“Ngày 28/06/05, Công ty Hitachi Software đã giới thiệu Katsubun, một giải pháp tổng thể cho tài liệu điện tử. Katsubun phân chia các loại sổ sách (là sản phẩm đầu ra của các hệ thống tác nghiệp cơ bản) và office document (được tạo ra trong tác nghiệp OA) thành 3 phase “input-create system”, “storage–browse–effective use system”, “delivery system” và các phase có liên hệ với nhau. Hitachi Soft cũng đang quan tâm đến một giải pháp liên kết phối hợp giữa sử dụng có hiệu quả tài liệu của doanh nghiệp bằng Katsubun và bảo mật tài liệu bằng Hibun.”
Tôi muốn mượn mẩu tin trên của www.japan.internet.com để giới thiệu với các bạn về nội dung phát triển của đa số các kỹ sư phần mềm thuộc D5-G8, nhóm dự án EP, những người đang tham gia phát triển một phần của Katsubun.
Đội dự án
Dự án EP có phạm vi phát triển tương ứng với phase “input-create system” của Katsubun. Theo ý kiến của nhiều người thì đây là một dự án rất “thách thức” đối với G8, thách thức về qui mô phát triển, thách thức về năng lực quản lý, thách thức cả về kỹ năng chuyên môn.
Dự án start tại G8 từ tháng 3/2005 và đến nay mới chỉ đến được giai đoạn giữa của support for acceptance test. Ban đầu đội dự án chỉ có khoảng 4 thành viên (kể cả communicator) nhưng liên tục sau đó quân số của EP tăng lên với tốc độ chóng mặt để đáp ứng khối lượng công việc đồ sộ, và đến nay vẫn duy trì khoảng 30 thành viên. Đội dự án có một đặc điểm rất dễ nhận thấy là mọi người đều rất trẻ, làm cũng “trâu” mà nghịch cũng gớm. Với hầu hết các developer, thì đây chính là dự án đầu tiên của họ ở FSoft, và có lẽ cũng chính vì thế mà EP có sắc màu riêng của mình, sắc màu hơi “hoang dại”.
Tôi vẫn còn nhớ rất rõ khuôn mặt “méo xệch” của chị HanhHM mỗi khi “cơn lốc EP” tràn vào phòng liên hoan cuối tuần, rất nhanh chóng những gì có thể ăn được trên bàn biến mất…
Các bạn trẻ EP có sức bền trong công việc cũng rất đáng nể, trong giai đoạn design, dự án phải design mấy chục screen, mấy trăm method. Sản phẩm của họ, một mặt còn nhiều thiếu sót do chưa có kinh nghiệm, mặt khác được khách hàng comment rất nghiêm khắc đến cả những lỗi nhỏ nhặt nhất, thế nên họ đã phải “chiến đấu” với hàng mấy trăm lượt fix comment, review design…
Trong giai đoạn test, số lượng bug của dự án cũng thật “xứng tầm”, ngoài rất rất nhiều bug mà tester FPT tìm ra, khách hàng vẫn đều đặn gửi bug về, một chu trình quen thuộc được tiến hành bất kể thứ 7, chủ nhật, đêm hay ngày là translate -> fix bug -> release source code.
“Làm ngoài giờ” chưa bao giờ là một từ ngữ xa lạ với EP và có lẽ là với cả FSoft nữa. Vào những thời điểm phải làm Quality Gate hay release source code, anh HàPN – PL của dự án thường xuyên trong tình trạng “đầu bù, tóc rối” vì ở lại công ty muộn hoặc qua đêm. Tưởng chừng như đã kiệt sức, đã quá mệt mỏi vì dự án không tiến triển, khối lượng công việc và báo cáo quá nhiều, nhưng cả team cũng như SQA, PQA vẫn tiếp tục công việc của mình, vẫn nỗ lực để dự án kết thúc một cách tốt đẹp nhất có thể. Tuy EP chưa kết thúc nhưng G8 đã nhận được order tiếp theo phát triển một phần của phase “storage–browse–effective use system” và mọi người đều tin tưởng rằng với những kinh nghiệm quí báu từ EP, độ chín của người quản lý cũng như sự trưởng thành về chuyên môn của developers thì dự án BizCabinet và DocProducer sẽ suôn sẻ và thành công hơn EP.
