Không ồn ào náo nhiệt như các đô thị lớn phồn hoa cũng không quá tĩnh lặng như những vùng quê hẻo lánh, nằm cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 400km về phía tây, An Giang nhẹ nhàng kết hợp hài hòa giữa động và tĩnh, giữa nét hiện đại với văn hóa truyền thống, hội tụ đầy đủ dáng dấp của một mảnh đất phù sa hiền hoà, năng động và mến khách.
Rời thành phố Hồ Chí Minh, tôi bắt đầu cuộc “hành trình trên đất phù sa”. Đây chỉ là một chuyến đi onsite bình thường như cơm bữa nhưng không vì vậy mà tôi bỏ lỡ cơ hội thoả mãn sở thích “phiêu lưu” của mình.
Đi hết 56km, đến bến xe Châu Đốc, việc đầu tiên tôi quyết phải làm là quan sát xem các thiếu nữ miền Tây có đẹp như những gì người ta vẫn thường nói hay không. Chưa có gì đặc biệt ấn tượng lắm nhưng tôi tìm được một thứ còn hay hơn nhiều: Xe lôi. Đó là loại xe ba bánh được lôi bằng xe đạp. Đi lại bằng xe lôi, tôi tiết kiệm được gần 2/3 chi phí so với xe ôm. Và bằng cách di chuyển này, tôi dễ dàng chiêm ngưỡng được toàn cảnh nơi đây.
Điểm dừng chân tiếp theo là nơi nổi tiếng nhất Châu Đốc: Miếu Bà Chúa Xứ – núi Sam. Theo truyền thuyết miếu Bà do dân xây dựng để cúng bái vì tin vào sự linh thiêng của Bà. Lại có truyền thuyết cho rằng Thoại Ngọc Hầu đã đứng ra xây dựng theo lời trăn trối của vợ (bà Châu Thị Tế). Lúc đầu, miếu cất bằng tre lá. Năm 1962, miếu lợp ngói âm dương. Ðến năm 1972, ngôi miếu được xây lại, năm 1976 công trình mới hoàn thành.
Miếu Bà Chúa Xứ kiến trúc theo kiểu chữ “quốc”, có 4 mái hình vuông, nóc lợp bằng ngói ống màu xanh. Nhà để tượng cũng 4 mái hình vuông. Trong miếu thờ tượng Bà Chúa được tạc bằng đá xanh, có giá trị nghệ thuật cao. Hội Bà Chúa Xứ được tổ chức hằng năm rất lớn vào các ngày cuối tháng 4 âm lịch. Hàng vạn người đổ về đây dự lễ tắm tượng Bà, lễ dâng hương cầu phúc lành…
Miếu Bà tuyệt đẹp và khung cảnh xung quanh cũng đẹp không kém. Nhưng có một điều gây cho tôi bất ngờ thú vị là tất cả các ngôi nhà ở khu vực gần và lân cận Miếu (nhà nhỏ, nhà to, nhà đẹp, hay đơn giản là những nhà cất tạm) đều… biến thành nhà trọ để phục vụ cho hội Bà và sau đó lại quay lại nghề chính – nhà ở.
Nhắc đến An Giang sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến cá basa. An Giang là nơi cung cấp một số lượng lớn cá basa cho xuất khẩu, và có lẽ do vậy mà ngay công viên giữa trung tâm thị xã Châu Đốc dựng luôn một biểu tượng cá basa. Ấn tượng ở chỗ là chú cá basa này không bơi dưới nước mà ngẩng cao đầu hướng về phía trời xanh như thể hiện cho niềm tự hào của người dân nơi đây về nguồn thủy sản phong phú của mình. Và ngay dưới chân chú cá basa này là hai bè rất lớn nuôi cá basa… hoàn toàn thật.
An Giang không chỉ có miếu Bà Chúa Xứ (núi Sam Châu Đốc) nổi tiếng, mà còn có những làng Chăm trữ tình bên bờ sông Hậu. Cái độc đáo của người Chăm An Giang còn vì họ theo đạo Hồi chứ không phải theo đạo Bà La Môn như người Chăm Ninh Thuận. Bước vào làng Chăm là bạn đã lạc vào một thế giới khác. Mỗi làng Chăm luôn có một thánh đường Hồi giáo bề thế, uy nghi, lung linh trong nắng mai hay chiều xuống.
Nhà cửa cũng có kiểu kiến trúc khác thường với các hoa văn trang trí và cách bài trí trong nhà. Thấp thoáng bên song cửa là những “bóng hồng” đang ngồi quay tơ hay đang ngồi dệt thổ cẩm dưới sàn nhà. Đặc biệt, phụ nữ Chăm rất đẹp lại luôn mặc trang phục truyền thống nên thấy họ càng thêm “huyền bí”. Sáng sớm, sông Hậu mờ sương, phủ lên làng Chăm lớp mây ướt lạnh, cảnh vật, con người thoắt ẩn thoắt hiện, nhà ai đốt lửa, tiếng dê, bò hí vang, thánh đường trang nghiêm trong tiếng cầu kinh Koran… Lạc vào làng Chăm, tôi như trở về cổ tích.
Tham quan luôn đi đôi với mua sắm, sau khi đã… ghi lại dấu chân trên các nẻo đường ở An Giang, tôi lân la dò hỏi những địa chỉ mua sắm… rẻ rẻ nhưng đáng tin cậy để… giữ lại chút gì đó về Châu Đốc. Người miền Tây nói chung và người An Giang nói riêng vô cùng mến khách.
Chẳng đâu xa, những nhân viên nơi tôi onsite rất thân thiện và nhiệt tình, không biết vì tôi là khách và hay vì tôi là FPTer. Nhưng vì lý do gì thì sự thể hiện của họ cũng xuất phát từ một sự mến khách thật sự, một điều tưởng chừng như đơn giản nhưng khó có thể tìm thấy ở nơi khác. Họ tận tình hướng dẫn và đưa tôi đến một chợ điện tử gọi là “gò” nằm ngay biên giới Campuchia. Ở đây bán rất nhiều mặt hàng điện tử từ máy CD, DVD đến điện thoại di động… với giá rẻ bất ngờ nhưng để có thể an toàn sở hữu những thứ mà mình muốn mua thì phải nhờ đến “cò mồi”. Hơi rắc rối nhưng cũng khá thú vị.
Và điều làm bất ngờ nhất cho những ai đến đây là khi được người dân kể cho nghe về ngôi đền Ba Chúc.
Trong ngôi đền nhỏ này chứa tới hơn ba ngàn hài cốt người dân Việt Nam, kết quả của cuộc thảm sát kinh khủng của bọn diệt chủng Khơme đỏ vào năm 1978. Nó là một nơi hành hương để tìm về và nhớ đến cho những ai đã từng sống ở nơi đây vào thời kỳ đó, một giai đoạn lịch sử mà không ai muốn nó xảy ra thêm một lần nào nữa.
Ba tuần ở An Giang không phải là thời gian dài nhưng cũng đủ để tôi nếm trải những điều hay và những cảnh đẹp thuần khiết của mảnh đất phù sa nằm e ấp bên dòng sông Hậu này. Quả vậy, không ồn ào náo nhiệt như các đô thị lớn phồn hoa cũng không quá tĩnh lặng như những vùng quê hẻo lánh, An Giang nhẹ nhàng kết hợp hài hòa giữa động và tĩnh, giữa nét hiện đại với văn hoá truyền thống, hội tụ đầy đủ dáng dấp của một mảnh đất phù sa hiền hòa, năng động và mến khách.
ThihX – FSoft HCM
Trích “Sử ký FPT 20 năm”