Từng có ý định tự tử khi trượt cấp 3 trường huyện

15:05 28/10/2011

Ngày nhận giấy báo điểm, tôi không tin vào mắt mình nữa, vì quá tự tin nên tôi đã mắc sai lầm ngay từ công thức giải toán. Thiếu nửa điểm, tôi nghiễm nhiên trượt. Nghĩa là tôi sẽ phải lựa chọn học bán công, dân lập, bổ túc, hoặc là ở nhà ôn thi lại năm nữa.

Nhiều người nhận xét tôi là đứa con gái dễ hòa đồng nhưng cũng cực kỳ quyết đoán. Họ bảo tôi lạc quan, dường như không có nỗi buồn nào có thể dập tắt được nụ cười trên môi. Nhưng ít ai biết được tôi đã có lúc muốn hủy hoại đời mình bằng cách tự tử. Chuyện đó xảy ra cách đây 8 năm, khi tôi còn là một đứa trẻ 15 tuổi, hiếu thắng và bồng bột.

Từ bé, tôi đã là một trong những đứa học hành có tiếng ở trường. Lứa tuổi sinh năm 1989 chúng tôi đi học khá đông, song tôi là một trong những đứa nổi bật nhất. Nói thế không phải để khoe khoang bản thân, mà để thấy được đó chính là lý do đưa tôi đến suy nghĩ ngu ngốc muốn hủy hoại cuộc đời mình sau này.

15 tuổi, tôi tự tin bước vào kỳ thi vượt cấp lên lớp 10. Bởi đã nằm trong top học sinh khá giỏi thì hầu như sẽ có trong tay một tấm vé ghi tên vào trường huyện. Thế nên, tôi không bị áp lực nhiều như những bạn khác.

Nhưng ngày nhận giấy báo điểm, tôi không tin vào mắt mình nữa, vì quá tự tin nên tôi đã mắc sai lầm ngay từ công thức giải toán. Thiếu nửa điểm, tôi nghiễm nhiên trượt. Nghĩa là tôi sẽ phải lựa chọn học bán công, dân lập, bổ túc, hoặc là ở nhà ôn thi lại năm nữa.

Ở quê tôi, học bán công hay bổ túc là một điều gì đó nặng nề lắm, thậm chí rất đáng xấu hổ nữa. Ra đường, người ta nhìn vào chiếc áo đồng phục để phân biệt học sinh trường nào và cũng phân biệt luôn thái độ dành cho người đó. Dù bạn có học bán công mà cố gắng học hành, sức học khá hơn học sinh công lập cũng sẽ không được thừa nhận, người ta sẽ ngang nhiên mặc định rằng “Dù có học dốt thì cũng vẫn là học sinh trường huyện”.

Từ ngày nhận được kết quả thi thực sự là chuỗi ngày tuyệt vọng đối với con bé 15 tuổi. Nhưng đáng sợ nhất không phải là kết quả thi trượt mà là những lời ì xèo bên tai tôi. Lớp tôi đậu trường huyện gần hết. Thầy cô nói “Không ngờ, lớp trưởng mà học hành lại không chắc chắn bằng lớp phó, còn không bằng cả mấy em học sinh bình thường”.

Tôi nghe bác hàng xóm mắng thằng con trai ham chơi về muộn “Mày không lo mà học hành cho tử tế đi. Đấy, học hành như cái Phương mà đến trường huyện còn không vào nổi kia kìa”. Cha mẹ tôi cũng nghe, cũng biết hết nhưng không nói gì. Cha thương tôi vì biết tôi không dễ dàng chấp nhận sự thật này.

Trong số anh em, chỉ có cha không sinh được con trai nên ông thường bị các bác, các chú coi thường vì điều đó. Nhà bác cả lại có hai anh trai học cực kỳ giỏi, anh trai đầu thi đỗ thủ khoa trường huyện. Bao nhiêu kỳ vọng, cha đặt hết vào con gái và chưa khi nào tôi làm ông thất vọng. Giờ đây, tôi không còn tự tin khi đứng trước mặt cha, không dám nhìn mẹ.