Đội comter
Đội comter chúng tôi tất nhiên cũng lớn mạnh theo qui mô dự án. Ban đầu chỉ có tôi và chị HảiTT. EP là dự án đầu tiên tôi làm comter chính, thời gian đầu có bao nhiêu bỡ ngỡ khó khăn, cũng may mà có chị AnhNTV và HảiTT dìu dắt. Sau đó dự án được bổ sung comter fulltime và cả team HSK-comter đều back-up cho EP.
Thật khó mà tưởng tượng được tôi và chị Hải sẽ vượt qua những giai đoạn cao điểm đó thế nào nếu không có sự support của cả team.
Những lần gửi comment, HSK kiểm tra tỉ mỉ, nghiêm túc thiết kế của developer thì họ cũng không tiếc công sức chỉnh sửa tiếng Nhật cho chúng tôi. Những thuật ngữ chuyên môn không chính xác, những lỗi chính tả hay cả dấu chấm, dấu phẩy đặt không đúng chỗ…tất cả đều được comment đầy đủ. Có lẽ nhờ đó mà năng lực comter của dự án ngày một tiến bộ hơn thể hiện ở tốc độ dịch nhanh, chính xác hơn.
Thách thức lớn nhất đối với một comter mới như tôi trong dự án có lẽ là cường độ và nội dung của các TV meeting và trao đổi trực tiếp. Nhiều thời kỳ chị em chúng tôi phải “chống đỡ” một lịch trình meeting dày đặc gồm cả meeting về quản lý dự án cũng như meeting về kỹ thuật. Nhờ những cuộc họp này mà chị em tôi đã có dịp ở lại công ty đến tận tối thứ 7 hay nửa đêm vào những ngày thường để biết được xung quanh mình còn rất nhiều người vất vả, tận tụy với công việc.
Chị em comter rất quý đội dự án và ngược lại chúng tôi cũng cảm nhận được tình đồng nghiệp, tình bạn ngày càng gắn bó của anh em developer, tester dành cho mình. Tình cảm đó trở thành một phần ý nghĩa công việc của tôi, giúp tôi gắn bó hơn với công việc.
Những người HSK “đồng cam cộng khổ”
Để hỗ trợ chuyên môn cho dự án cũng như giám sát, quản lý tiến độ và chất lượng dự án EP, ngay từ tháng 5, khi dự án start design, HSK-EP đã cử kỹ sư của mình sang Việt Nam. Nói “đồng cam cộng khổ” là bởi vì trong những giai đoạn nước rút của dự án, họ đã ở lại với chúng tôi cả ngày nghỉ, cả đêm khuya để giúp tháo gỡ nhanh những thắc mắc của FPT trong design, coding, fix bug.
Thông cảm với FPT phải phát triển theo schedule rất chặt, hầu như không có buffer, có những lúc HSK đã cử sang 3 kỹ sư (1 chuyên quản lý, 1 chuyên BL, 1 chuyên UI) và 2 QA. Tôi rất ngưỡng mộ tinh thần hết mình trong công việc của các bác ấy và cũng ngỡ ngàng không kém tinh thần ăn chơi hết mình trong những lần đi chơi hay đi ăn nhậu cùng họ.
Đội dự án EP của FPT và HSK, trải qua hơn 9 tháng làm việc cùng nhau, đã có bao nhiêu vất vả, khó khăn (cả 2 bên đều chưa nghỉ hè mặc dù đã đến đông) và tất nhiên là rất nhiều điều chưa hài lòng về nhau nữa nhưng tất cả -chúng tôi đều vẫn đang miệt mài làm việc, đang vững tin vào sự thành công của dự án, của sự hợp tác rộng rãi và chặt chẽ hơn giữa 2 công ty – Hitachi Software và FPT Software.
HoaPTT – FSoft
Trích “Sử ký FPT 20 năm”