Chúng ta mãi chỉ là học trò

11:10 22/03/2012

Chúng ta mãi là học trò. Tôi không nghĩ học chỉ là đến trường, bởi trường học lớn nhất là trường đời, người thầy lớn nhất là cuộc sống.

Tôi năm nay mới ngoài hai mươi, nhưng lắm lúc tôi tự hỏi ở cái tuổi gần đất xa trời người ta nghĩ gì? Tôi không biết? Vậy nếu tôi có thêm vài mươi năm nữa để trải nghiệm thì cuộc sống sẽ dạy cho tôi điều gì?

Tôi không biết! Tôi chỉ biết chắc một điều là khi chúng ta nhắm mắt lìa đời, chúng ta vẫn chỉ là học trò, chúng ta không học nữa, chúng ta dừng lại. Khi ấy, những quả tim ở lại sẽ nhớ những gì chúng ta đã tô điểm cho đời? Chúng ta đã cống hiến được gì?

Chúng ta đã làm đẹp cho đời bằng những mảng màu tươi sáng hay chúng ta đã tô đen đời mình trong im lặng? Nếu ta đã tô đen đời mình, ra đi trong sợ hãi và tiếc nuối thì những người thầy, người cô của chúng ta chắc sẽ buồn lắm!

Chúng ta mãi là học trò. Tôi không nghĩ học chỉ là đến trường, bởi trường học lớn nhất là trường đời, người thầy lớn nhất là cuộc sống. Đó là người thầy dạy cho ta con chữ, người cha, người mẹ dạy cho chúng ta lẽ sống, là người anh, người chị, người bạn.

Họ dạy cho chúng ta biết yêu thương. Hay đơn giản chỉ là một người lạ lướt qua đời ta và cho chúng ta một bài học về cuộc sống. Đó là hiện thân của những người thầy!

Tôi cũng đã từng là học trò và sẽ mãi là học trò!

Ngày xưa, tôi mơ mộng rất nhiều. Tôi lớn lên một cách tự nhiên và hoàn toàn trong sáng trong khoảng trời thơ ngây đó. Bây giờ tôi vẫn còn mơ mộng, tôi mơ mình có thể đem giấc mơ lúc nhỏ để đặt vào thực tại nhưng có lẽ tôi chỉ có thể vẽ nó thành tranh để mà ngắm thôi.

Vì “buông” có khi là “nắm”, “từ bỏ” có khi lại là “bắt đầu”, quan trọng điều gì là thực sự cần thiết. Bởi lẽ cuộc sống ngắn ngủi, người ta không thể chạy theo mãi những điều phù du. Bao nhiêu người thầy đã đi qua đời tôi, có người thoảng như cơn gió nhẹ, có người là một dấu chấm thang đã in sâu vào dòng cảm xúc. Xin tưởng nhớ về khoảng trời thơ ngây!

Ngày tôi vào mẫu giáo, tôi khóc khi mẹ về để tôi lại với cô dạy trẻ. Cô Trang! Tôi vẫn nhớ về cô. Giờ đây, tôi không thể nhớ rõ về cô nhưng tôi nhớ cô rất dịu dàng.

Tôi học chung với vài chục đứa trẻ, bọn trẻ chúng tôi được ngồi thành hình chữ U, cô Trang cầm một thứ gì đó trên tay vừa vỗ, vừa hát. Tôi không biết món đồ phát ra âm thanh vui nhộn đó là gì, chỉ nhớ mỗi lần nghe âm thanh đó, tôi biết đó là cô.

Chúng tôi có nhiều món đồ chơi, những chiếc xe tăng, những chiếc xe tải, nhưng chiếc xe vặn lò xo là tôi thích hơn cả. Những món đồ chơi mới mẽ khiến tôi say sưa đến mức quên chuyện không có mẹ bên cạnh. Tôi đắm chìm trong thể giới trẻ thơ của riêng mình.

Cuối buổi, cô dẫn tôi ra cổng, đứng đó một lúc thì mẹ tôi đến. Mẹ dẫn tôi về nhà trên con đường nhựa sạch sẽ của quê, mẹ nắm tay tôi đi sát lề đường. Gió chiều thổi nhè nhẹ, gió đưa trên cánh đồng, xa xa là vài ngôi mộ, bất chợt vài tiếng chim chiều lẻ loi.

