Một nhà báo sau chuyến đi Trường Sơn cùng đoàn thanh niên FPT đã nói rằng, ấn tượng mạnh nhất của anh là sự tự tin của người FPT. Cái mà nhà báo này thích nhất là câu “Tiến lên toàn cầu – đếch biết gì cũng tiến” trong bài hát “Phần mềm ca”, do các kỹ sư phần mềm biểu diễn.
Sự tự tin là phẩm chất mạnh mẽ nhất của người FPT. Nó được bắt nguồn từ thế hệ lãnh đạo khởi nghiệp, cái thế hệ lớn lên trong chiến tranh, được du học nước ngoài, đã từng bị khinh khi vì nghèo khó, đã từng chứng kiến sức mạnh phương Tây, nhưng không hề tự ti vì hiểu rằng, một dân tộc đã từng đánh thắng Mỹ thì chẳng việc gì phải khiếp sợ trước bất cứ ai. Trên thực tế, các anh đều là những sinh viên giỏi nhất trong các trường đại học danh tiếng quốc tế, được nhiều giáo sư đánh giá rất cao và được bạn bè quốc tế kính trọng.
Năm 1993, phái đoàn 27 tỷ phú do tỷ phú Rockerfeler dẫn đầu sang thăm Việt Nam. Tại buổi chiêu đãi, quan sát anh Trương Gia Bình đứng nói chuyện với tỷ phú Rockerfeler rất say sưa, một giám đốc doanh nghiệp Việt Nam có mặt tại buổi chiêu đãi đã nhận xét: “Chỉ riêng việc cha này nghĩ rằng câu chuyện của mình sẽ được nhà tỷ phú rất quan tâm đã chứng tỏ hắn tự tin đến mức nào”. Nhiều đối tác quốc tế khi đến Việt Nam có phong cách rất thực dân, nhưng sau khi vấp phải sự tự tin của các anh Hoàng Nam Tiến, Bùi Quang Ngọc…, đều tỏ ra mềm mỏng dễ thương.
Các thế hệ FPT tiếp theo cũng phát huy được phẩm chất này. Người FPT không sợ khó, không sợ mới. Biết thì dĩ nhiên không sợ, nhưng không biết cũng không sợ. Một cán bộ mới vào FPT, lần đầu tiếp xúc với đối tác quốc tế, đã rất lo lắng vì trình độ tiếng Anh chưa tốt, đã được động viên: “Nó đến Việt Nam tiếng Việt không biết mà cũng không sợ, cậu ở Việt Nam tiếng Anh không biết thì có gì phải sợ”.
Đối với người FPT, yếu kém không phải là lý do để tự ty, mà chính là cơ hội để tiến bộ, cơ hội để hoàn thiện bản thân. Sự tự tin là hành trang không thể thiếu của người FPT nói riêng và người Việt Nam nói chung, trong cuộc chiến toàn cầu hóa.