Phó Ban Văn hóa – Đoàn thể FPT Đinh Tiến Dũng (Giáo sư Xoay), một trong những nhân vật “đình đám” của FPT, sẽ trả lời trực tuyến với độc giả trên //chungta.vn vào 14h ngày 26/3.
Đây là lần đầu tiên báo Chúng ta thực hiện giao lưu trực tuyến và Giáo sư Xoay đã nhận lời “làm chuột bạch”. Với anh, đây cũng là lần đầu tiên tham gia buổi phỏng vấn trực tuyến với độc giả và người hâm mộ.
Năm qua, cái tên Đinh Tiến Dũng không chỉ bó hẹp trong nội bộ FPT mà đã lan tỏa mạnh mẽ ngoài xã hội sau khi anh tham gia vào các game show truyền hình lớn như: “Hỏi xoáy, Đáp xoay”, “Cặp đôi hoàn hảo”… Nội san Chúng ta cũng bình chọn anh là “nhân vật của năm ở FPT”. Mới đây, anh được bổ nhiệm vị trí Phó Ban Văn hóa – Đoàn thể FPT với nhiều thách thức trong việc khôi phục và phát triển văn hóa FPT. Đặc biệt, với vai trò là một Bí thư Đoàn FPT, trong ngày kỷ niệm thành lập Đoàn TNCS HCM 26/3 tới đây, chắc chắn anh sẽ có nhiều điều chia sẻ.
Sinh năm 1981, tốt nghiệp khóa 44 chuyên ngành Cây trồng, Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, nhưng với tính cách phóng khoáng và tài năng “trời phú”, anh lại thành công trong các hoạt động nghệ thuật và phong trào. Thời gian học đại học, anh là một thành viên tích cực trong công tác Đoàn, từng trải qua các chức vụ: Chủ tịch Hội sinh viên khoa Nông học, Chủ tịch Hội sinh viên Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, anh làm việc tại Trung ương Đoàn và về đầu quân cho FPT từ năm 2005.
Kinh qua nhiều vị trí, nhưng một trong những dấu ấn sâu đậm mà anh để lại khi công tác tại Đại học FPT (từ năm 2007) với vai trò Trưởng Phòng Công tác sinh viên là đưa môn võ Vovinam vào giảng dạy bắt buộc cho sinh viên. Sau hơn hai năm “dừng chân” ở Đại học FPT, anh được triệu tập về lại Tập đoàn FPT để xây dựng phong trào và văn hóa doanh nghiệp.
Sự nổi tiếng của Đinh Tiến Dũng bắt đầu vượt ra ngoài “biên giới FPT” từ khi anh trở thành Giáo sư Cù Trọng Xoay trong “Hỏi xoáy, Đáp xoay” của chương trình Thư giãn cuối tuần, do VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện.
Vị “Giáo sư” với hình thức ngô ngố nhưng trả lời uyên bác, hài hước đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả. Lượng “fan” của anh tăng lên nhanh chóng, chưa bao giờ người ta thấy “phát cuồng” vì một vị Giáo sư như vậy.
Trên mạng xã hội, thông tin về anh tràn ngập. Chỉ cần đánh từ khóa “Giáo sư Xoay”, trong vòng 0,08 giây sẽ cho khoảng 2.440.000 kết quả. Còn nếu tìm kiếm tên thật của anh “Đinh Tiến Dũng” kèm thêm từ “FPT” cũng cho ra ngay 228.000 kết quả.
Sau khi đã nổi danh ở ngôi vị “Giáo sư Xoay”, tên tuổi của anh càng được dịp bùng lên khi tham gia vào chương trình truyền hình “Cặp đôi hoàn hảo” của VTV3 Đài truyền hình Việt Nam. Anh đã lọt vào Top 4 của cuộc thi và nhận được sự ủng hộ của đông đảo khán giả.
Thậm chí, khi cặp đôi của anh bị loại, đã dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ trong cộng đồng mạng, nhiều người còn đòi tẩy chay chương trình.
Đang “nổi như cồn”, thì trong chương trình giao lưu với sinh viên tối 16/2 vừa qua, “Giáo sư Xoay” bất ngờ tuyên bố sẽ không còn đảm nhận vai diễn Cù Trọng Xoay trong chương trình “Hỏi xoáy, Đáp xoay” nữa.
Thông tin này khiến cho người hâm mộ không khỏi hoang mang, bất ngờ. Đáp lại điều đó, anh điềm tĩnh chia sẻ “sẽ trở về làm nhân viên văn phòng bình thường, đảm nhiệm một vị trí mới trong tập đoàn mà tôi đang làm việc”.
Dường như câu trả lời đó chưa làm độc giả thỏa mãn khiến cánh báo chí săn đuổi, phỏng vấn để tìm ra nguyên nhân vì sao Giáo sư Xoay rời bỏ cuộc chơi khi đang chiếm được cảm tình của đông đảo mọi người.
Đúng thời điểm này, Giáo sư Xoay lại lên đường sang Nhật (từ ngày 5 đến 13/3) và có chuyến công tác đầy ý nghĩa với tư cách là thành viên của đoàn đại biểu chính trị gia trẻ Việt Nam.
Anh tâm sự, anh sẽ tiếp tục công cuộc làm giàu lại vốn liếng của mình, để rồi một ngày nào đó sẽ trở lại với một vai trò mới.
Trong chương trình giao lưu trực tuyến trên //chungta.vn chiều 26/3 tới đây, những vấn đề xung quanh hoạt động văn hóa, đời sống tinh thần và các hoạt động của Đoàn thanh niên ở FPT cũng như những thắc mắc của độc giả về công việc, cuộc sống của Giáo sư Xoay sẽ được anh trực tiếp trả lời.
Độc giả có thể gửi trước câu hỏi về địa chỉ e-mail: [email protected].
Theo Chungta.vn