Dáng mẹ tôi mảnh khảnh trong chiều, còn tôi ngày đó bụ bẫm lắm, mẹ vừa đi vừa xoa đầu tôi, tôi khoe với mẹ bài học đầu tiên của mình: “Con thỏ, ăn cỏ, uống nước, chui vô hang”.

Tôi vào tiểu học, hằng ngày tôi đến trường, đôi chân bé nhỏ in dấu mọi ngóc ngách, mọi con đường của thị trấn thôn quê. Lũ trẻ chúng tôi vui đùa, lớn lên trong nắng và trong gió. Không điều gì khiến chúng tôi chau mày hay nghĩ ngợi.

Những khái niệm của quá khứ và tương lai chưa thuộc về chúng tôi. Chúng tôi không nghĩ gì xa hơn thực tại, nếu có đó chỉ là những cái hẹn, những cái hẹn với lũ bạn. Nào là đi tắm sông, đi bắn chim với ná thun, bắn bi, tán lon và đủ thứ trò tinh nghịch khác.

Lũ trẻ chúng tôi có thể đến trễ hay hủy cuộc hẹn đơn phương, chẳng ai nói gì ngoài việc tẩy chay: “Đừng chơi vơi nó nữa!”. Nhưng có cái hẹn lũ trẻ con chúng tôi rất sợ: bài tập về nhà. Đó là thứ cản trở lũ chúng tôi tụ tập, là thứ khiến chúng tôi phải than vãn với nhau, là thứ khiến chúng tôi phải chịu đòn roi.

Thuở ấy, tôi hay nhìn ra cửa sổ, nhìn xuống sân trường, nhìn cây bàng sum xê lá, nhìn những mảng tường màu sắc loang lỗ.

Ở trường, tôi được dạy biết bao nhiêu điều tươi đẹp, màu xanh của cây cỏ, màu nâu của đất, màu vàng của nắng, biết bao hình ảnh con người sống giữa thiên nhiên qua từng trang sách. Thời thơ ấu của tôi đã trôi qua như vậy, để bây giờ tất cả đều mờ ảo mỗi khi nhớ về.

Rồi tôi vào cấp hai, tôi bắt đầu nghĩ mình đã lớn, đã biết nhiều thứ. Nhưng đó là tôi nghĩ vậy. Tôi trở nên xốc nổi, muốn thể hiện cái tôi của mình. Đó là những tháng năm niên thiếu với những thách đố của chúng bạn. Tôi háo thắng, trở nên cứng đầu hơn, cãi lại thầy cô và đánh nhau với bạn bè để chứng tỏ mình.

Nhưng cuộc sống đã dạy cho tôi là nó rất thực, thực trong từng quả đấm mà thằng bạn dành cho tôi. Tôi bầm dập và cảm thấy xấu hổ! Tôi ngồi ở bãi cỏ sân trường, chỉ mình tôi trong chiều tối, cả người ê ẩm.

Khi đó, cuộc sống đã dạy cho tôi một điều là dù tôi có là ai sau một trận đấu, kẻ thắng hay người thua thì cuộc sống vẫn tiếp diễn như nó vốn có, tôi chỉ là một phần của cuộc sống. Tôi lặng lẽ về nhà như một kẻ thua cuộc, tôi không còn vĩ đại như mình nghĩ.

Tôi vào cấp ba. Đó là những tháng ngày mà tim tôi rung động trước áo dài nữ sinh, trước mái tóc xõa dài, làn môi tươi trẻ và đôi mắt trong của ai đó. Tôi bắt đầu ôm tương tư lên lớp, mang tương tư về nhà, gửi tương tư vào thơ và cho tương tư vào bí mật. Nhưng thuở ấy, điều gì là bí mật?

Chẳng điều gì cả! Ai cũng biết hết, ai cũng trêu, ai cũng cười và một người bẽn lẽn! Rồi một ngày, ai đó không còn bẽn lẽn nữa, ai đó không chỉ đi một mình nhưng không phải là với tôi.

