Anh tên Trứ, tốt nghiệp Tiến sĩ Toán Kinh tế ở Bungari. Ngay từ khi mới về nước năm 1990, anh đã có một thứ triết lý kỳ quặc: “Nước mình hơn 80% là nông dân, muốn phát triển Công nghệ Thông tin phải lôi kéo bằng được họ tham gia vào”. Nói là làm. Anh lập một công ty phần mềm với tiêu chí tuyển nhân viên lạ nhất trên đời: “Đứa nào đòi lương quá 1 triệu là cho thôi việc”. Anh nói: “Nó đã đòi như vậy, thì nó làm ở đâu mà chẳng được, cứ gì phải làm ở chỗ mình”.
Anh về quê, một xã vùng nông thôn Bắc Ninh tuyển nhân viên. Các thanh niên đã tốt nghiệp đại học đang thất nghiệp nằm nhà, hoặc mới chỉ tốt nghiệp phổ thông xong nhưng máu làm Tin học cũng được. Tất cả đều được đưa vào Sài Thành hoa lệ. Kiên trì viết sách giáo khoa, kiên trì viết tài liệu hướng dẫn, kiên trì giảng dạy, anh đã biến các em thành những nhân viên thành thạo của một công ty phần mềm có uy tín, thực hiện các công việc đào tạo, phân phối sách tham khảo, hỗ trợ khách hàng, triển khai sản phẩm, bán hàng.
Một lần anh về quê cùng ông anh ruột là quan chức rất to (phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố Hà Nội) và người bạn là Nguyễn Thành Nam (Giám đốc Trung tâm Phần mềm FPT). Anh Giám đốc được mời ngồi chỗ trang trọng, tự uống nước chè và tự đuổi ruồi. Phó Chủ tịch được mời ngồi chỗ trang trọng hơn, nước chè và đuổi ruồi thì có mấy cậu thư ký xun xoe đi cùng lo. Còn anh ngồi một chỗ đơn giản nhưng nườm nượp các bà các bác đến xin gặp chú Trứ. “Cám ơn chú, em nó làm việc thế nào, chú phải sang nhà tôi ăn cơm mới được…”
Lời bàn:
Nhân dân quả là thông minh, họ biết ai là người mang lại cho họ những giá trị đích thực. Còn với anh, anh đã thực hiện được phần nào ước mơ của mình, đưa những thanh niên nông dân trực tiếp tham gia vào cuộc cách mạng Công nghệ Thông tin, làm thay đổi lề lối suy nghĩ của cả một làng quê Việt Nam bảo thủ.