Bạn bè thi đậu đã rục rịch sắm sửa quần áo, sách vở. Bạn bè không thi đậu thì làm hồ sơ nộp bán công, dân lập, bổ túc. Còn tôi thì vẫn nằm lì ở nhà. Mỗi khi có việc bắt buộc phải đi ra ngoài, tôi thường đi thật nhanh vì sợ gặp người khác, sợ họ hỏi thăm tôi học trường nào.

Đứa bạn chơi thân trong xóm nhắn tôi ra nhà nó lấy sách vở, tôi gặp cô bạn học cùng cấp 2 cũng đang ở đó. Họ đang háo hức bàn nhau đi mua sách lớp 10 để chuẩn bị cho năm học mới. Cô bạn ấy “hết sức ngạc nhiên” hỏi tôi “Thế Phương chưa chuẩn bị hồ sơ mà đi học bán công đi thôi, còn ra đây làm gì nữa”. Tôi biết, những lời nói đó không phải vô tình mà cố ý nhằm vào tôi. Bởi đó từng là đối thủ của tôi suốt những năm học cấp 2 trong các kỳ thi cũng như trong hoạt động tập thể.

Tai tôi như ù đi, không còn nghe thấy gì nữa. Tôi ù té chạy về nhà như có ma đuổi, bỏ lại sau lưng sự ngạc nhiên của một người bạn này và bộ mặt đắc ý của người kia. Tôi vùi mặt vào gối khóc nức nở, nghĩ mình đúng là ăn hại, tôi thiếp đi lúc nào không biết.

Tỉnh dậy thì trời đã nhập nhoạng tối, nghe tiếng cha mẹ nói chuyện ở ngoài nhà. Có lẽ họ không biết tôi nằm trong buồng. Cha bàn với mẹ nhờ người quen xin cho tôi vào học trường công lập, bởi ông thương tôi, không muốn tôi chịu thiệt thòi với bạn bè, bởi không phải học sinh trường huyện, tôi sẽ bị coi thường.

Tôi như lặng người đi. Xin cho tôi học công lập ư? Nghĩa là cha sẽ phải nhờ vả, quỵ lụy người ta ư? Nghĩa là trong mắt bạn bè, tôi đi học trường huyện không phải bằng thực lực của mình ư? Không, tôi không dám nghĩ tiếp đến những điều đó nữa.

Tôi lẳng lặng ra khỏi nhà. Không biết phải đi đâu, tôi sợ bắt gặp những người cùng làng, họ sẽ lại nhìn tôi như một sinh vật đáng thương lắm. Như có người dẫn bước chân đi, tôi đến bên bờ sông từ khi nào không hay. Tôi cứ ngồi đó mà không biết trời đã tối từ lâu. Gió lồng lộng bờ đê, dưới chân là những con sóng vẫn ì oạp vỗ vào bờ.

Một ý nghĩ ngu ngốc trong đầu xuất hiện, tôi tiến dần về mép nước. Chỉ cần nhắm mắt lại, một lúc nữa là mình không còn biết gì nữa, sẽ kết thúc những chuỗi ngày phải sống trong dằn vặt, sẽ không còn thấy những ánh mắt nhìn, những lời coi thường nữa.

Nhắm mắt lại và đi. Tôi nhìn thấy ở khoảng không hư vô trước mắt, cha trầm ngâm rít thuốc giữa đêm khuya, ông cố nén tiếng thở dài vì thương con gái. Mẹ đội nón đứng giữa trưa nắng chang chang tưới gạch, mồ hôi ướt đẫm lưng áo xanh công nhân bạc thếch, mẹ trở về nhà lúc xóm làng đã lên đèn hết. Câu nói của mẹ vang bên tai “Dù làm việc mệt đến đâu, nhưng khi nghe người khác khen con, nhìn thấy chị em con líu lo chào mẹ rồi đèo nhau đi học, mẹ lại quên hết mệt mỏi mà làm việc tiếp”.

Tôi ngồi phịch xuống, nước ngập thắt lưng lạnh buốt. Bật khóc, những giọt nước mắt kìm nén bao lâu nay, nặng nề, giờ thi nhau rơi. Tôi trở về nhà, cha mẹ đang bổ đi tìm vì đã tối mà không thấy tôi đâu. Tôi nhìn khuôn mặt thất thần của mẹ vì lo lắng tôi làm gì dại dột. Phải rồi, trước lúc đó, con gái của mẹ từng có suy nghĩ rất ngu ngốc.

