Đừng khóc em nhé!

9:19 23/02/2011

1. Tại trụ sở mới của một công ty chi nhánh FPT

Thang máy đang chuyển động từ tầng một lên cao, một số nhân viên FPT và khách hàng đến giao dịch. Điện bỗng phụt tắt. Thang chững lại, treo lơ lửng, tối bưng. Bên trong nhốn nháo, người ấn chuông, kẻ kêu cứu. Bên ngoài, mấy người cuống cuồng chạy đi tìm bất cứ vật gì có thể cạy cửa. Song, giữa những dãy hành lang bóng lộn, những căn phòng hiện đại không thừa ra một vật gì khả thi. Các nạn nhân ngày càng hoảng sợ hơn. Chưa bao giờ họ gặp sự cố như thế này. Họ chen nhau ra sát cửa thang máy để hít thở. Nhiều người nghĩ đến những tai nạn đáng tiếc đã xảy ra trong các cao ốc nên càng sợ hãi. Cuối cùng thì một thanh gỗ đủ cứng cáp đã được tìm thấy. Những người bên ngoài khẩn trương tìm cách mở cửa, người bên trong vẫn không ngớt kêu la. Đúng lúc đó, vị Giám đốc của họ đi qua. Nhìn thấy mọi người đang nỗ lực cạy, anh buông một câu lạnh tanh: “Cẩn thận kẻo hỏng thang máy đấy”, rồi đi tiếp. Một lúc sau, cửa mở, tất cả vui sướng chui ra. Họ gần như ngay lập tức quên mất cảm giác hoảng loạn. Chỉ còn đọng lại trong họ câu nói lạnh tanh của vị Giám đốc: “Cẩn thận kẻo hỏng thang máy”!

2. Tại trụ sở FPT 89 Láng Hạ

Cũng là câu chuyện bị kẹt thang máy trong tình huống tương tự. Lúc đó vào khoảng 8 giờ tối. Trong thang máy chỉ có một nữ nhân viên duy nhất. Thang cũng dừng lại lơ lửng ở tầng 2, nơi chỉ có Ban Tổng giám đốc và các thư ký làm việc. Cô gái sợ hãi, bấm chuông kêu cứu liên tục, nhưng các nữ thư ký đã về hết. Rất may, vẫn còn một vị Phó Tổng vừa tiếp khách xong. Anh chạy vội tới. Nghe thấy giọng nữ từ trong vọng ra, anh liền trấn an: “Đừng khóc nữa em. Anh sẽ gọi ngay bảo vệ tới giúp em”. Khi thang mở ra, anh chính là người đỡ cô gái tụt xuống (vì thang bị treo lơ lửng giữa tầng nên khi mở ra, trước mặt vẫn là tường gạch, chỉ có một khoảng không ngắn ở dưới là chui ra được). An toàn ra khỏi thang máy, ấn tượng của cô gái trẻ về buổi hôm đó không phải là là nỗi sợ hãi lần đầu tiên gặp phải trong thang máy, mà là câu nói ấm áp của vị Phó Tổng: “Đừng khóc nữa em!”.

Lời bàn:

Nhân viên bao giờ cũng để ý cách cư xử của lãnh đạo để học tập, đánh giá. Một hành động nhỏ, một câu nói động viên thể hiện sự quan tâm của Sếp tới nhân viên sẽ rất dễ làm họ xúc động. Cũng như vậy, một sự vô tình, dù không cố ý, cũng có thể gây tổn thương lớn.

Có thể vị Giám đốc ở câu chuyện thứ nhất rất am hiểu về kỹ thuật, coi việc bị kẹt trong thang máy là rất bình thường, không có gì là nguy cấp, nên anh vẫn bình thản. Và anh lo trong lúc nôn nóng không cần thiết, mọi người làm hỏng thang máy, nên đã vô tình buông lời. Anh có biết rằng, một câu nói thiếu tình người có thể sẽ làm sụp đổ cả một bức tranh mà anh đã mất bao công tô vẽ.

Đăng Kí học Fpoly 2023

Bình Luận