là do mình thấy béo nên ăn uống kiêng khem, tôi đã quá chủ quan với sức khỏe. Tôi học ngành y ra làm việc để cứu người, để chăm sóc người khác, nhưng đến chính bản thân mình tôi còn không chăm được, thì tôi còn làm được việc gì? Không lẽ số mệnh của tôi chỉ tới thế? Không lẽ tôi đang ở đoạn cuối của cuộc đời mình? Tôi giận chính bản thân, tôi thấy mình như vô dụng.
Hôm đó, tôi đã xin phép nghỉ trực, về phòng trọ, cả đêm tôi khóc. Bố mẹ, gia đình, người yêu, bạn bè, họ biết được tôi đang bị bệnh, tôi có thể chết bất cứ lúc nào nếu tôi bị ngộ độc máu là không được lọc kịp thời. Đây cũng sẽ là một cú sốc không kém với những người thân yêu của tôi. Tôi không sợ chết, nhưng khi tôi chết đi, những người ở lại, những người luôn yêu thương, che chở và chia sẻ với tôi mọi chuyện, họ sẽ ra sao?
Tôi sợ cái cảnh trên kia sẽ nhìn thấy mẹ khóc ngồi đợi tôi về, tôi sợ nhìn thấy bóng dáng của bố mặt trầm tư ngồi hút thuốc lá, càng sợ lắm người tôi yêu sẽ đi lang thang trên những con đường chúng tôi vẫn đi. Tôi nghĩ tới bố mẹ đã hy sinh, yêu thương tôi nhiều như thế nào, mà tôi chưa một ngày báo hiếu trọn vẹn. Tôi thấy ghét bản thân mình vì đã hứa hẹn, vẽ ra quá nhiều bức tranh với người tôi yêu.
Tôi đang làm gì? Tôi đang khóc tới khi mắt sưng mọng và không còn đủ sức để khóc nữa. Tôi thấy mệt mỏi vì không biết suốt quãng thời gian qua, mình đã phấn đấu, cố gắng cho cái gì. Tôi là ai? Tôi là người luôn lạc quan, luôn tự tin, luôn đi an ủi người khác, tôi không sợ chết, vậy mà giờ đây tôi lại tự chôn mình trong cái phòng trọ bé tí tẹo. Tôi làm vậy thì được gì? Nếu tôi cứ khóc lóc thì bệnh cũng không khỏi, mà chỉ làm cho những người thân của tôi đau khổ.
Tôi đã đặt ra biết bao câu hỏi và tự trả lời, cuối cùng tôi đã quyết định đứng dậy, tôi sẽ làm hết những gì mình có thể, tôi sẽ sống nốt những ngày còn lại để khi chết đi mình không phải nuối tiếc. Tôi không muốn bố mẹ sẽ phải sống khổ sở, nợ nần chồng chất chỉ để chữa bệnh cho tôi. Tôi không muốn người yêu tôi sẽ đau khổ khi nhìn thấy tôi chống chọi với bệnh tật. Tôi không muốn những gì tôi phải chịu đựng, mọi người cũng phải chịu đựng cùng.
Nghĩ là làm, tôi đã viện lý do cãi nhau với người yêu để chia tay hơn một tuần sau đó, tất nhiên anh ấy không đồng ý, gọi điện thoại tôi không nghe, gặp mặt thì tôi tránh. Như thế này có thể là nhẫn tâm với anh nhưng nếu chúng tôi yêu nhau sâu sắc hơn, sẽ chỉ khổ cho anh ấy. Tôi không thể thực hiện lời hứa cùng anh đi suốt con đường. Tôi về quê thăm bố mẹ, lấy lý do là chia tay bạn trai, tôi ôm lấy mẹ khóc ngon lành. Mẹ đã an ủi tôi mà không biết rằng tôi sợ một ngày nào đó, tôi không thể ôm mẹ được nữa.
Tôi lên trường học, khám bệnh và lấy thuốc về uống theo đơn của bác sĩ, đi làm thêm và dùng bảo hiểm để trả tiền khám chữa bệnh. Tôi lao vào làm việc để quên đi người yêu và bệnh tật của mình. Đêm về tôi cố gắng đọc truyện cười trên mạng để hôm sau lên lớp kể cho bạn bè nghe, tôi lại khóc. Tại sao lại vào lúc này, tại sao không phải là 20 năm trước hay 20 năm sau mà là lúc này?
Đợt tăng kali máu quá cao đầu tháng 10 làm tôi ngất tại trường và đi lọc máu. Tôi không giấu được mọi người nữa, bố mẹ, gia đình, người yêu và bạn bè đều biết. Mẹ khóc bên tôi suốt hai ngày liền, gầy rộc hẳn. Mẹ trách tôi tại sao lại giấu bố mẹ. Bố không nói gì nhưng tôi biết bố mẹ quá sốc và lo lắng cho tôi. Tôi nằm viện điều trị, tôi không còn phải một mình chống chọi với bệnh tật, có bố mẹ, bạn bè và cả người yêu.
Chưa bao giờ tôi thèm sống như lúc này, tôi thấy hạnh phúc trong sự quan tâm chăm sóc của mọi người. Câu nói “chỉ khi sắp chết con người lưu luyến cuộc sống” thật đúng, tôi đang kiểm nghiệm câu nói ấy. Với tôi, từng giây từng phút sống, tôi luôn cố gắng để mình khỏi phải ân hận tiếc nuối. Tôi đã, đang và sẽ nỗ lực hết mình để cả khi tôi chết đi, tôi vẫn là một người có ý nghĩa với thế giới. Mong mọi người trân trọng cuộc sống này như tôi.
Trần Thị Vân
Thể lệ cuộc thi viết ‘Cú sốc đầu đời’
– Bài viết dài không quá 2.000 từ. Không hạn chế số lượng bài dự thi của một người. Độ tuổi tham dự từ 16 – 35.
– Người dự thi cam kết và hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản quyền bài dự thi của mình.
– Bài dự thi phải là tác phẩm chưa công bố trên các báo, tạp chí. VnExpress.net và Ione.net được quyền biên tập các bài dự thi.
– Người dự thi gửi kèm theo bài dự thi thông tin cá nhân, bao gồm: tên, năm sinh, số chứng minh thư, địa chỉ và số điện thoại liên hệ. Những thông tin này được Ban tổ chức bảo mật.
– Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi gửi kèm ảnh của tác giả đó kèm theo bài viết.
Chương trình do VnExpress.net, Ione.net và Cao đẳng Thực hành FPT phối hợp tổ chức. Thời gian nhận bài từ 15/8 – 15/11.