Tôi nói với cha rằng không muốn nhờ vả xin cho học công lập mà sẽ đi học trường bán công. Cha mẹ không phản đối vì đó là quyết định khiến tôi thoải mái nhất. Tôi là một trong số những học sinh cuối cùng nộp hồ sơ vào trường trước khi hết hạn. Khi đó, những người bạn của tôi đã đi học được gần một tuần ở trường huyện.

15 tuổi, tôi trở thành nữ sinh trung học phổ thông, có khác một điều là tôi khoác áo đồng phục của trường bán công thay vì đồng phục trường huyện. Người ta cố gắng một thì tôi phải cố gắng gấp năm, gấp mười lần khi lao vào học như điên. Tôi phải chứng minh lựa chọn của mình không sai, cho những người từng coi thường tôi thấy: học ở đâu không quan trọng mà quan trọng là học như thế nào, trở thành học sinh bán công, tôi không hề thua kém họ, thậm chí còn vượt trội hơn.

Những ngày vui tươi dần trở lại khi tôi tiếp tục phát huy được thành tích học tập nhờ có nền tảng từ hồi cấp 2. Nhanh chóng lấy lại được phong độ học hành, tôi trở thành lớp trưởng suốt ba năm cấp 3 và là một trong những học sinh nổi bật của trường trong học tập cũng như trong hoạt động tập thể. Nhờ những sai lầm đã mắc phải, tôi rèn luyện cho mình tính cẩn thận, chu đáo khi làm bất cứ việc gì, trong học hành cũng như công việc.

May mắn nhất trong quyết định ấy, tôi gặp được những người bạn cực kỳ tốt và một cô giáo yêu thương học sinh hết lòng. Sự tin tưởng của những con người đó cũng là động lực để cho tôi nỗ lực hết sức mà biết đâu học trường huyện tôi sẽ không may mắn được như thế.

Có người đã ngờ vực, họ vẫn giữ quan điểm rằng “Có học hành tốt đến đâu cũng vẫn là học sinh bán công mà thôi”. Nhưng điều đó không còn quá quan trọng với tôi nữa. Tấm vé thông hành vào giảng đường của một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội là minh chứng rõ rệt nhất cho sự lựa chọn và cố gắng của tôi.

Tôi thầm cảm ơn cú sốc đầu đời đó, bởi vì không sống trong những chuỗi ngày đau khổ, dằn vặt thì tôi đã không thể cố gắng hết sức mình cho những ngày tiếp theo; không thể nhận ra được giá trị của 0,5 điểm và lòng tự trọng của tôi, điều gì quan trọng hơn. Khi cận kề giữa sự sống và cái chết, con người ta bắt buộc phải lựa chọn và có những lựa chọn đã làm thay đổi cuộc đời họ.

Tôi đã có một lựa chọn như vậy.

Hải Vân

Thể lệ cuộc thi viết ‘Cú sốc đầu đời’

– Bài viết dài không quá 2.000 từ. Không hạn chế số lượng bài dự thi của một người. Độ tuổi tham dự từ 16 – 35.

– Người dự thi cam kết và hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản quyền bài dự thi của mình.

– Bài dự thi phải là tác phẩm chưa công bố trên các báo, tạp chí. VnExpress.net Ione.net được quyền biên tập các bài dự thi.

– Người dự thi gửi kèm theo bài dự thi thông tin cá nhân, bao gồm: tên, năm sinh, số chứng minh thư, địa chỉ và số điện thoại liên hệ. Những thông tin này được Ban tổ chức bảo mật.

– Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi gửi kèm ảnh của tác giả đó kèm theo bài viết.

Chương trình do VnExpress.net, Ione.netCao đẳng Thực hành FPT phối hợp tổ chức. Thời gian nhận bài từ 15/8 – 15/11.

Đăng Kí học Fpoly 2023

3 bình luận trong “Từng có ý định tự tử khi trượt cấp 3 trường huyện

Bình Luận