Trước khi được biết đến với tư cách là giám đốc công ty phần mềm lớn nhất Việt Nam, ông Nguyễn Thành Nam (Tổng Giám đốc FPT) đã từng trải qua những giai đoạn khó khăn nhất và có những câu chuyện đáng để đời…
1/ Vào thời điểm hầu như rất ít người biết đến Internet ở Việt Nam, ông Nguyễn Thành Nam từng đưa ra ý tưởng mở một quán café Internet với tên gọi Emotion Café. Lúc đó, ở Hà Nội chưa có quán café Internet nào. Ông Nam kêu gọi bạn bè đóng cổ phần, rồi hợp tác với một ông chủ quán café.
Lần đầu tiên tại Hà Nội, các khách hàng có thể vừa uống café, vừa truy cập Internet. Thế nhưng, quán café mở ra chẳng có mấy khách, khách đến uống café cũng chẳng hiểu Internet là cái gì… Kết quả là ông Nam và những người bạn góp vốn mất một mớ tiền (khi ông Nam còn nghèo rớt mùng tơi).
Năm 1997, khi đang phụ trách bộ phận làm phần mềm của FPT, ông Nam đột nhiên nghỉ việc đi… chơi. Một người bạn của ông Nam tại FPT cho biết: “Trong lúc mọi người đang thấy tốt đẹp, công việc kinh doanh đang trôi chảy thì anh ấy bảo: Không, nói chung như thế là không được, phải làm mới chứ thế này thì chết. Rồi anh Nam xin nghỉ việc hoàn toàn một thời gian để đi ngó nghiêng xem thiên hạ làm cái gì để tìm ý tưởng mới cho công việc của mình”.
Trên thực tế, ngoài việc đi ngó nghiêng xem các công ty khác đang làm gì, ông Nam cũng thử nộp đơn xin việc tại 1 – 2 công ty nhưng… không được nhận. Và kết quả của thời gian đi chơi đó khi ông Nam quay về làm việc tại FPT là sẽ đi xuất khẩu phần mềm.
2/ Trở thành đội trưởng đội xuất khẩu phần mềm FPT, trung tâm xuất khẩu phần mềm của ông Nam có công việc hàng ngày là… học và họp bằng tiếng Anh. Lý do là đi làm xuất khẩu phần mềm nhưng tiếng Anh của cả đội còn… phọt phẹt.
Khi đội xuất khẩu phần mềm FPT may mắn vớ được một khách hàng và làm được hợp đồng đầu tiên, thu được tiền, cả ông Nam lẫn một số lãnh đạo cấp cao FPT lúc đó tuyên bố như thể sự nghiệp phần mềm của FPT sắp… bay lên trời.
Năm 2000, khi chính thức tuyên bố thành lập công ty phần mềm tại Mỹ, ông Trương Gia Bình, ông Nguyễn Thành Nam cùng tuyên bố giấc mơ sẽ trở thành “Nhất thế giới” về phần mềm, về cuộc “trường chinh” đi lấy tiền Tây… Sau những tuyên bố “bom nguyên tử” đó là một quả bom xịt: Công ty phần mềm của FPT tại Mỹ chẳng tìm được khách hàng nào, ốm dặt dẹo rồi… chết yểu.
Không tìm thấy đường đi, ông Nam quyết định tìm “thuốc Tây”. Martin Geiger – một chuyên gia tư vấn của Paramarketing (một hãng tư vấn chiến lược phát triển thị trường của Mỹ) được FPT thuê với mức lương cực cao.
Thế nhưng, sau hơn một năm làm việc, toàn bộ doanh số phần mềm của FPT chẳng đủ để trả lương cho Martin Geiger mà sự nghiệp xuất khẩu phần mềm của FPT vẫn loanh quanh, luẩn quẩn.
Ông Nguyễn Thành Nam và những thành viên chủ chốt của FPT vẫn ủng hộ xuất khẩu phần mềm đứng trước những áp lực cực lớn của cả trong lẫn ngoài FPT. “Ném tiền qua cửa sổ”, “ấu trĩ, viển vông”… là những lời “khen tặng” ý tưởng xuất khẩu phần mềm.
