Có lẽ phần lớn những ai làm ở FSoft cũng ít nhất dăm ba lần nghe đến cái “Cờ mờ mờ y” không ít thì nhiều. Có người chỉ bắt gặp cái tên ấy trên bảng tin, hay lưới qua trên thông báo ở Intranet, cũng có những người vì nghiệp vụ chuyên môn đã phải nhai đi nhai nó trong suốt mấy tháng. Nhiều đến mức phát động đi phát động lại, chán chê mê mỏi mà chỉ có một nhúm nhỏ của FSoft thực sự để ý đến. Vậy sự thờ ơ của số còn lại xuất phát từ đâu? Tại sao những chiến dịch quảng bá rầm rộ của FSoft về CMMI lại “trở về hư vô” như vậy?
CMMI là viết tắt của Capability Maturity Model® Integration: Một phương pháp cải tiến quy trình nhằm giúp các các tổ chức có phương hướng xây dựng những quy trình hiệu quả hơn. Được Hiệp hội Công nghệ Phần mềm (Software Engineering Institute) ban hành, CMMI được tất cả các khách hàng coi như một thương hiệu đánh giá khả năng quản lý quy trình của mỗi công ty. Nếu có được kết quả đánh giá CMMI ở mức cao nhất như FSoft đã đạt năm 2006, thì đó sẽ là một trong những điểm nhấn quan trọng, làm cho FSoft ở trên một tầm cao hơn hẳn các công ty cạnh tranh với mình. FSoft không phải công ty đầu tiên đạt CMMI ở mức 5 tại Việt Nam, và chắc chắn cũng sẽ có nhiều công ty phần mềm khác sẽ đạt được danh hiệu này. Liệu FSofters có phải những người chỉ sống trong cái màng ảo tưởng bao bọc mình rằng chúng ta là công ty phần mềm số 1 ở Việt Nam, và mãi mãi là như thế, hay sẽ bám sát thực tế và tự nâng cấp vốn liếng dồi dào mà chúng ta đã có?
CMMI to tát vậy đấy, thế mà, cho đến giờ, chắc nhiều bác cũng chỉ mơ hồ CMMI là một cái bằng quốc tế, cái gì đấy mà ai làm về phần mềm cũng biết đến nhưng mình không biết cũng không sao, cũng chẳng thèm quan tâm xem tại sao FSoft lại phải mất công rục rịch bao nhiêu chiến dịch PR, bao nhiêu buổi kick off rồi tổng kết, lại bắt các dự án chuẩn bị để đánh giá thử. Tại sao lại phải mất bao công sức với nó như vậy nhỉ? Tất cả những nỗ lực của QA, của các DL, GL, CMMI đọng lại những gì trong mỗi FSofter? Hay CMMI đơn giản chỉ là một “giải thưởng” để FSoft đem ra trưng bày, đem đi khoe với khách hàng, một con dấu trên mỗi tấm danh thiếp của FSofter?
Với tình hình phát triển của FSoft như bây giờ, quân số tăng, nhưng không nhiều, không đủ để đáp ứng nhu cầu về nguồn lực để cập nhật, duy trì, cải tiến các tài liệu thường xuyên. Đợt kiểm tra thử cho thấy quy trình sản xuất các dự án chưa đạt mức 5 như đề ra. Có rất nhiều GAP cơ bản trải dài từ level 2 đến level 5. Để đạt được mức cao nhất và để CMMI của FSoft tiếp tục có giá trị đòi hỏi người dân FSoft phải ý thức được rằng CMMI ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, thương hiệu và năng suất thực tế của công ty, và gián tiếp đến quyền lợi của mình. Sống theo kiểu “bầy đàn” đã lâu, tư tưởng mình ta không làm không chết ai và quít làm cam hưởng đã ăn sâu vào máu, kể cũng thật khó để giác ngộ lý tưởng cộng sản: Làm tất cả cho cái Tốt chung.
Có lẽ một số người sẽ vì tình yêu với FSoft mà sẵn sàng chiến đấu với CMMI, nhưng số còn lại chắc hẳn không phải vậy. Với mục đích khơi động “toàn quốc kháng chiến,” thấm nhuần “ý thức cách mạng” đến từng thành viên, từng giám đốc các đơn vị sản xuất của FSoft, một chương trình động viên khuyến khích, một chế độ thưởng phạt trong quá trình xét tiêu chuẩn CMMI đã được thiết lập. Chắc hẳn mọi người đều biết FSoft không phải là công ty thiếu tiền, và nếu lương không được coi là ngất ngưởng, thì những dịp như thế này là cơ hội để bù đắp cho nỗ lực mà các FSofter đã bỏ ra cống hiến cho công ty. Mức thưởng cao nhất cho xây dựng, cải tiến quy trình, tài liệu, biểu mẫu, nếu đạt loại A sẽ là 5 triệu VND và 5 điểm cho checkpoint. Vì nội dung thưởng quá nhiều, QA cung cấp một bản thưởng phạt kỹ lưỡng, đầy đủ trên website của FSoft.
Có thể có khả năng FSofter không hề để tâm tới CMMI cũng là vì QA hay công tác tuyên truyền chăng? Công việc phức tạp cộng thêm tính kỹ thuật của công việc quản lý chất lượng làm một số báo cáo của QA khó hiểu với những người không làm công việc liên quan đến dự án. 70% FSofter là kỹ sư phần mềm, nhưng điều đó có nghĩa rằng có 30% có thể không thật sự nắm được về CMMI hay bất kỳ vấn đề gì quá kỹ thuật. Nói vậy, công tác tuyên truyền của CCM đúng là sợi dây nối cho hai phía này, nhưng sợi dây ấy cũng có những lúc đứt quãng vì CCM cũng là BA, cũng khó tiêu hóa những khái niệm mới. Vì vậy, mà mặc cho bao nhiêu tấm poster, bao nhiêu bài báo trên Cucumber cũng không đủ để truyền tải hết nội dung và gây ảnh hưởng đến toàn FSoft?
Với những chiến dịch rầm rộ và hoành tráng như thế này, nội dung tốt là chưa đủ, mà có lẽ, “ban tổ chức” và “các nhà chức trách” cần phải học cách đánh bóng cho bản thân, đánh bóng tác phẩm của mình để sản phẩm cuối cùng đưa ra dễ hiểu, dễ thấm, và thu được nhiều hưởng ứng của các đối tượng tham gia.
ThanhPP – FSoft
Trích “Sử ký FPT 20 năm”