Về nhà sớm vì động đất

5:41 12/04/2012

Chưa dứt hoang mang bởi cơn động đất nhẹ lúc 16h, vào khoảng 17h50, cảm giác rung lắc lại “tái xuất” ở trụ sở FPT Online, số 408 Điện Biên Phủ, phường 11, quận 10, TP HCM. Một số nhân viên tại tòa nhà đã ra về sớm vì lo sợ.

Nhiều người tại tòa nhà cao tầng hoảng sợ bỏ chạy vì động đất.

Ngoài khơi đảo Sumatra của Indonesia hôm nay rung chuyển vì một trận động đất mạnh tới 8,7 độ Richter. Cảnh báo sóng thần đã ban bố cho toàn vùng Ấn Độ Dương. Tại Việt Nam, người dân ở Hà Nội và TP HCM cũng cảm nhận được trận động đất cực mạnh ở Indonesia với “cảm giác rung lắc” trong các tòa cao ốc.

Theo anh Ngô Thiên Chương (Báo điện tử VnExpress HCM), khi cơn động đất nhẹ xuất hiện, tòa nhà có dấu hiệu rung lắc. Anh hóm hỉnh: “Tấm biển logo VnExpress lắc qua lắc lại như quả lắc đồng hồ. Từ tầng 3 tòa nhà 408 Điện Biên Phủ, các nhân viên đã cảm nhận được điều này. Nhiều người ngồi làm việc tại tầng 4, 5, 6 và 7 bỏ chạy xuống đường vì lo sợ”.

Anh Chương chia sẻ thêm, tuy đồ đạc không bị rơi vì rung động nhẹ, nhưng ai cũng bị chóng mặt. Khi anh vừa thông báo rằng mọi thứ đã yên ắng thì đợt rung động tiếp theo đã “trở lại”. Lần này, tòa nhà lắc mạnh hơn, sau đó rung nhẹ, nhịp đều, kéo dài khoảng 2-3 phút. Hầu hết nhân viên tại các phòng ban khác đã ra về, chỉ còn lại bộ phận làm báo vẫn bám trụ.

Đã rời khỏi tòa nhà, dù vẫn nhớ cảm giác hoa mắt, chóng mặt của cơn rung lắc nhưng Trần Quốc Huy (Báo Sohoa.net) không có cảm giác lo sợ. Anh cười: “Việt Nam chẳng bao giờ động đất mạnh. Cả tòa soạn báo không có ai chạy, nhưng các phòng ban khác thì có. Đơn giản vì phóng viên của tòa soạn đã gọi điện cho Viện Vật lý địa cầu và được biết, động đất xảy ra tại Indonesia”.

Anh Nguyễn Anh Tuấn (Trung tâm Hỗ trợ khách hàng, FPT Online) kể sau đợt chấn động đầu tiên: “Tôi đang ngồi làm việc thì có cảm giác rung lắc như say rượu. Ban đầu tôi tưởng làm việc mệt quá bị hoa mắt, nhưng sau đó thấy mọi người xung quanh cũng kêu bị tương tự. Mỗi lần rung lắc chỉ kéo dài khoảng 1 phút, nhưng 3 lần liên tiếp khiến mọi người khá lo sợ. Hiện tại, mọi người đã ổn định và tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, vẫn chuẩn bị tinh thần để ra cầu thang nhanh nhất có thể”.

Ngồi cùng tòa nhà 408 Điện Biên Phủ, nhưng anh Trương Văn Chương (website Nhạc số) và chị Huỳnh Thanh Thanh (Phòng Nhân sự) không hay biết gì về những cơn rung động này.

Trong khi đó, ở phía bên kia sông Sài Gòn, chị Nguyễn Thị Bích Hạnh (FPT Telecom, khu chế xuất Tân Thuận, quận 7), chia sẻ: “Tôi ngồi làm việc tại tầng 7 nên cảm nhận được rung lắc, tuy nhiên cũng không nghĩ là động đất. Nhiều người ngồi cùng tòa nhà, nhưng ở tầng thấp thì cảm nhận không rõ, thậm chí, không hay biết gì”.

Ở phía Tây Bắc TP HCM, chị Phan Nguyễn Tường Vi, cán bộ Đại học FPT HCM, đang ngồi tại Tòa nhà Innovation, lô 24, Công viên phần mềm Quang Trung, quận 12, không cảm nhận được bất cứ rung động nào. Cô đùa rằng: “Có khi mình ngồi còn rung mạnh hơn động đất ấy”.

Cảm nhận tương tự cũng có ở Trần Minh Trí (FPT Software HCM, Khu công nghệ cao, quận 9) và Lê Tiến Dũng (FPT HO HCM, 153 Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, quận 3).

Cùng lúc, trên trang Facebook cá nhân của anh Lê Hồng Sơn (FPT châu Á Thái Bình Dương) cũng có những thông tin liên quan đến động đất tại Singapore. “Động đất ở khắp nơi, tòa nhà ICB đang rung lắc”, anh cập nhật trạng thái lúc 15h47 (giờ Việt Nam).

Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết trận động đất có cường độ 8,7 độ Richter và xảy ra lúc 14h38 giờ địa phương. Tâm chấn ở độ sâu 33 km, cách thành phố Banda Aceh ở phía bắc đảo Sumatra khoảng 431 km. Khoảng 18h chiều nay, xuất hiện dư chấn mạnh tới 8,2 độ Richter.Giáo sư Cao Đình Triều, chuyên gia Viện Vật lý địa cầu, khẳng định, những trận động đất ở Indonesia, Việt Nam rất khó bị ảnh hưởng nhiều. Khu vực phía Nam cảm nhận rung chấn rõ nhất, nhưng không lớn. Chiều 11/4, trạm đo địa chấn ở phía Nam ghi nhận được những rung động nhỏ, dưới cấp 5. Hiện chưa có cảnh báo sóng thần tại Việt Nam.Indonesia nằm gần các đứt gãy của trái đất, là nơi thường xảy ra động đất và núi lửa. Khu vực xảy ra động đất hôm nay cũng từng chứng kiến một trận động đất kinh hoàng hồi tháng 12/2004. Cơn đại địa chấn 9,1 độ Richter ngoài khơi Sumatra gây sóng thần ở các nước Ấn Độ Dương, khiến gần 300.000 người, trong đó có một phần tư ở Indonesi, thiệt mạng.

Ngày 11/3 năm ngoái, một trận động đất mạnh 9 độ Richter ở ngoài khơi đông bắc Nhật Bản gây nên trận sóng thần kinh hoàng, tấn công ba tỉnh của Nhật khiến 19.000 người thiệt mạng.

(Theo VnExpress)

 

Theo Chungta.vn

 

Đăng Kí học Fpoly 2024

Bình Luận