Trong thời điểm đó, ngoài sự ủng hộ rất lớn của ông Trương Gia Bình (Tổng Giám đốc FPT), ông Nam còn nhận được một sự an ủi lớn khác từ ông Lê Quang Tiến – một thành viên rất quan trọng trong ban giám đốc FPT. Khi ông Nam chịu quá nhiều chì trích tại các cuộc họp, xuất khẩu phần mềm tiếp tục bết bát, ông Tiến gọi ông Nam vào phòng nói: “Đừng lo, em cứ giữ lấy mấy đứa giỏi, sẽ ổn cả thôi”.
3/ Năm 2002, ông Nam tình cờ được nhân viên cho mượn đọc một quyển sách về bác Hồ của một tác giả người Mỹ “Ho Chi Minh, a life” (Hồ Chí Minh, một cuộc đời). Sau khi nghiền ngẫm quyển sách này, ông Nam mới ngộ ra những bài học chí mạng mà mình cũng như FPT đã mắc phải khi làm xuất khẩu phần mềm.
Ngoài cuốn sách “Hồ Chí Minh, một cuộc đời”, ông Nam còn đọc và nghiên cứu thêm nhiều quyển sách khác viết về cuộc đời và sự nghiệp của bác Hồ để tìm ra một cách đi mới của công cuộc xuất khẩu phần mềm. Và cũng nhờ rất nhiều bài học bình thường nhưng phi thường từ cuộc đời của Bác, ông Nam và đội phần mềm FPT đã dần dần tìm được lối đi cho xuất khẩu phần mềm.
Khi đội phần mềm FPT bắt đầu chuyển hướng, những nhân viên trong đội phần mềm của FPT đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn và là những người thực hiện và hoàn tất hầu hết các nhiệm vụ quan trọng nhất chứ không phải ông Nam và ông Bình.
Bài học “phải tin vào nhân dân, nhân dân sẽ là người đưa ra lời giải”, được ông Nam áp dụng triệt để sau khi áp dụng chiến lược Hồ Chí Minh cho xuất khẩu phần mềm.
4/ Năm 2008, khi nền kinh tế Việt Nam gặp khủng hoảng, ngành công nghệ thông tin trong đó có phần mềm cũng gặp những khó khăn nghiêm trọng, ông Nam lại ra quyết định chi tiền mời Tập đoàn Gartner đến Việt Nam (một tập đoàn chuyên cung cấp các nghiên cứu, đánh giá cho các nhà lãnh đạo công nghệ trên thế giới, giúp họ đưa ra các quyết định chiến lược).
Giải thích về lý do mời Gartner vào đúng thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam, ông Nam nói: “Thực tế thì tất cả các nước khác, nước nào cũng vậy mà điều quan trọng là Việt Nam cần phải có một đánh giá khách quan của một tổ chức có uy tín nên tôi vẫn quyết định mời chung cho cả nền CNTT Việt Nam”.
Rồi ông nói thêm: “Mọi người thường hay tuyên truyền là nước ngoài đánh giá rất cao về cơ hội đầu tư tại Việt Nam nhưng để cho việc đó trở thành lực hút thì các tổ chức đánh giá có uy tín như Gartner phải có chung nhận định như vậy”.
Chưa hết, năm 2009, trước khi chính thức trở thành Tổng Giám đốc FPT, ông Nam quyết định tặng bộ tài liệu kinh nghiệm xây dựng, áp dụng và thi lấy chứng chỉ CMMi-5 cho cộng đồng CNTT Việt Nam thông qua Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đây là một hành động khá lạ bởi FPT đã phải mất rất nhiều công sức, trong nhiều năm mới gây dựng được bí quyết này. CMMi-5 là “tấm vé thông hành” để các công ty phần mềm gia nhập vào các thị trường lớn trên toàn cầu.
Về cá nhân ông Nam, sau nhiều năm trầy trật, đội xuất khẩu phần mềm của ông Nam cũng gặt hái được nhiều thành công. Tháng 4/2009, ông Nam được HĐQT FPT bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT.
(nguồn : )
Chú Nam ơi! Cháu đã được nghe chú nói chuyện trên truyền hình, cháu rất ấn tượng về cách nói thẳng, thật, và lạc quan của chú _ điều mà bây giờ chỉ có những ng rất trẻ và chưa từng đi làm mới dám nói. Cháu cũng đang đi tìm con đường cho sự nghiệp của mình. Chú có thể cho cháu 1 lời khuyên không? Cảm ơn chú