Tôi buồn bã, tôi thơ ngây bỏ cuộc khi trái tim vẫn còn bối rối mỗi khi bất chợt nhìn thấy làn môi đó. Tôi đã biết rung động, nhớ nhung và biết gửi cao thượng vào tình yêu. Tôi biết cuộc sống không chỉ có tình yêu mà còn có nỗi nhớ. Cuộc sống đã dạy cho tôi nhiều điều.

Vào những tháng năm cuối cùng, quá khứ, kỷ niệm hiện rõ hơn hơn bao giờ hết và tương lai là một dấu chấm hỏi. Vì người ta nói chúng tôi đã trưởng thành, phải là một cá nhân độc lập chịu hoàn toàn trách nhiệm về đời mình.

Chúng tôi bắt đầu nao núng, chúng tôi sẽ ở đâu và làm gì? Không ai lên tiếng cả. Và thế là chúng tôi lặng lẽ sống một cuộc đời khác, một cuộc đời của ai đó. Bởi người lớn đã không dạy cho chúng tôi cách sống cuộc đời của mình thì làm sao chúng tôi có thể tìm cho mình một lối đi.

Đừng ngộ nhận đó là tình thương. Bao ước mơ chôn vùi từ đây. Và chúng tôi sẽ hổ thẹn biết bao nếu một ngày nào đó cuộc sống này lên tiếng rằng: “Hãy có một ước mơ!”.

Giờ đây, khoảng trời thơ ngây đã xa. Tôi vẫn chỉ là học trò của một ngôi trường lớn: trường đời!

Cuộc sống là người thầy vĩ đại, dạy cho chúng ta cách nhận ra mình là ai, ngoài kia có gì, cách sống hạnh phúc và cống hiến. Tôi không muốn dừng học khi bước ra khỏi khoảng trời đó, tôi không muốn học một cách lệch lạc, không định hướng, vì đó không phải là học, đó chỉ là tìm một lối sống thực dụng.

Vì ta sống trên đời này không chỉ là sống cho xong kiếp người, mà sống cách làm một con người tô đẹp thêm cho cuộc sống. Đừng để đến những giây phút cuối cùng khi nhìn lại đời mình, ta nhận ra rằng mình đã lãng phí thời gian, đã phớt lờ cuộc sống với những quy luật vốn có của nó, đã sống trong đau khổ triền miên hay đã chạy theo điều phù du và không nhận ra những điều tươi đẹp.

Ta sẽ ra đi trong sợ hãi vì đã chọn cho mình một lối sống sai lầm. Có lẽ đến những giây cuối, cuộc sống sẽ dạy cho chúng ta bài học cuối cùng: bài học làm người. Nhưng tất cả đã muộn rồi.

Lúc ấy, những kỷ niệm về khoảng trời thơ ngây sẽ khiến ta cô đơn hơn bao giờ hết.

Nguyễn Phan Bảo Duy

Cuộc thi ‘Viết cho tuổi học trò’

Cuộc thi nhằm giúp các bạn trẻ chia sẻ những câu chuyện về tuổi học trò, vui hoặc buồn, khiến bạn bật cười hay muốn khóc khi nghĩ đến. Nhưng đó là nơi cất giữ một phần con người bạn, là một cuốn cẩm nang đúc kết những bài học sẽ theo bạn suốt cả cuộc đời.

Hãy chia sẻ với chúng tôi con người đó, câu chuyện đó của bạn hoặc những người xung quanh để những bài học của bạn sẽ trở thành của mọi người, để giúp cho ai đó còn đang chưa tìm được lối thoát sẽ nhận ra sự đồng cảm và niềm hy vọng vẫn tồn tại trong cuộc đời này và để tuổi học trò mãi mãi là những dấn ấn không quên trong mỗi chúng ta.

Chương trình do VnExpress.net, Ione.net và FPT Mạng cá cược bóng đá  phối hợp tổ chức. Thời gian nhận bài từ 28/2 – 28/4.

Xem thông tin chi tiết về cuộc thi và gửi bài tham dự tại đây

Đăng Kí học Fpoly 2023

1 bình luận trong “Chúng ta mãi chỉ là học trò

  1. hay, đọc xong cảm nhận được nhiều điều. Chúng ta mãi chỉ là học trò, hi vọng mọi người biết rằng mỗi người sống trên đời này không phải là ganh đua, không phải vì tiền mà là cống hiến.

Bình Luận