Giai đoạn 1988-1990 là những năm vô cùng khó khăn đối với FPT: Công ty mới được thành lập; Nhân sự chưa ổn định; Trụ sở mới 224 Đội Cấn vừa mới chuyển đến chưa có tiện nghi làm việc; Vốn liếng duy nhất tích lũy được sau vài năm làm hợp đồng của nhóm “Trao đổi Nhiệt – Chất” cũng dần cạn kiệt. Hợp đồng ngày càng khó kiếm. Để Công ty tồn tại, các anh đã phải quay lòng vòng đủ các thứ có thể buôn được từ sắt thép, mô tơ điện, khí ga cho đến ống cống… Về chuyện này, lãnh đạo FPT đã bị cơ quan chủ quản là Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia khiển trách. Nhưng không lẽ ngồi chờ Công ty phá sản?
Lúc bấy giờ, các lãnh đạo FPT có quan hệ rất tốt với Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, vì nhiều anh vốn là học trò của các Viện sĩ Xô Viết. Qua những ông thầy của mình, các anh biết được, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô có nhu cầu mua mấy ngàn máy vi tính hiện đại, nhưng họ không thể tự mua từ các nước Tư bản vì Liên Xô nằm trong danh sách các quốc gia cấm bị cấm vận công nghệ cao của Mỹ. Đang khốn khổ vì thiếu hợp đồng, các anh quyết tâm không bỏ lỡ việc này, dù các anh biết rất rõ máy tính không phải là thực phẩm.
Quyết tâm rồi, nhưng khi vào cuộc mới thấy có rất nhiều khó khăn phải vượt qua. Trước hết, Việt Nam cũng đang bị Mỹ cấm vận. Thông qua một Việt kiều Pháp, chúng ta thiết lập được quan hệ với Hãng Olivetti, một Hãng máy tính hàng đầu châu Âu lúc bấy giờ. Do quy mô giao dịch thương mại quốc tế của Việt Nam còn nhỏ không bị Mỹ để ý, cộng với Hãng Olivetti cũng không quá tuân thủ lệnh cấm vận của Mỹ, nên Hãng này đã đồng ý bán máy tính cho chúng ta. Khó khăn tiếp theo là chúng ta chưa biết gì về máy tính. Chuyện kể lại, khi khách hàng hỏi về virus máy tính, anh Lê Vũ Kỳ đã trả lời hết sức tự tin: “Các anh yên tâm, chúng tôi là công ty công nghệ thực phẩm, luôn chú trọng giữ vệ sinh, nên không thể có virus được!!!”. Nhưng khó khăn lớn nhất là lấy đâu ra vốn để thực hiện hợp đồng. Các Lãnh đạo FPT đã chạy các cửa, vận động các cấp, chứng minh tầm quan trọng ý nghĩa đặc biệt của hợp đồng kinh tế này đối với Việt Nam cũng như việc nó sẽ phá vỡ thế cấm vận của Mỹ đối với Liên Xô về công nghệ thông tin. Cuối cùng, FPT đã nhận được sự ủng hộ của các vị Lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước. Ngân hàng đồng ý cho vay tiền. Phó Thủ tướng – Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký quyết định miễn toàn bộ thuế xuất nhập khẩu cho hợp đồng này. Cuối cùng, hợp đồng bán máy tính đầu tiên được thực hiện thành công và FPT thu lời 1 triệu đô la đầu tiên.
Lời bàn:
Người ta hay nói đến từ “Vận hội”, nhưng ít người hiểu rõ ý nghĩa của nó một cách chính xác. “Vận hội” chính là những cơ hội do vận động mà có. Những người nằm “há miệng chờ sung” thường không biết vì sao cơ hội đến với mình lại ít hơn người khác. Từ một thông tin “Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô có nhu cầu mua mấy ngàn máy tính”, với rất nhiều khó khăn tưởng chừng bất khả thi, nhờ sự vận động mạnh mẽ và sáng tạo, chúng ta đã có một cơ hội kinh doanh tuyệt vời, mang về 1 triệu đô la đầu tiên cho FPT.
Bài viết rất hay. Hy vọng có nhiều công ty ở Việt Nam mình lớn mạnh như thế
bai nay hay day
Rất đáng học hỏi đấy.
Am hiểu về virus của anh lê vũ Kỳ giờ sao rồi, giỏi thêm được chút nào kh??? hehehe
Khâm phục các vị lãnh đạo FPT của chúng ta quá…!
tuyet that day.
nhung co ve tao bao